“Bắt mạch” người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử thời 4.0
Người tiêu dùng ngày càng thông thái trong việc lựa chọn sản phẩm khi mua trực tuyến, vì vậy các sàn thương mại điện tử tích cực “chạy đua” để “nuông chiều” khách hàng trong thời đại mới.
Theo báo cáo Year in Search 2022 của Google về hành vi tìm kiếm tại Việt Nam, người tiêu dùng, đặc biệt tiêu dùng trực tuyến trong năm qua ghi nhận những thay đổi rõ rệt. Cụ thể, phần đông người dùng đang rà soát lại chi tiêu trong bối cảnh kinh tế biến động và lạm phát tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy dù khó tính hơn khi rút hầu bao, người dùng Việt không còn chăm chăm nhìn vào nhãn giá.
Hơn cả giá cả, người dùng có xu hướng lựa chọn dịch vụ chất lượng tốt hay sản phẩm đáng tin cậy. Trong đó, họ cân nhắc xem món nào tốt nhất về tổng thể thay vì chỉ ưu tiên hàng giá rẻ. Không còn là cuộc chiến về giá, kỷ nguyên mới của thương mại điện tử (TMĐT) sẽ khởi nguồn từ đâu và làm cách nào để nhà bán hàng cũng như các sàn đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thế hệ người tiêu dùng mới?
“Cuộc đua” bắt nhịp thế hệ tiêu dùng mới
Trong bối cảnh TMĐT dần trở nên quen thuộc và người tiêu dùng hình thành những nhu cầu mới, cuộc đua để bắt nhịp nhu cầu người dùng cũng tăng tốc. Theo đó, các doanh nghiệp TMĐT cần tập trung nghiên cứu, lắng nghe, thấu hiểu và “bắt đúng mạch” người dùng, từ đó phát triển những chiến lược thích hợp để phục vụ khách hàng và giành vị trí nổi bật trên thị trường.
Trong bối cảnh người tiêu dùng dần hình thành những nhu cầu mới, cuộc đua bắt nhịp nhu cầu người dùng cũng tăng tốc.
Sau một thập niên đồng hành và phát triển cùng ngành TMĐT tại Việt Nam, Lazada là sàn thương mại cho thấy rõ sự cập nhật với xu hướng tiêu dùng mới này để mang đến những trải nghiệm mua sắm trực tuyến tinh tế và cao cấp hơn. Điều này có được nhờ sự thấu hiểu người dùng, cộng hưởng với thế mạnh về công nghệ.
Đầu tiên, sự thấu hiểu nhu cầu là kết quả của quá trình nghiên cứu chuyên sâu về hành vi người tiêu dùng dựa trên thói quen, sở thích, lịch sử hay dữ liệu được người mua tìm kiếm, từ đó đưa ra những gợi ý phù hợp. Tất cả đề xuất đều dựa trên dữ liệu thực tế để có phương án tiếp cận phù hợp nhất cho từng thị trường, ngành hàng.
Đơn cử, nhờ đề xuất đúng điều người tiêu dùng cần, số lượng ngành hàng trung bình một người mua sắm trên sàn này đã tăng từ 6 ngành hàng (2021) lên 7 ngành hàng (2022) hay doanh thu ngành hàng bách hóa trong 2 giờ đầu tiên của “Lễ hội mua sắm – Tết Sale bung xõa” trên Lazada ghi nhận mức tăng trưởng gấp 97 lần ngày thường.
Khi đã hiểu người dùng, các sàn cũng cần có công cụ để hiện thực hóa những nhu cầu đó. Lúc này, sự bắt kịp về công nghệ đóng vai trò cốt lõi. Đơn vị nào biết tận dụng công nghệ để nâng tầm trải nghiệm và mang lại lợi ích thực tế cho người dùng sẽ dẫn đầu cuộc đua.
Dựa trên sự thấu hiểu người dùng và lợi thế công nghệ, Lazada ra mắt nhiều sáng kiến mới, ứng dụng công nghệ trong từng “điểm chạm” xuyên suốt hành trình mua sắm của khách hàng.
Trong nhiều năm qua, Lazada cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tính năng tìm kiếm bằng giọng nói và hình ảnh; cá nhân hóa đề xuất mặt hàng dựa trên lịch sử hay ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR trong tính năng Virtual Try On (VTO) – trải nghiệm sản phẩm trực tuyến. Trong đó, VTO đã góp phần tăng tỷ lệ chuyển đổi đến 3,1 lần và giá trị đơn hàng trung bình đến 11% cho các đối tác LazMall ở lĩnh vực làm đẹp của Lazada.
Hệ sinh thái TMĐT bền vững để cùng đối tác kinh doanh và dịch vụ song hành phát triển cũng là những ưu điểm nổi bật trên sàn Lazada.
Đơn cử, trong lễ hội mua sắm “Bùng nổ sale sinh nhật” lần thứ 11 diễn ra từ 3/3 tới 13/3/2023 , sàn triển khai chương trình “Hoàn tiền Max” lên đến 500.000 đồng.
Trong chương trình này, nhà bán hàng chỉ cần bỏ ra 20.000 đồng/sản phẩm, phần khuyến mại còn lại do Lazada trợ giá để đối tác bán hàng lẫn người mua đều hưởng lợi ích.
Tựu chung lại, thấu hiểu người mua hàng lẫn các đối tác thương hiệu là cách để sàn TMĐT tiến gần hơn tới mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể thấy, các sàn TMĐT tại Việt Nam đang nỗ lực tăng tốc trên đường đua chinh phục người dùng thế hệ mới bằng những giải pháp về chiến lược, sự thấu hiểu lẫn công nghệ tiên tiến, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cùng những trải nghiệm mua sắm ngày một tinh tế.
Nhu cầu tiêu dùng không ngừng thay đổi
Theo “Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022” của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, dù đối mặt nhiều khó khăn chung của nền kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức hai con số, doanh thu bán lẻ đạt 16,4 tỷ USD năm 2022.
Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể sẽ chạm mốc 60 triệu. Các số liệu này cho thấy TMĐT đang trở thành một phần không thể thiếu của hàng triệu người dân trên cả nước.
Cấp độ cao hơn của hành vi tiêu dùng tức là vẫn sản phẩm, khuyến mại hay trải nghiệm đó, những người tiêu dùng sẽ có những yêu cầu khắt khe hơn. Nói cách khác, họ liên tục kỳ vọng có những trải nghiệm mới lạ, tinh tế hơn trong chính các nhu cầu, sản phẩm hoặc dịch vụ cơ bản.
Nếu trước đây, khách hàng không quá phàn nàn bởi một đơn hàng đến chậm, thì ngày nay, họ hoàn toàn có thể lựa chọn nhà bán hàng khác với tốc độ vận chuyển nhanh, dịch vụ tốt hơn. Thậm chí, một sự trì hoãn chỉ 1-2 giây trong quá trình lướt và click cũng ảnh hưởng đến trải nghiệm, quyết định mua hàng.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Marketing Lazada Việt Nam, nhận định: “Dù thị trường có nhiều biến động, chúng tôi nhận thấy sức mua trực tuyến không hề giảm. Hơn hết, người tiêu dùng sẽ ngày càng mua sắm thông minh hơn, tìm kiếm các sản phẩm chất lượng hơn, cũng như đòi hỏi trải nghiệm mua sắm thú vị hơn thay vì chỉ tập trung vào deal hời, khuyến mãi. Có thể thấy, sự kỳ vọng và mức độ hài lòng của người dùng đang không ngừng tịnh tiến lên những cấp độ cao hơn”.
Bà Hằng giải thích khi ngày càng nhiều nhà bán hàng xuất hiện trên thị trường, người dùng sẽ có thêm lựa chọn, từ đó tăng mức kỳ vọng về trải nghiệm với dịch vụ/ sản phẩm mà họ sẽ nhận được.
Ánh Dương
Nguồn CafeBiz