Mạng xã hội đang dần trở thành “những con dao của người Eskimo”
Khi dùng thứ gì miễn phí, hãy nhớ đến bài học về con dao của người Eskimo.
Những người Eskimo thường sống ở vùng băng giá quanh năm như Siberia hay Alaska. Họ có cách đặt bẫy rất hay khi lấy lưỡi dao sắc bén đem nhúng vào máu động vật, sau đó mang ra ngoài trời để cho đóng băng lại, rồi tiếp tục lặp lại nhiều lần cho lớp băng máu dày lên, che đậy được lưỡi dao bên trong.
Tối đến, người Eskimo cắm con dao này xuống tuyết, khiến mùi máu hấp dẫn những con sói. Chúng bắt đầu liếm láp lớp băng máu ngày một hăng say cho đến lúc chạm đến lưỡi dao. Khi lưỡi của những con sói đứt và chảy máu, chúng vẫn không hề hay biết vì tưởng đó là máu của thú rừng nên tiếp tục liếm.
Càng ngày, những con sói càng khát vì mất máu, mà càng khát thì càng liếm và lại càng mất máu.
Sáng hôm sau, người Eskimo chỉ việc đi lượm xác của những con sói nằm chết vì mất máu bên cạnh các lưỡi dao.
Mạng xã hội cũng vậy, khi người dùng sử dụng thứ gì đó miễn phí thì họ không còn là khách hàng nữa mà đã trở thành nạn nhân của một ai đó hay một tổ chức nào đó, tương tự như câu chuyện những con dao của người Eskimo.
20 năm biến chất
Tờ New York Times (NYT) cho biết cách đây gần 20 năm, Facebook được thành lập trong ký túc xá trường đại học chỉ với mục đích kết nối mọi người. Thế rồi Twitter thuở đầu hình thành với những bài đăng về việc bữa sáng ăn gì, hay Instagram có nhiều hình ảnh được bạn bè chia sẻ, gợi sự thích thú.
Giờ đây, các mạng xã hội phổ biến trên thế giới chỉ toàn những bài quảng cáo hoặc mang ý nghĩa khác xa so với mục đích ban đầu là kết nối mọi người. Đến TikTok mới trỗi dậy cũng tràn ngập các video về “chiến thần”, người nổi tiếng quảng bá cho thứ gì đó, hay Twitter cuối cùng rồi cũng sẽ chỉ toàn các bài đăng của người dùng chấp nhận trả tiền cho Elon Musk.
Tờ NYT nhận định mạng xã hội ngày nay đã không còn đúng với ý nghĩa ban đầu của nó nữa. Những bài đăng cập nhật tình hình thông tin bạn bè, người thân đã ngày càng khó tiếp cận khi các mạng xã hội trở nên “lợi nhuận hóa”. Thay vào đó, người dùng chỉ thấy toàn những bài đăng được dàn dựng công phu của đội ngũ sản xuất nội dung quảng bá cho thương hiệu, hoặc những “chiến thần”, người nổi tiếng muốn tăng tương tác để kiếm tiền.
Những ý tưởng tập hợp tất cả mọi tính năng vào một siêu ứng dụng như của Elon Musk đã khiến ngày càng nhiều chuyên gia nhận định mạng xã hội đã “chết”.
“Nền tảng mạng xã hội mà chúng ta từng biết đã ‘chết’ rồi. Giờ đây chúng đang hoạt động vượt quá xa so với mục đích ban đầu”, giáo sư Zizi Papacharissi của trường đại học Illinois tại Chicago nhận định.
Sự biến chất mà giáo sư Zizi nói tới là nguyên nhân khiến những mạng xã hội với hàng tỷ người dùng, hàng tỷ USD doanh thu nhưng vẫn phải mở mới các tính năng hay tìm kiếm nguồn thu mới.
Ví dụ như Twitter của Elon Musk đang ép người dùng thanh toán 8-1.000 USD/tháng tùy dịch vụ để sử dụng những tính năng cao cấp hơn. Meta thì chuyển sang vũ trụ ảo dù đây là nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới.
Rất rõ ràng, các mạng xã hội hiện nguyên hình là công ty kinh doanh vì lợi nhuận, biến người dùng thành “hàng hóa” chứ không phải khách hàng, khiến vô số người trở thành “nạn nhân” của sự bắt nạt, thành con mồi của các doanh nghiệp.
Không phải ngẫu nhiên mà vô số những mạng xã hội mới tập trung vào kết nối con người vẫn mọc lên sau Facebook hay TikTok, như Mastodon, Nextdoor hay Truth Social của Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Cái logic chọn một nền tảng duy nhất để thống trị những mảng khác là điều điên rồ của Thung lũng Silicon. Thực tế là trong tương lai, con người sẽ thành thành viên của nhiều cộng đồng, mạng xã hội và nền tảng khác nhau bởi đó mới là nhân tính, đó mới là hành động của con người”, giáo sư Ethan Zuckerman của trường đại học Massachusetts đánh giá.
Một tương lai đa dạng
Giáo sư Papacharissi nhận định ý tưởng về một mạng xã hội độc quyền đã trở nên quá lỗi thời với giới trẻ ngày nay. Họ sẽ không bị đánh lừa bởi sự hào nhoáng của các ứng dụng mà sẽ nhanh chóng phát chán để rồi chuyển sang những nền tảng mới. Ví dụ BeReal, một ứng dụng chia sẻ ảnh năm 2022 trở thành hiện tượng mạng thì sang năm 2023 đã mất hàng triệu người dùng.
Việc “cả thèm chóng chán” của giới trẻ đã tạo nên vô số nền tảng mạng xã hội nhỏ nhắm đến từng phân khúc người dùng. Ví dụ như Ahwaa, mạng xã hội cho người đồng tính tại Vịnh Ba Tư ra mắt năm 2011 hay Letterbox, một nền tảng cho những người yêu thích phim ảnh.
Thế rồi LinkedIn cho người dùng thích nói về công việc, Discord cho đối tượng thích chơi game và Artifacts cho những người thích nói về các bản tin.
“Ngày càng nhiều mạng xã hội nhỏ được thành lập để kết nối với mọi người, nơi người dùng nói về những sở thích chung của họ thay vì chịu áp lực từ cả một cộng đồng lớn”, giáo sư Papacharissi nhận định.
Băng Băng
Nguồn CafeBiz