JP Morgan: Giờ vàng của hàng tiêu dùng
Việt Nam được đánh giá là một trong những câu chuyện tăng trưởng bán lẻ hấp dẫn nhất ở khu vực Châu Á.
Sau giai đoạn chịu tác động bởi dịch COVID-19, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ trong những tháng đầu năm 2022 và ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép bình quân hằng năm (CAGR) khá tích cực trong giai đoạn 2017-2022.
Riêng doanh số bán lẻ hàng hóa, chiếm 75-82% doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, đạt CAGR 8,6% trong giai đoạn 2017-2022, bao gồm cả mức tăng trưởng kém tích cực trong giai đoạn 2020-2021. TP.HCM và Hà Nội là 2 trung tâm chính đóng góp gần 1/3 doanh thu này.
Trong 5 tháng đầu năm nay, doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn ghi nhận tăng trưởng 10%. Mặc dù vậy, cả nhà bán lẻ và các đơn vị nghiên cứu thị trường đều nhận thấy sức mua của người tiêu dùng sụt giảm do tình hình kinh tế khó khăn, áp lực lạm phát đối với một số mặt hàng, lãi suất tăng, khó khăn hơn khi tài trợ hoạt động mua sắm bằng dịch vụ tài chính tiêu dùng...
Tuy nhiên, trong phân tích mới đây, JP Morgan đưa ra nhận định lạc quan đánh giá Việt Nam là câu chuyện tăng trưởng tiêu dùng hấp dẫn trong giai đoạn “bùng nổ”. Cụ thể, với dân số gần 100 triệu người, trong đó một nửa dưới 32 tuổi, quốc gia này đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ấn tượng 7,1% CAGR từ năm 2017, lên đến hơn 4.000 USD vào năm 2022 – mức cao nhất trong số các nước ASEAN/EM (nền kinh tế mới nổi). Chính phủ đề ra mục tiêu nâng mức GDP bình quân đầu người lên 7.500 USD vào năm 2030 và 10.000 USD vào năm 2035.
Việt Nam đang chứng kiến thời kỳ vàng của tăng trưởng tiêu dùng cũng như cổ phiếu ngành tiêu dùng. Với GDP bình quân đầu người và tốc độ đô thị hóa tương đương với Trung Quốc và Thái Lan trước năm 2010, quốc gia này đã và đang bước vào giai đoạn tăng trưởng của thương mại hiện đại, tạo cơ hội cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng gia tăng định giá trong nhiều năm tới.
Việt Nam được đánh giá là một trong những câu chuyện tăng trưởng bán lẻ hấp dẫn nhất ở khu vực châu Á. Tuy nhiên, độ thâm nhập của lĩnh vực bán lẻ hàng tạp hóa của quốc gia này vẫn chưa sâu, chỉ chiếm 12% vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với tỉ lệ 20-45% của các nước ASEAN và chỉ sau Ấn Độ với 8%.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, với việc mở rộng tầng lớp trung lưu và tăng tốc độ đô thị hóa. Điều này đóng vai trò là những yếu tố chính thúc đẩy sự phát triển của thương mại hiện đại trong nhiều năm tới.
JP Morgan tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt được, được hỗ trợ bởi việc di dời cơ sở sản xuất chuỗi cung ứng, cổ tức nhân khẩu học và tăng tốc đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi lực lượng lao động đang chuyển dịch sang các ngành có giá trị gia tăng cao hơn, kỳ vọng một tỉ lệ lớn người tiêu dùng Việt Nam sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong vài năm tới.
Viện Brookings kỳ vọng tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi từ 22% dân số vào năm 2022 lên 47% vào năm 2027. Báo cáo của JP Morgan tin rằng tăng trưởng tiêu dùng của tầng lớp trung lưu sẽ tập trung vào các sản phẩm và dịch vụ như điện tử thiết bị, ô tô, du lịch... và điều này sẽ tiếp tục trong vòng 5-10 năm tới.
Hà Cúc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư