Livestream bán hàng: Facebook vs TikTok

Livestream bán hàng: Facebook vs TikTok

Khi hình thức bán hàng qua livestream trở nên phổ biến ở Việt Nam thì vấn đề tiếp theo là đầu tư livestream trên nền tảng nào để tối ưu chi phí.

9 giờ tối mỗi ngày là khoảng thời gian săn sale ưa thích của Phương Trinh, nhân viên văn phòng ở quận Phú Nhuận. Trinh cho biết trước kia chị hay mua hàng livestream trên Facebook nhưng giờ chuyển qua TikTok vì tần suất livestream ở đây nhiều hơn, số mặt hàng cũng phong phú, người mua có thể nhận được voucher giảm giá đến 30% và được miễn phí giao hàng.

Bởi phần lớn livestream đều diễn ra vào buổi tối, khi khách rảnh rỗi nhất nên đã tạo thói quen chốt đơn cuối ngày. Xu hướng này không chỉ ở Việt Nam mà đang lan rộng khắp Đông Nam Á. Theo báo cáo “Bán hàng livestream ở Đông Nam Á” do Ninja Van thực hiện, cứ 3 người khảo sát thì có một người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử ở Đông Nam Á có bán hàng livestream.

Livestream bán hàng: Facebook vs TikTok

Ở Việt Nam, 3 nền tảng livestream được ưa chuộng nhất là Facebook, Shopee và TikTok.
Nguồn: T.L

Người mua nhanh chóng chấp nhận hình thức này vì khả năng tương tác của nó như có thể yêu cầu người bán thử sản phẩm họ muốn mua. Các mặt hàng ưa chuộng nhất trong livestream là thời trang, đồ gia dụng và đời sống, làm đẹp và chăm sóc cá nhân, thực phẩm và đồ uống với giá trị không cao.

Theo khảo sát sơ bộ của NCĐT, giá trị đơn hàng trung bình trên các buổi livestream ở Việt Nam vào khoảng 15 USD/đơn. Nhưng khi bán hàng livestream vượt qua các hoài nghi để trở nên phổ biến, một rào cản khác lại xuất hiện là đầu tư vào nền tảng nào để đạt hiệu quả tốt nhất. Báo cáo của Ninja Van chỉ ra rằng để tối đa khả năng tiếp cận khách hàng, hằng tuần doanh nghiệp sẽ phải thực hiện ít nhất 1 buổi livestream với độ dài ít nhất 3 tiếng. Vậy nên livestream trên nền tảng nào: Facebook, Shopee, Lazada, YouTube hay TikTok?

Ở Việt Nam, 3 nền tảng livestream được ưa chuộng nhất là Facebook (31,9%), Shopee (30,9%) và TikTok (17,2%). Hai vị trí dẫn đầu của Facebook và Shopee là không quá bất ngờ vì cả 2 đang là mạng xã hội/ nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam. Đáng chú ý là TikTok, cụ thể là TikTok Shop. Dù mới ra mắt 1 năm nhưng lượng livestream trên TikTok Shop đã đưa nó trở thành một trong các nền tảng được ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á.

Tại sự kiện TikTok Shop Vietnam Summit 2023, bà Trần Thị Anh Minh, Quản lý Bộ phận Chiến dịch Marketing, cho biết TikTok Shop sẽ đẩy mạnh thu hút người dùng cũng như doanh nghiệp tham gia bán hàng livestream trên nền tảng này vào các khung giờ từ 9 giờ tối đến 1 giờ sáng bằng nhiều mã giảm giá đặc biệt. Bà Minh cho biết thêm công ty sẽ tích hợp nhiều tính năng hỗ trợ bán hàng livestream trong thời gian tới. Một trong số đó là kết hợp game trong các buổi livestream vì báo cáo nội bộ công ty cho thấy Việt Nam hiện đứng đầu 5 thị trường mới nổi ở Đông Nam Á về số lượt truy cập game, số lượt lắc voucher và doanh số từ game.

Livestream bán hàng: Facebook vs TikTok

Cho đến hiện tại, các nền tảng còn lại chưa công bố các khoản đầu tư vào livestream như TikTok. Đơn vị này cũng đang được lòng người sử dụng vì nhiều tính năng hỗ trợ mua sắm dễ dàng. Phương Trâm (quận Bình Tân) cho biết các sản phẩm livestream trên TikTok Shop được thiết kế sẵn, chỉ cần chọn vào là đã có thể đặt hàng hoặc mua thay vì phải tương tác trên Facebook. Thứ đến, hệ thống cho phép lựa chọn nhiều phòng livestream các sản phẩm mà Phương Trâm thường xuyên theo dõi.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đồng quan điểm với khách hàng. Bà Hoàng Chi, Giám đốc Điều hành thương hiệu thời trang nội địa Oppa.one, cho biết vì TikTok Shop quá thuận tiện cho người mua nên khách hàng chỉ cần lướt nhẹ là dễ dàng thấy một nhà bán khác bán cùng dòng sản phẩm (theo Target Audience của nền tảng quảng cáo trên TikTok Shop) dẫn đến khả năng cạnh tranh rất cao. Và cũng do có quá nhiều lựa chọn nên khách hàng chỉ bỏ sản phẩm vào giỏ hàng để cân nhắc sau đó hoặc bấm hủy đơn hàng dù đã chọn mua. Doanh nghiệp phải sắp xếp nhân sự xử lý đơn hàng ngay khi chúng trong trạng thái xác nhận mua hàng và cũng chưa có phương pháp nào để kích cầu khách hàng đã bỏ sản phẩm vào giỏ hàng.

Cuối cùng, nếu đơn vị vận chuyển giao hàng trễ thì lý ra lỗi thuộc về đơn vị vận chuyển nhưng khi khách hàng đánh giá tiêu cực, thương hiệu doanh nghiệp lại nhận đánh giá này. Bà Chi cho biết công ty đã xử lý nhiều trường hợp như vậy, khách hàng thông cảm nhưng họ không thể sửa lại đánh giá đã gửi đi. “Đây là điều TikTok Shop cần cải thiện sớm để tránh thiệt hại không đáng có cho doanh nghiệp”, bà Chi nói.

Đại diện một doanh nghiệp cũng cho biết hiện nay các nền tảng thương mại điện tử đều tiến hành hạn chế thông tin người mua cho cửa hàng – một hình thức để kích cầu các gói quảng cáo bán hàng của họ. Vị này quan tâm liệu TikTok Shop có thực hiện chiến lược như vậy trong tương lai vì nếu có, chi phí bỏ ra khi bán hàng trên TikTok Shop sẽ khá cao do ngoài phí trả cho sàn (hiện là 1,5%), doanh nghiệp còn phải chịu phí thuê KOL/ KOC (mức phí này tùy vào độ nổi tiếng của KOL/ KOC) và phí hoa hồng trên mỗi sản phẩm bán ra cho họ.

Ngoài ra, rất khó đánh giá việc thu hút người xem là đến từ KOL/ KOC hay từ chính sản phẩm của doanh nghiệp. Nếu là yếu tố đầu tiên thì rất rủi ro cho doanh nghiệp vì chi phí thuê KOL/ KOC luôn tăng trong khi mối liên hệ giữa doanh nghiệp với khách hàng lại thấp dẫn đến việc phụ thuộc vào KOL/ KOC mới có doanh thu.

Livestream bán hàng: Facebook vs TikTok

Trên Facebook, dù khách hàng đánh giá là bất tiện nhưng lại có lợi cho doanh nghiệp vì các buổi livestream không trùng nhau quá nhiều, ví dụ như sau livestream bán hàng có thể là livestream game hoặc một sản phẩm khác, giúp giảm khả năng cạnh tranh. Quan trọng hơn khi khách hàng nhận xét tương tác, doanh nghiệp sẽ có được dữ liệu từ người mua, từ đó tiến hành các chương trình tiếp cận sau bán hàng với chi phí tốt hơn.

Trả lời câu hỏi “Đầu tư vào nền tảng nào?”, ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc Tiếp thị Haravan – cho biết dù là hình thức thương mại điện tử (Shopee/ Lazada/ Tiki...) hay mạng xã hội (Facebook/ TikTok/ Instagram...) thì chi phí quảng cáo, chi phí bán hàng qua livestream sẽ luôn tăng theo thời gian. Và tốc độ tăng của chi phí luôn cao hơn doanh thu của doanh nghiệp.

Đằng sau các buổi livestream, doanh nghiệp cần “dẫn” khách hàng về các kênh của riêng mình như website doanh nghiệp, hệ thống cửa hàng hay các kênh chăm sóc khách hàng trên Facebook Messenger/ Zalo. “Cách làm này có thể chủ động tiếp cận khách hàng trong tương lai để tối đa giá trị vòng đời của một khách hàng”, ông Tấn nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư