Những tranh luận trái chiều về lần “thay áo mới” của Vinamilk
Lần “thay áo mới” này của Vinamilk nhận về không ít tranh luận trái chiều, có khen và có chê.
Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa công bố nhận diện thương hiệu mới. Trong đó, logo đã được Vinamilk thay đổi, cụ thể là chuyển từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng biểu tượng chữ (wordmark) cùng dòng chữ “Est 1976” bên dưới.
Theo bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk, công ty đã mất hơn 1 năm dài chuẩn bị cho lần tái định vị hôm nay, và đội ngũ thực hiện theo giới thiệu là những tên tuổi có tiếng trong giới chuyên môn thế giới. Sự thay đổi trong thiết kế logo của Vinamilk đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Đặc biệt, đi cùng thông tin đổi logo, Vinamilk đã tạo trend mới trên mạng xã hội, giúp nhiều người dùng Facebook “đu trend” đổi avatar theo mẫu logo Vinamilk.
Dù vậy, lần “thay áo mới” này của Vinamilk đã nhận về không ít ý kiến tranh luận trái chiều, có khen và có cả chê.
Ở góc nhìn của một số chuyên gia về thiết kế, logo mới của Vinamilk được thiết kế đơn giản hóa theo trường phái tối giản (Minimalism) mà nhiều thương hiệu trên thế giới đã áp dụng. Xu hướng tối giản này không bao giờ lỗi thời và ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong tương lai – nơi mọi người tiếp xúc với quá nhiều thứ phức tạp mỗi ngày. Khi sự cạnh tranh về tâm trí của khách hàng ngày càng gay gắt thì chính sự đơn giản sẽ dễ tạo nhắc nhớ.
Đại diện một công ty digital nhấn mạnh rằng logo mới này nếu đặt lên các sản phẩm của Vinamilk có thể dễ nhận diện hơn logo cũ vì font chữ dày nét, thể hiện rõ ý đồ về mặt tăng mức độ nhận diện thương hiệu. Tuy nhiên, vị này không đánh giá cao về màu nền mới. Bởi việc sử dụng màu nền, theo miêu tả là màu tropical (màu nhiệt đới) thiên về ánh neon, đã khiến yếu tố thiên nhiên bị giảm đi rất nhiều.
Cũng ý kiến về màu nền mới, một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông và thiết kế cho rằng màu xanh tím mới của Vinamilk thuộc nhóm màu công nghiệp, công nghệ; trong khi Vinamilk hoạt động ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Điều này có thể là rắc rối trong nhiều khâu ở tương lai.
Ngoài ra, nhiều người cũng tỏ ra băn khoăn về ý đồ của nhà thiết kế khi quyết định đặt 2 cụm “EST” và “1976” nằm cách xa nhau bên dưới tên thương hiệu. Đa số ý kiến cho rằng nên đặt hai cụm này lại sát gần nhau hoặc bỏ hẳn đi vì Vinamilk đã là một thương hiệu lâu năm được nhiều người biết đến, nên việc để năm thành lập dưới tên thương hiệu không thật sự cần thiết.
Có ý kiến trung lập cho rằng logo mới của Vinamilk đẹp hay không đẹp là do thẩm mỹ của mỗi người. Cần có thời gian để chứng minh ý nghĩa và tinh thần được truyền tải trong logo, cũng như những bước đi tiếp theo của Vinamilk nhằm hiện thực hóa những mục tiêu trong giai đoạn mới.
Ở khía cạnh người dùng, mạng xã hội ghi nhận nhiều ý kiến không hài lòng với các bình luận như: “Màu sắc không bắt mắt”, “Cũ đẹp hơn”, hoặc việc đặt 2 cụm “EST” và “1976” nằm cách xa nhau ở dưới tên thương hiệu cũng gây tranh cãi…
Về phía mình, Tổng Giám đốc Mai Kiều Liên nhận định việc thay đổi là cần thiết trong tuổi đời của mỗi doanh nghiệp. “Một thương hiệu mà muốn tồn tại 50 năm, 100 năm hay 200 năm thì luôn luôn phải thay đổi để phù hợp với cái điều kiện thực tế”, bà nói.
“Thật ra, tái định vị thương hiệu chỉ là bước đầu trong chiến lược của Vinamilk trong 5 năm tới. Sẽ có các thay đổi, chủ yếu là chuyển đổi số ở tất cả lĩnh vực. Và cái cách làm đối với kinh doanh cũng sẽ khác, làm sao tiếp cận với người tiêu dùng nhanh hơn, tìm hiểu một cách tốt hơn để phục vụ một cách nhanh nhất và đầy đủ nhất... Mong đợi lần này của Vinamilk là thay đổi theo hướng làm sao cho thương hiệu táo bạo hơn, hiện đại hơn và kết nối trực tiếp nhanh hơn đối với người tiêu dùng”, đại diện cho biết.
Bà Liên cũng nói thêm, sắp tới đây, Vinamilk sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng toàn diện trong kinh doanh, digital marketing, quản trị nhằm tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Tri Túc
Nguồn CafeF