Nửa thập kỷ dang dở của Thế Giới Di Động với tham vọng từ chuỗi kính mắt đến 5 chuỗi AVA
Sự thành công của hai chuỗi bán lẻ thôi thúc MWG đặt loạt tham vọng tiếp theo, song hơn nửa thập kỷ trở lại đây hầu hết đều dang dở.
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào ngày 15/2/2023, lãnh đạo CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) bất ngờ tuyên bố sẽ đóng cửa toàn bộ chuỗi Bluetronics tại Campuchia, do thị trường nhỏ và chính sách thuế khóa phức tạp; dự kiến ngay trong quý I/2023 sẽ hoàn tất.
Trong khi mới đây, MWG vẫn cho biết đã và đang chuyển đổi chuỗi điện máy này tại Campuchia, dự định mở thêm 10 cửa hàng trong năm 2022 và kỳ vọng đạt được điểm hoà vốn vào tháng 6.
Bluetronics hiện lỗ luỹ kế hơn 605 tỷ đồng
Nói về lý do đóng cửa, theo ông Đoàn Văn Hiểu Em hiện hầu hết cửa hàng nhỏ lẻ tại Campuchia không có thuế giá trị gia tăng, nếu Bluetronics tính thuế này cộng thêm thuế nhập khẩu nên giá bán sản phẩm luôn cao hơn mặt bằng 10-15%. Vì vậy, Bluetronics khó cạnh tranh nếu giữ giá bán cao, còn chấp nhận chạy đua với các cửa hàng nhỏ lẻ thì không có lãi.
Bluetronics là bước đi đầu tiên của MWG trong cuộc khai thác thị trường quốc tế từ 5 năm về trước, tên gọi ban đầu là chuỗi BigPhone. Đến cuối năm 2019, BigPhone được đổi tên thành Bluetronics để kinh doanh điện thoại lẫn điện máy. Bluetronics khi đó được ban lãnh đạo Thế Giới Di Động xem là bàn đạp cho tham vọng xâm nhập thị trường bán lẻ Đông Nam Á.
“Mô hình Bluetronics tại Campuchia khá giống mô hình Điện Máy Xanh ở Việt Nam, tức là bán cả điện thoại, điện máy và sản phẩm vệ tinh khác. Mô hình tại Campuchia không phải mô hình khá tệ, thậm chí chúng tôi cũng đã ‘customize’ (điều chỉnh) lại cho phù hợp với thị trường này hơn”, CEO Đoàn Văn Hiểu Em nói.
Dù nhận định “không tệ”, song tại BCTC quý IV/2022 cho thấy, Bluetronics liên tục lỗ từ 2017 đến nay. Năm 2021 và 2022 lỗ lớn nhất với 187 tỷ đồng và 330 tỷ đồng. Lỗ lũy kế vào mức 605 tỷ đồng.
Sau khi rút khỏi Campuchia, MWG được biết sẽ dồn lực vào thị trường Indonesia với chuỗi điện thoại và điện máy EraBlue. Chuỗi này khai trương 5 cửa hàng vào tháng 12/2022 và doanh số bình quân mỗi tháng của một cửa hàng đạt khoảng 5 tỷ đồng.
5 chuỗi AVA sau 1 năm còn lại gì?
Thế giới Di động cũng cho biết sẽ chủ động thu hẹp chuỗi AVASport do đánh giá không có tiềm năng đóng góp doanh thu/ lợi nhuận đáng kể trong tương lai. AVASport là chuỗi chuyên bán thời trang thể thao được MWG khai trương hồi đầu năm 2022.
Lúc bấy giờ, Thế giới Di động gây chú ý mạnh khi mở đến 5 chuỗi cửa hàng thuộc nhóm AVA, gồm AVAFashion (thời trang gia đình), AVASport (đồ thể thao), AVAKids (mẹ và bé), AVAJi (trang sức) và AVACycle (bán xe đạp – dưới hình thức “shop in shop” tại hệ thống Điện máy Xanh).
Trả lời câu hỏi “liệu động thái này của MWG có quá tham lam?”, lãnh đạo công ty nhấn mạnh: Là người đã hoạt động lâu trong ngành, MWG tìm thấy cơ hội trong bối cảnh thị trường bán lẻ có nhiều khoảng trống sau các làn sóng dịch bệnh, đồng thời các lĩnh vực mới đều chưa thực sự có đơn vị nào dẫn dắt thị trường.
Riêng lĩnh vực bán lẻ đồ thể thao vẫn chưa có thương hiệu nào thực sự chiếm lĩnh, trong khi tập luyện thể thao là nhu cầu tất yếu và ngày càng gia tăng trong bối cảnh mới, đó chính là một lợi thế cho AVASport. Dù vậy, tham vọng này cũng nhanh chóng dừng lại chỉ sau 1 năm khai thác.
Trước đó giữa năm 2022, MWG cũng đã quyết định đóng chuỗi thời trang AVAFashion. Nhìn chung, sự vội vã bành trướng thị trường bán lẻ thông qua hệ sinh thái AVA của MWG sau 1 năm, công ty hiện chỉ còn nhắc nhiều đến AVAKids – chuỗi siêu thị kinh doanh sản phẩm dành cho mẹ và bé.
Với phương châm đánh nhanh rút nhanh, thử và sửa sai, nếu không hiệu quả sẽ quyết định dừng lại, MWG có lẽ cũng mất không ít nguồn lực cho những tham vọng dang dở này.
Nửa thập kỷ dang dở
Thực tế, nói đến MWG, không thể phủ nhận việc nắm bắt được xu hướng và đi đến cùng với thị trường di động là thành công lớn nhất của ông Nguyễn Đức Tài (cùng những cộng sự), kết quả cho sự ra đời chuỗi Thế giới Di động và Điện Máy Xanh với hàng ngàn chi nhánh trải dài toàn quốc, tổng doanh thu lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm.
Sự thành công của hai chuỗi bán lẻ thôi thúc MWG đặt loạt tham vọng tiếp theo, song hơn thập kỷ trở lại đây hầu hết đều dang dở.
Đầu tiên phải nói đến chuỗi Bách Hoá Xanh với độ nhận diện tương đối trên thị trường, dù vậy những thách thức từ thị trường cùng nhiều “scandal” cao điểm mùa dịch COVID-19 đang khiến MWG thận trọng hơn với bước đi này, Bách Hoá Xanh sau nhiều năm vẫn chưa thể hoà vốn. Năm 2022, MWG dừng mở rộng và tiến hành tái cấu trúc toàn bộ Bách Hoá Xanh, mục tiêu chính cải thiện sự trải nghiệm mua sắm cùng độ hài lòng của khách hàng.
Trước đó nữa, MWG cũng từng thất bại với nhiều mô hình kinh doanh. Đơn cử là việc ra đời trang thương mại điện tử Vuivui.com vào cuối năm 2016, lúc này cũng là giai đoạn thị trường B2C (Business to customer) bùng nổ với hàng loạt đơn vị gia nhập, MWG tuyên bố mạnh mẽ muốn trở thành số 1 tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 11/2018 cũng là điểm kết cho Vuivui.com chỉ sau chưa đầy 2 năm hoạt động bởi “không muốn đốt tiền cho thương mại điện tử”.
Hay chuỗi Điện Thoại Siêu Rẻ được mở vào tháng 8/2019 với kỳ vọng lấy thêm miếng bánh thị phần của các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống cũng “đóng cửa” sau chưa đầy 1 năm ra mắt. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty khi đó, mặc dù bình quân mỗi cửa hàng đạt doanh thu 250-300 triệu đồng/mỗi tháng nhưng đóng góp về mặt doanh số của chuỗi này quá nhỏ và lợi nhuận rất thấp vì giá bán sản phẩm rẻ. Một cửa hàng nhỏ gọn, doanh thu chỉ đến mức đó dù đầu tư thêm.
Cũng trong năm 2019, MWG bắt đầu thử nghiệm mô hình kinh doanh kính mắt theo mô hình “shop in shop”. Đến tháng 3/2020, MWG quyết định ngừng bán, nguyên nhân do các cửa hàng nhỏ lẻ bên ngoài có lợi thế về kính thuốc, nếu đưa máy đo mắt vào các cửa hàng điện thoại, điện máy thì có phần không phù hợp.
Hay chuỗi An Khang, không chịu thua kém những “đại gia điện máy” khác như Digiworld, FPT Retail, Nguyễn Kim… MWG cũng tiện thể mở rộng sang bán dược phẩm khi thị trường này được định giá đến cả “tỷ đô” và còn nhiều dư địa tăng trưởng vào những năm 2017-2018.
Sang năm 2022, MWG bất ngờ tuyên bố sẽ đẩy mạnh sau 5 năm tạm gác, dù vậy đến nay kế hoạch này một lần nữa hoãn lại. Hiện, chuỗi An Khang đang lỗ luỹ kế 318 tỷ đồng.
Tri Túc
Nguồn CafeF