Công thức giúp Mixue bành trướng hệ thống cửa hàng nhượng quyền là gì?
Điểm nổi bật nhất của Mixue có lẽ là yếu tố giá rẻ. Ở Việt Nam hay tại chính quê hương Trung Quốc, khó có thương hiệu nào rẻ vượt qua được Mixue.
“Của rẻ có phải của ôi?”
Ở quê hương Trung Quốc, đến cuối tháng 3/2022, Mixue có tổng cộng 21.582 cửa hàng nhượng quyền và 37 cửa hàng trực tiếp điều hành trên lãnh thổ Trung Quốc (chỉ tính các cửa hàng trà sữa thương hiệu Mixue, không tính cửa hàng cà phê và kem).
Mạng lưới cửa hàng Mixue đã phủ khắp 31 tỉnh, khu tự trị, thành phố tại quốc gia đông dân nhất thế giới và sang cả các nước như Việt Nam, Indonesia, Singapore... Tính đến quý I/2022, Mixue mới có 249 cửa hàng tại Việt Nam. Hơn một năm sau, số lượng cửa hàng Mixue nhượng quyền chỉ tính riêng ở Hà Nội, theo thông tin mà Cafebiz tìm hiểu, đã vượt qua con số 500 cửa hàng. Đó là điều ngay cả một đế chế như Starbucks cũng không thể làm được, khi 10 năm ở Việt Nam họ mở tổng cộng chưa được 100 cửa hàng.
Công thức Mixue đang sở hữu để bành trướng hệ thống cửa hàng nhượng quyền của họ là gì? Trước hết, phải nói đến sức mạnh nội tại khiến Mixue có được mức giá rẻ trên trời. Đó là tối ưu hóa chi phí trong một vòng tròn khép kín từ sản xuất – logistics đến vận hành, quản lý chuỗi.
Thứ nhất, lợi thế về chuỗi cung ứng giúp Mixue có khả năng cung cấp số lượng lớn nguyên vật liệu đảm bảo an toàn thực phẩm. Mixue sở hữu nhà máy sản xuất thực phẩm của riêng mình và liên tục mở rộng danh mục nguyên liệu tự sản xuất.
Không những vậy, công ty chọn đặt các nhà máy sản xuất và chế biến ở một số khu vực sản xuất nguyên liệu đầu nguồn quan trọng. Nguyên liệu sản xuất cần thiết được mua trực tiếp tại địa phương, điều này không chỉ giảm tổn thất vận chuyển nguyên liệu mà còn giảm chi phí thu mua, tăng tốc độ cung ứng, giúp đảm bảo chất lượng cũng như hạ giá thành sản xuất.
Với lợi thế tự chủ sản xuất lớn, Mixue sở hữu “quyền lực” của “người mua lớn”. Một là quyền đàm phán về giá với các nhà cung cấp ở “thượng nguồn”. Hai là sản lượng lớn sẽ tối ưu hóa chi phí cố định trên đơn vị sản phẩm, giúp hạ giá thành sản phẩm.
Mặc dù bán những món đồ có giá trị rất nhỏ, nhưng Mixue là doanh nghiệp có quy mô lớn và họ đang làm thủ tục niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến. Theo số liệu kết thúc quý I/2022, công ty mẹ Mixue có tổng quy mô tài sản ở mức 7,59 tỷ NDT (khoảng 26.565 tỷ VNĐ). Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm 67%, tương đương 17.889 tỷ VNĐ.
Làm một phép so sánh với doanh nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, quy mô tài sản của Mixue bằng 2 lần tổng tài sản của CTCP tập đoàn Kido của Việt Nam (12.985 tỷ đồng) tại cùng thời điểm cuối quý I/2022.
Thứ hai, Mixue sở hữu một hệ thống hậu cần và kho bãi hoàn chỉnh. Công ty thành lập cơ sở kho bãi và hậu cần tại 22 tỉnh bao gồm Hà Nam, Tứ Xuyên, Tân Cương, Giang Tô, Quảng Đông và Liêu Ninh, đồng thời thiết lập mạng lưới hậu cần và vận tải cơ bản bao phủ toàn quốc thông qua các đối tác hậu cần của công ty.
Thứ ba, mô hình nhượng quyền của Mixue giúp bên nhận quyền có tỷ suất lợi nhuận lớn và tính bền vững cao. Đồng thời, Mixue có quy trình nhượng quyền và quản lý được chuẩn hóa, nhờ đó có thể quản lý quy mô số lượng lớn cửa hàng một cách hiệu quả.
Theo chiều ngược lại, càng mở rộng hệ thống cửa hàng nhượng quyền, công ty lại càng nắm trong tay lợi thế sản xuất số lớn.
Xét về mặt chiến lược kinh doanh, Mixue định vị thương hiệu tập trung vào hiệu suất chi phí cao, với độ phủ cao ở các khu vực tiềm năng. So với các chuỗi thương hiệu trà pha sẵn khác, Mixue chú trọng đến hiệu quả chi phí cao nhất và hầu như không có đối thủ nào có đơn giá thấp hơn họ.
Với chiến lược chất lượng cao, giá rẻ, công ty không chỉ chiếm thị phần so với các sản phẩm cạnh tranh cùng loại mà còn đảm nhận nhu cầu nâng cấp tiêu dùng trên thị trường trà đóng gói, định vị rõ ràng hơn so với các đối thủ tầm trung khác.
Tỷ lệ đóng cửa hàng của Mixue trong hai năm gần nhất ở mức 3-4%
Trên góc nhìn của một nhà đầu tư, để quyết định có tham gia vào mô hình chuỗi hay không họ sẽ cân nhắc đến các vấn đề như:
- Quan điểm hoàn vốn tài chính: Tổng chi phí đầu tư, thời gian hoàn vốn, vòng đời sản phẩm
- Sức mạnh của thương hiệu và năng lực của nhà cung ứng
- Mức độ tiêu chuẩn hóa, khả năng vận hành và quản lý
- Khả năng cạnh tranh trên thị trường
- Khả năng sống sót của cửa hàng
Trong các tiêu chí này thì khả năng sống sót của cửa hàng có thể được tham khảo qua tỷ lệ đóng cửa hàng. Chỉ số này là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ bền vững của mô hình cửa hàng. Theo phân tích của Chứng khoán Đông Bắc (Trung Quốc) hồi cuối năm 2022, chỉ số đóng cửa hàng của hệ thống Mixue tương đối tốt và tỷ lệ sống sót của các cửa hàng của công ty ở mức cao so với các doanh nghiệp tương tự. Tỷ lệ đóng cửa hàng của Mixue trong hai năm gần nhất ở mức 3-4%, chỉ số ở mức tốt trong ngành.
Cũng theo Chứng khoán Đông Bắc, có rất ít sự khác biệt trong các cửa hàng nhượng quyền của Mixue và khả năng sinh lời của toàn hệ thống nhìn chung khá tốt. Ước tính các cửa hàng có lãi chiếm hơn 90%, nguyên nhân chính do hiệu ứng quy mô khi sức mạnh thương hiệu của Mixue tiếp tục được củng cố.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, nhìn chung chỉ số tỷ lệ đóng cửa hàng của một thương hiệu ban đầu sẽ có xu hướng giảm dần khi số lượng cửa hàng tăng lên (do mẫu số tăng) sau đó mới dần tăng lên (do tử số tăng vì áp lực cạnh tranh, thị trường bão hòa...).
Trọng Nghĩa
Nguồn CafeBiz