Thị trường bia Việt gặp khó – Nhìn từ kết quả kinh doanh của các “ông lớn” ngành bia
Trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào Top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các nhà sản xuất bia lớn như đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng.
“Ông lớn” ngành bia CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) vừa công bố BCTC quý III/2023 với doanh thu giảm 14% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng, Sabeco ghi nhận lợi nhuận ròng 3.170 tỷ đồng, giảm 24% so với 9 tháng đầu năm ngoái. Với mức lãi này, Công ty đã hoàn thành khoảng 57% kế hoạch lợi nhuận năm.
Một công ty bia khác, CTCP Habeco – Hải Phòng ghi nhận lãi sau thuế là 736 triệu đồng trong quý III/2023, giảm 75% so với cùng kỳ. Nhưng con số này được coi là tích cực hơn con số lỗ của 2 quý trước đó.
Nguyên nhân, theo Habeco – Hải Phòng, là do sản lượng trong kỳ giảm, bao gồm sản lượng sản xuất giảm 21% và sản lượng tiêu thụ giảm 26% so với cùng kỳ. Ngoài ra, giá nguyên vật liệu chính tăng mạnh như giá Malt, gạo, đường đã ảnh hưởng đến giá thành sản xuất đã làm giảm lợi nhuận. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Habeco – Hải Phòng giảm 29% xuống còn 130 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, Công ty báo lỗ hơn 9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4 tỷ đồng.
Những đơn vị còn lại cũng đồng loạt giảm lãi mạnh, đơn cử Bia Sài Gòn – Quảng Ngãi giảm đến 55% LNST sau 9 tháng (chỉ còn 78 tỷ đồng), Bia Sài Gòn – Sông Lam giảm 45% xuống còn 22 tỷ; Bia Hà Nội – Hải Dương giảm 1/3 lợi nhuận chỉ còn 7 tỷ đồng...
Từng dẫn đầu tiêu thụ bia toàn Đông Nam Á, thị trường Việt Nam đang yếu đi rõ rệt
Nói về ngành bia, trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào Top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 9 trên toàn thế giới. Tuy nhiên, trong chia sẻ với báo giới mới đây, các nhà sản xuất bia lớn như Heineken và Carlsberg đều ghi nhận sụt giảm đáng kể trong doanh số bán hàng, đặc biệt tại thị trường Việt Nam.
Giám đốc Điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink, Heineken cho biết đang trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam – một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam”, ông Dolf nói.
Phía Carlsberg, đại diện là ông Cees’t Hart, cũng nhấn mạnh thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý II do suy thoái kinh tế.
Chủ tịch Hiệp hội Nước giải khát Bia Rượu Việt Nam: “Ngành công nghiệp đồ uống của Việt Nam hiện đang trong giai đoạn rất khó khăn. Doanh số bán bia giảm 10-20% và giá nguyên vật liệu tăng đến 50%. Hiệp hội đã đề nghị Chính phủ trì hoãn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống”.
Sang quý IV/2023, thường là quý cao điểm của ngành bia Việt với loạt hoạt động tiệc tùng, tri ân… cuối năm và kéo dài sang Tết Nguyên Đán 2024, song tình hình theo các bên vẫn chưa mấy sáng sủa. Nguyên nhân là do kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, người tiêu dùng vẫn đang “thắt lưng buộc bụng" và đặc biệt hoạt động quảng bá của DN trong ngành cũng đang bị hạn chế.
Báo cáo gần đây từ VIRAC Research còn cho thấy, Nghị định 100 sẽ tiếp tục là rào cản lớn kìm hãm sự phục hồi của ngành bia trong năm nay. Chưa kể, các yếu tố như giá nguyên liệu sản xuất dự kiến tiếp tục tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Một số nguyên liệu chính trong sản xuất bia gồm bột trợ lọc dự kiến tăng khoảng 25%, hoa houblon tăng 10%, gạo tăng 4%, đường tăng khoảng 8%. Đặc biệt với Malt là nguyên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất dự kiến tăng khoảng 60% so với mức giá bình quân thu mua năm 2022.
Thực tế, chỉ số trên đã sớm được dự báo khi thị trường bia theo giới quan sát đang yếu đi rõ rệt sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Một số đại lý bia cho biết thị trường bia năm nay đặc biệt chậm lại cả ở phân khúc bán buôn và bán lẻ, sức mua rất yếu so với cùng kỳ năm 2022. Các bên liên tục tổ chức các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, cũng như đầu tư hướng đến mục tiêu kép nâng cao hiệu suất vận hành và tối ưu hoá các chi phí “route-to-market”.
Các hãng bia vẫn tăng cường đầu tư?
Theo thông báo, Sabeco thực hiện giai đoạn 2 của quá trình chuyển đổi, tập trung vào 6 trụ cột chiến lược. Công ty đầu tư nâng công suất nhà máy Bia Sài Gòn Quảng Ngãi lên 250 triệu lít/năm, triển khai dự án tổng thể kho bãi – điều vận có tổng diện tích 31.000m2, sức chứa 30.000 pallet nhằm đảm bảo tối ưu hóa việc bảo quản và lưu trữ hàng hóa và cung ứng. Tháng 10 vừa qua, Sabeco đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, xấp xỉ 12.826 tỷ đồng.
Còn Heineken, công ty cũng vừa đề xuất bổ sung thêm 500 triệu USD trong số tiền đầu tư 1 tỷ USD vào Việt Nam. Hiện, nhà sản xuất bia Hà Lan này đang vận hành 6 nhà máy tại Việt Nam.
Tri Túc
Nguồn CafeF