[Nhật ký sáng tạo] Quà
Trong ngành rất hay nghe “Protect your ideas”. Bảo vệ ý tưởng. Nếu đứng từ góc nhìn này, người làm quảng cáo có thể chia làm 2 phe:
Một là ý tưởng mong manh lắm, nó có thể chết chỉ bởi một cái ngáp dài, phải bảo vệ nó.
Hai là nếu ý tưởng đủ tốt thì chẳng cần phải bảo vệ nó, người ta sẽ cảm được ngay thôi, người Việt với nhau hết mà.
Mình ở khúm Một. Ý tưởng bản thân nó đuối yếu lắm, phải bảo vệ nó, bảo vệ thật kĩ lưỡng. Nếu bạn ở nhà vẽ tranh, nặn tượng, làm thơ thì ý tưởng chẳng cần phải được bảo vệ. Nhưng ý tưởng trong ngành truyền thông liên quan đến quá nhiều thứ, từ vận mệnh của nhãn hàng, cái ghế của những người nuôi dưỡng nó đến một núi tiền đằng sau. Nên sự chuyên nghiệp thể hiện ở cách bạn bảo vệ một ý tưởng.
Mang đến khách hàng một ý tưởng là Agency mang đến một món quà. Của cho không bằng cách cho nên phải bọc ý tưởng trong những lớp giấy gói mĩ miều, sang trọng và chuyên nghiệp.
Lớp thấu hiểu. Phải nắm và hiểu thị trường, người tiêu dùng ngang với phía nhãn hàng. Ý tưởng nên phát rễ từ insight của khách hàng mục tiêu. Agency phải nêu ra được sự thấu hiểu cặn kẽ ấy trước khi bước vào ý tưởng chính.
Lớp chiến lược. Rồi, tình hình là vậy đó. Giờ từ các khó khăn hiện tại của nhãn hàng và sự làm mưa làm gió của tụi đối thủ khốn nạn thì tụi tui có giải pháp như thế này… Chiến lược phải được viết gãy gọn, mạnh và chắc kèm theo những lý do thuyết phục.
Lớp sáng tạo. Đây là cái chính yếu mà phía nhãn hàng ngóng mỏ chờ nghe từ Agency. Sau cả trăm slide chặt chẽ về chiến lược, ý tưởng xuất đầu lộ diện buộc phải từ HD trở lên, chứ tàn tàn DVDRip thôi là 2 lớp giấy gói kia cũng nhét lại vào ngăn tủ, chờ dịp dùng lại. Cách sắp xếp thứ tự các ý tưởng. Sự chuẩn bị chặt chẽ phần mô tả, kịch bản, cách trình bày… Mọi thứ đều phải có lý do đằng sau của nó.
Mang đến khách hàng một ý tưởng là Agency mang đến một món quà. May mắn sẽ đến với những món quà được gói khéo léo.
Cách bảo vệ ý tưởng tốt nhất là cho nó thêm nhiều lý do và giá trị. Đừng cãi suông vì bạn cãi không lại đâu. Càng cãi với các lập luận hoàn toàn cá nhân như “Với kinh nghiệm của em….”, “Em đã làm nhiều những cái này rồi…”, “Em là copywriter nên…” thì ý tưởng của bạn càng nhỏ bé dần trong mắt khách hàng. Tệ nhất là bộc lộ thái độ giận dữ, chống đối chính quyền trên bàn họp khi đứa con tinh thần bị giết. Những ca này trong ngành nhiều vô kể. Buồn nhất là một lần, khi giới thiệu với sếp một người đồng nghiệp cũ, một art director tài năng thì bị từ chối ngay. Danh tiếng của bạn ấy về việc chồm chồm lồng lộn một cách quá khích với sếp, với khách hàng ngay bàn họp đã khiến nhà tuyển dụng trong toàn cõi Agency hơi ngại. Nói cho cùng, quảng cáo là business, không phải là fine art nên tài năng mà khó xài quá thì bà con cũng ngán. Trong cái ngành hào nhoáng bên ngoài này, có cái tôi lớn cũng tốt, nhưng lớn kèm theo nóng như lửa thì chắc có tiếng trong ngành thôi, còn “miếng” thì chưa chắc.
Công cuộc bảo vệ ý tưởng sẽ quyết định việc phát triển sự nghiệp của một người làm quảng cáo, dù bạn ở vị trí nào trong một Agency. May mắn sẽ đến với những món quà được gói khéo léo.