18 năm từ huy hoàng đến lụi tàn của Parkson Việt Nam
Từng là trung tâm thương mại sang chảnh bậc nhất tại Việt Nam gần 20 năm trước nhưng Parkson Việt Nam đã bắt đầu thủ tục phá sản tự nguyện vào ngày 28/4.
Là đơn vị trực thuộc Parkson Holdings Berhad (PHB), Parkson tham gia thị trường Việt Nam từ năm 2005 và trở thành một trong những siêu thị bán lẻ hàng hiệu quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Parkson Việt Nam được thành lập ngày 1/11/2007 với vốn điều lệ 165,44 tỉ đồng. Chủ sở hữu công ty này là Parkson Corporation SDN. BHD (Malaysia).
Theo báo cáo thường niên năm 2008 của Tập đoàn Parkson, tháng 6/2005, trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên của Parkson ở Việt Nam được mở tại vị trí đắc địa ở quận 1, TP.HCM với tên gọi Parkson Saigon Tourist Plaza. Kết quả kinh doanh ghi nhận rất tích cực.
Đến năm 2008, Parkson có 4 TTTM tại Việt Nam.
Với mức tăng trưởng trên cửa hàng khoảng 30%, tỉ suất lợi nhuận liên tục vượt so với mức bình quân chung của ngành, thị trường Việt Nam được tập đoàn Parkson đánh giá là vô cùng tiềm năng.
Cuối năm 2008, Parkson thâu tóm TTTM tại Hải Phòng với giá 24,15 triệu USD.
Năm 2009, thị trường Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào doanh thu và lợi nhuận cho tập đoàn.
Tháng 1/2010, tập đoàn bán lẻ của Malaysia thông báo đã góp vốn 1 tỉ USD vào Công ty TNHH Parkson Hà Nội, nâng tỉ lệ sở hữu từ 49% lên 70%. Tính đến năm 2010, doanh thu tại Việt Nam dù chỉ đóng góp 4% vào doanh thu chung nhưng được xem là thị trường tiềm năng và sẽ được mở rộng đầu tư.
Đến năm 2012, Parkson đã phát triển thành một trong những chuỗi bán lẻ có quy mô lớn nhất cả nước, đáp ứng nhu cầu mua sắm, làm đẹp của giới “nhà giàu” tại hai đô thị lớn là TP.HCM và Hà Nội thời điểm đó. Parkson có 8 TTTM, gồm 5 TTTM sở hữu là Hùng Vương, Flemington, Long Biên, Viet Tower, Landmark và 3 TTTM thuê lại để quản lý là Saigon Tourist, Paragon và C.T. Ngoài ra, Parkson còn có một TTTM tại Hải Phòng.
Năm 2013, Parkson công bố sẽ tiếp nhận 2 TTTM nữa tại TP.HCM dưới dạng hợp đồng quản lý là Parkson Cantavil (quận 2) và Parkson Leman (quận 3).
Thời điểm đó, CEO Parkson Việt Nam Tham Tuck Choy khi trả lời phỏng vấn truyền thông vẫn nhận định tự tin rằng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và tiếp tục đổ tiền đầu tư.
Từ năm 2014, chuỗi TTTM này bắt đầu ghi nhận sự sụt giảm tại thị trường Việt Nam. Báo cáo hoạt động thường niên của Tập đoàn Parkson nêu rõ hoạt động kinh doanh tại Việt Nam gặp khó khăn do tiêu dùng sụt giảm cùng với sự gia nhập của nhiều nhà bán lẻ mới tại Hà Nội và Hải Phòng. Các cửa hàng tại TP.HCM vẫn ghi nhận tăng trưởng tích cực dù cạnh tranh khốc liệt hơn.
Cũng trong năm 2014, tập đoàn này quyết định đóng cửa Parkson Landmark 72 tại Hà Nội, ghi nhận mức lỗ khoảng 900 tỉ đồng.
Từ đầu năm 2015 trở đi, khó khăn bắt đầu xuất hiện, các TTTM không thể tiếp tục gồng lỗ, lần lượt đóng cửa.
Năm 2016, hai TTTM Parkson Paragon (TP.HCM) và Parkson Viet Tower (Hà Nội) đóng cửa, dừng hoạt động. Tháng 1/2018, đến lượt Parkson Flemington (quận 11, TP.HCM) ngưng hoạt động.
Đến năm 2020, với tác động của đại dịch COVID-19 cũng như kinh doanh kém hiệu quả, Parkson chỉ còn 4 TTTM tại Việt Nam. Doanh thu của chuỗi này liên tục sụt giảm, chỉ còn khoảng 179 tỉ đồng trong năm 2020. Điểm sáng của năm 2020 là sự xuất hiện của UNIQLO, Muji sau khi Parkson Saigon Tourist Plaza được trùng tu, kéo doanh thu tại Việt Nam trở về dương sau thời gian dài thua lỗ.
Hiện tại, trước khi nộp đơn phá sản tự nguyện, chuỗi bán lẻ đình đám một thời chỉ còn duy nhất TTTM tại Việt Nam là Parkson Saigon Tourist Plaza.
Theo văn bản của HĐQT Công ty TNHH Parkson Retail Asia (Singapore), việc thiếu sự hỗ trợ từ chủ mặt bằng của Parkson Việt Nam trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình tài chính của công ty. Do đó, tập đoàn đánh giá việc tiếp tục hoạt động tại Việt Nam là không khả thi và việc nộp đơn phá sản là phương án tối ưu.
Phương An
Nguồn CafeBiz