TikTok Shop chính thức ra mắt thị trường Mỹ
Sau nhiều tháng thử nghiệm, TikTok cuối cùng đã ra mắt TikTok Shop tại Mỹ – nơi nền tảng có hơn 150 triệu người dùng.
TikTok Shop, nền tảng thương mại điện tử thuộc ứng dụng video ngắn TikTok, vừa chính thức “chào sân” thị trường Mỹ. Như một phần của buổi ra mắt, TikTok giới thiệu rất nhiều tính năng nơi người bán có thể tìm thấy các giải pháp phần mềm từ bên thứ ba nhằm tăng doanh số bán hàng. TikTok khẳng định đây là điểm đến mua sắm trọn gói với rất nhiều tiện ích, từ tính năng shopping trong nguồn cấp dữ liệu, livestream đến chương trình tiếp thị liên kết và thanh toán nhanh gọn.
“Đối tác là một phần quan trọng trong hệ sinh thái dịch vụ dành cho người bán. Chúng tôi đã bắt đầu quá trình tìm kiếm khi tiến hành thử nghiệm vào tháng 11/2022”, đại diện TikTok cho biết.
Theo Juozas Kaziukėnas, Giám đốc điều hành Marketplace Pulse, cửa hàng ứng dụng mới của TikTok Shop gần giống với cửa hàng ứng dụng của Amazon ở điểm hỗ trợ chức năng đồng bộ hóa dữ liệu và vận chuyển đơn hàng mà không làm thay đổi cách thức hoạt động hoặc giao diện. “Những ứng dụng đó giúp bạn quản lý công việc kinh doanh. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người bán hàng trên nhiều kênh”, ông Juozas Kaziukėnas nói và cho biết việc nêu bật các đối tác bên thứ ba sẽ lôi kéo rất nhiều người bán sử dụng TikTok Shop.
Chẳng hạn như Flowspace – một trong những nhà cung cấp phần mềm hỗ trợ xử lý đơn hàng cho người bán tại hơn 150 trung tâm xử lý trên khắp nước Mỹ. Khách hàng của họ bán hàng qua rất nhiều kênh, từ Amazon, Shopify và bây giờ đến TikTok Shop. Ngoài ra, Flowspace cũng giúp tối ưu hóa không gian quảng cáo của người bán để họ không phải phân chia theo kênh, theo CRO Anne Hallock.
“Mục tiêu của chúng tôi là phần nào giúp loại bỏ những rào cản gia nhập để các thương hiệu bán hàng trên bất kỳ kênh nào họ muốn”, bà Anne Hallock – đại diện Flowspace – nói, “Chúng tôi yêu thích cửa hàng ứng dụng vì nó cho thấy đây là một nhà cung cấp đáng tin cậy. Họ đã đáp ứng được mọi yêu cầu để tham gia”.
Từ trước đến nay, TikTok vẫn xem Mỹ là thị trường quan trọng bất chấp việc đối mặt với lệnh cấm. Vào tháng 11/2022, ứng dụng đã ra mắt tính năng mua sắm, đồng thời liên kết với một loạt cửa hàng nhỏ, content creator (người sáng tạo nội dung) và influencer (người có sức ảnh hưởng). Kế hoạch tiếp theo khi đó là triển khai một thị trường mua bán gần giống với nền tảng web mua sắm truyền thống để người tiêu dùng Mỹ có thể tự tìm kiếm, so sánh và mua sản phẩm ở một nơi. Chiến lược khiến TikTok khác biệt hoàn toàn so với Instagram và có thể cạnh tranh trực tiếp với “gã khổng lồ” Amazon ngay trên chính sân nhà của thương hiệu.
Việc ra mắt TikTok Shop ở Mỹ cho thấy sự dũng cảm của ByteDance bất chấp những cơn sóng liên quan tới vấn đề chính trị. Tính năng thương mại điện tử đã được ra mắt từ trước tại Vương quốc Anh và Indonesia, sau đó mở rộng ra một số các quốc gia Đông Nam Á khác.
Theo nhà sáng lập công ty tư vấn Momentum Works, ông Jianggan Li, kế hoạch mở rộng sang thương mại điện tử của TikTok tại thị trường Mỹ không chỉ thu hút người tiêu dùng có khả năng chi tiêu cao mà còn giành được “lợi thế to lớn cho chuỗi cung ứng”.
Dẫu vậy, sẽ không dễ để TikTok đạt được những mục tiêu trên dù cho đã sở hữu tới hơn 100 triệu người dùng tại Mỹ. Bước chân vào thị trường bán lẻ này đồng nghĩa với việc TikTok đang tự đặt mình vào thế khó khi phải đối đầu với “tay chơi lão làng” như Amazon hay “người đồng hương” Shein.
Vũ Anh
Nguồn CafeBiz