Đâu là cơ hội tăng trưởng cho thị trường bán lẻ Việt Nam?
Sự kiện WPP Vietnam Retail Summit đã quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực bán lẻ để cùng thảo luận về phương pháp tối ưu hoá tỷ suất ROI cho thị trường đa kênh Việt Nam.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, lãnh đạo từ các doanh nghiệp ra sức tìm kiếm những sự cộng tác mới, nhằm đưa ra phương án thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng kịp thời thông qua việc cải tiến tỷ suất ROI (Return on Investment: Tỷ suất hoàn vốn), đặc biệt trong lĩnh vực bán hàng và tiếp thị. Giữa biến chuyển nhanh chóng của lĩnh vực bán lẻ, làm sao để các doanh nghiệp có thể cải thiện kịp thời?
Vào ngày 20/6, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bán lẻ, trong đó có 75 nhà điều hành cấp cao, đã quy tụ về CTY Kitchen & Bar (TP.HCM) để tham dự sự kiện WPP Vietnam Retail Summit. Tại đây, các chuyên gia đã đưa ra nhiều chia sẻ giá trị, giúp doanh nghiệp cập nhật những ý tưởng sáng tạo trong công cuộc tối ưu hóa ROI và thúc đẩy họ tiếp cận những phương thức tiếp thị mới.
Hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn ưu tiên đầu tư vào các công cụ truyền thông lớn (tivi, báo in, quảng cáo ngoài trời...). Trong khi đó, việc phát triển các công cụ tiếp thị phi truyền thống (quan hệ công chúng, tài trợ, tổ chức sự kiện, khuyến mãi...) cũng như tỷ suất ROI trong phát triển kênh bán hàng lại ít được coi trọng hơn. Vì vậy, sự kiện là cơ hội giúp doanh nghiệp nhận ra những khía cạnh tiềm năng, cần được khai thác này, từ đó thúc đẩy họ hiệu chỉnh lại chiến lược tiếp thị và tận dụng được sức mạnh của tỷ suất ROI để tăng trưởng bền vững.
Chủ đề trọng tâm của sự kiện là tối ưu hóa tỷ suất ROI trong bán hàng và tiếp thị, trong đó đề cập đến xu hướng “phygital” – hành trình mua sắm kết hợp giữa trải nghiệm mua sắm trực tiếp (physical) và trực tuyến (digital) của khách hàng. Để giúp doanh nghiệp bắt kịp xu hướng này, sự kiện đã giới thiệu những chiến lược kinh doanh quan trọng như mô hình Continuous Commerce (mô hình kinh doanh nhằm tạo mối quan hệ lâu dài và duy trì sự tương tác với khách hàng thông qua nhiều lần giao dịch và cơ hội mua sắm) và áp dụng kiến thức về khoa học hành vi để phát triển các giải pháp giúp người tiêu dùng có trải nghiệm mua sắm tốt hơn.
Qua các chia sẻ của các chuyên gia, người nghe có cái nhìn rõ hơn về việc làm thế nào để hợp nhất trải nghiệm mua sắm trực tiếp và trực tuyến, từ đó mang về kết quả tăng trưởng ROI ngoài mức mong đợi.
Trong thời đại mà thương mại số lên ngôi như hiện nay, dữ liệu có thể xem là “huyết mạch”. Nếu doanh nghiệp muốn cải tiến chiến lược tiếp thị và bán hàng thì cần biết cách khai thác tiềm năng mà dữ liệu mang lại. Sự kiện nêu rõ tầm quan trọng và tác động biến đổi của việc phân đoạn thị trường, triển khai hoạt động tiếp thị và thông tin khai thác từ dữ liệu với hiệu quả kinh doanh và mức độ tương tác của khách hàng với thương hiệu.
Quy tụ và được điều phối bởi những chuyên gia đầu ngành, các phiên thảo luận trong sự kiện đã mang đến nhiều câu chuyện kinh doanh thực tế, các cuộc trao đổi chuyên sâu, những phương pháp bán hàng, tiếp thị đổi mới sáng tạo. Từ đó, giúp người nghe củng cố thêm một góc nhìn mới về tình hình ngành bán lẻ tại Việt Nam và sẵn sàng bắt tay vào nâng cao doanh số, tiếp thị, cũng như thương mại điện tử.
WPP Vietnam Retail Summit là một sự kiện quan trọng đối với ngành bán lẻ Việt Nam, đề cao tính hợp tác, đổi mới và quyết tâm theo đuổi mục tiêu tăng trưởng có lãi trong bối cảnh đầy thách thức trên toàn cầu. Đồng thời, sự kiện cũng thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong nắm bắt thời cơ.
Dưới đây là một số điểm chính của các phiên thảo luận trong sự kiện.
Việt Nam là một thị trường đa kênh
Ngành bán lẻ tại Việt Nam có sự giao thoa giữa các kênh bán hàng trực tiếp và trực tuyến. Điều này vừa là cơ hội cũng như thách thức cho doanh nghiệp. Là một thị trường đa kênh, Việt Nam có khả năng tiếp cận và thu hút một lượng lớn người tiêu dùng qua nhiều phương thức khác nhau. Tuy nhiên, chính sự đa dạng cũng dẫn đến nhiều vấn đề mà doanh nghiệp cần cân nhắc như thâm nhập vào một thị trường mới và mức độ tương tác của khách hàng với thương hiệu. Những vấn đề này cần được tiếp cận một cách có chiến lược để tối ưu hoá tỷ suất ROI.
Lester Kahn, Giám đốc Cố vấn Chiến lược Ogilvy Action thuộc Ogilvy & Mather Vietnam, nhấn mạnh một khía cạnh hay bị bỏ qua: Phần ngân sách đáng kể dành cho hoạt động kích hoạt thương hiệu thường thiếu tính minh bạch, khó đo lường và tối ưu hóa lợi nhuận đầu tư (ROI). Đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp tích hợp, điều phối và tận dụng tài nguyên hợp lý nhằm phát triển các chiến lược kích hoạt thương hiệu vừa có tính hiệu quả vừa có hiệu suất, từ đó tối ưu hóa được tỷ suất ROI.
Christopher Brewer, Chủ Tịch Ogilvy Consulting khu vực Châu Á, nêu bật tiềm năng rộng lớn mà thị trường đa kênh như Việt Nam có thể mang lại cho doanh nghiệp. Để khai thác những cơ hội này và tiếp cận người tiêu dùng Việt một cách hiệu quả, doanh nghiệp phải thông tỏ được tính phức tạp vốn có trên thị trường. Việt Nam, giống như Indonesia, là thị trường màu mỡ cho mô hình cửa hàng tiện lợi. Giữa muôn vàn những kênh bán hàng sẵn có và sự kết hợp giữa hình thức mua sắm trực tiếp và trực tuyến, doanh nghiệp có thể tiếp cận được thị trường mục tiêu từ nhiều điểm khác nhau.
Hiểu rõ các xu hướng về kênh phân phối và người mua hàng tại Việt Nam là vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp muốn thành công. Để luôn giữ vị trí tiên phong, doanh nghiệp cần theo dõi sát sao những xu hướng mới nhất trong phát triển kênh bán lẻ trực tiếp và trực tuyến. Từ đó, họ có thể điều chỉnh chiến lược khi hành vi tiêu dùng của người Việt có sự thay đổi.
Dù cơ hội mà thị trường cửa hàng tiện ích tại Việt Nam mang lại là rất lớn, các doanh nghiệp cần phân bổ nguồn lực một cách hợp lý để đảm bảo tiếp cận và tương tác với khách hàng một cách hiệu quả. Muốn tối đa hóa tỷ suất ROI, doanh nghiệp cần đầu tư vào đúng nơi, đúng thời điểm, với định dạng phù hợp để có thể chạm tới đối tượng mục tiêu. Ví dụ như hiểu được bản tính thích tìm kiếm sự tiện lợi của người tiêu dùng Việt và tận dụng được những kênh có sẵn để thu hút và kết nối với họ một cách hiệu quả.
Khai thác sức mạnh của dữ liệu, thích ứng với những thay đổi trong sở thích của khách hàng
Cơ hội sử dụng dữ liệu về khu vực thương mại cho phép các doanh nghiệp lập hồ sơ và phân đoạn các khu vực thương mại tại Việt Nam, từ đó rút ra được những thông tin giá trị về nhân khẩu học, sở thích và hành vi của người tiêu dùng. Dữ liệu này là công cụ để tối ưu hóa kênh phân phối, phân bổ tài nguyên trong khâu tiếp thị và triển khai.
Soames Hines, Giám đốc Điều hành của Ogilvy Việt Nam, nhấn mạnh rằng các chiến lược dựa trên dữ liệu và việc triển khai tài nguyên một cách có chiến lược là rất quan trọng để doanh nghiệp phát triển kênh bán hàng và tiếp thị, đồng thời giúp điều chỉnh hành vi của người mua sắm với thông điệp mà thương hiệu muốn truyền tải.
Marek Forysiak – Nhà sáng lập và Chủ Tịch của SmartPay – nhắc đến nhu cầu phát triển đa dạng các phương thức thanh toán vì giao dịch tiền mặt ít mang lại giá trị về dữ liệu. Ông nhấn mạnh những thay đổi gần đây không phải là những thay đổi tạm thời, mà có tính lâu dài. Đặc biệt là khi thế hệ ưu tiên trải nghiệm số như Gen Z ngày nay có kỳ vọng cao về tính nhất quán trong trải nghiệm đa kênh.
Bà Nhất Phương, Giám đốc Điều hành của Kantar, nhấn mạnh: “Khi bàn về ngành bán lẻ, không thể không nhắc đến khách hàng”. Bước đầu tiên để phát triển chiến lược và chiến thuật bán lẻ hiệu quả là hiểu khách hàng. Bà Phương cho biết người mua sắm ngày nay phải đối mặt với quá nhiều lựa chọn từ thương hiệu đến sản phẩm. Để thúc đẩy doanh số bán hàng và đạt được tỷ lệ chuyển đổi cao, doanh nghiệp phải chinh phục được người mua hàng trong phân khúc bán lẻ trực tiếp và trực tuyến.
Áp lực chuyển đổi người mua sắm thành khách hàng trung thành chưa bao giờ giảm vì kỳ vọng của người mua hàng với chất lượng và trải nghiệm mua sắm ngày càng cao, song song với tốc độ phát triển của thương mại điện tử. Thương mại điện tử nên được xem là một kênh bổ sung chứ không phải là một kênh thay thế cho các kênh bán lẻ truyền thống.
An Hà, Phó Giám đốc Ogilvy Experience Việt Nam, cho biết thương hiệu cần thay đổi góc nhìn về thương mại để có thể khuyến khích khách hàng tiếp tục mua sắm thông qua các điểm chạm “phygital” liền mạch, từ đó giúp mang lại trải nghiệm tương tác và mua sắm dễ dàng cho người tiêu dùng.
Brandon Chew, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Điều hành Ogilvy Consulting Việt Nam, nhấn mạnh rằng các giải pháp tiếp thị cho người mua hàng nên tập trung vào việc thúc đẩy hành vi mua hàng mà họ ưu thích, thay vì thay đổi nhận thức và niềm tin của họ. Ông Brandon cũng giới thiệu những trường hợp thương hiệu ứng dụng các nguyên tắc khoa học hành vi vào phát triển thông điệp khuyến khích tiêu dùng, các chương trình khuyến mãi, thiết kế vật phẩm quảng cáo (tờ rơi, biển quảng cáo, standee, poster, hộp trưng bày sản phẩm...) và bao bì hiệu quả hơn.
Sau sự kiện WPP Vietnam Retail Summit, ông Soames Hines – Giám đốc Điều hành của Ogilvy Việt Nam mong rằng khách hàng sẽ có cái nhìn toàn diện về tỷ suất ROI, xem đây là một nỗ lực tiếp thị toàn diện thay vì chỉ tập trung vào các mục tiêu cụ thể.