Quốc gia dựng nghiệp
Tinh thần sáng tạo, tuân thủ pháp luật, tuân thủ cạnh tranh lành mạnh mới làm cho một doanh nghiệp trường tồn.
Giữa tháng Năm vừa qua, tôi có tham dự hội nghị về nước của khu vực châu Á – Thái Bình Dương ở Chiang Mai, Thái Lan. Trong buổi lễ khai mạc tôi rất ấn tượng về bài phát biểu của ông Phó Thủ tướng Chính phủ Thái Lan, TS. Plodprasop Suraswadi. Bài phát biểu ngẫu hứng, không giấy tờ cầm tay của ông toát lên sự hiểu biết, chân thành và tận tụy vì quốc gia, dân tộc của một người lãnh đạo.
Nhìn vào triển lãm về quản lý tài nguyên nước được tổ chức nhân dịp hội nghị, người ta thấy cả cuộc đời của Vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej giành cho thủy lợi, quản lý tài nguyên nước ở những vùng nông thôn hẻo lánh của Thái Lan. Có lẽ vì vậy mà quốc gia này nhanh chóng phát triển vững chãi, vượt qua các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là khắc phục hậu quả lũ lụt 2011.
Nhìn xa hơn chút nữa sang Trung Đông, người Do Thái là một dân tộc không có tổ quốc từ hàng ngàn năm nay, cho đến năm 1948 mới tuyên bố thành lập nước dựa trên quyết định của Liên Hợp Quốc. Như vậy nhà nước Israel (Do Thái) từ không thành có. Israel giờ đây được biết đến như một quốc gia phát triển dựa trên nền tảng khoa học kỹ thuật và sáng tạo thần kỳ, là nơi mà Intel và Google đặt cơ sở R&D lớn. Ngay tại hội nghị này, có hẳn một khu trưng bày về kỹ thuật nước của họ. Vậy điều gì làm nên sự thần kỳ Israel? Đó là sự sáng tạo, dân chủ và tinh thần phấn đấu không mệt mỏi của mỗi người Do Thái.
Việt Nam vẫn tự hào là quốc gia có mấy ngàn năm lịch sử, có đất đai trù phú, rừng vàng biển bạc và người Việt là một dân tộc cần cù, thông minh. Vậy mà đến giờ, tiếc thay, vẫn đang ở nhóm nước nghèo. Tương tự như các nước khác, muốn công nghiệp hóa và thoát nghèo, chúng ta phải dựng nghiệp. Tự hào có mấy ngàn năm lịch sử, nhưng hãy xem chúng ta ứng xử hay sử dụng vốn quý ấy như thế nào: những di tích văn hóa tâm linh được quản lý hết sức lỏng lẻo, tài nguyên thiên nhiên khai thác lãng phí.
Trong khi nhiều doanh nhân Israel chịu khó đi học hỏi các nơi trên thế giới và chuẩn bị sẵn bài thuyết trình, không phải về công ty của họ mà về đất nước Israel của họ. Còn ta? Đáng buồn thay, có không ít người tham dự hội nghị quốc tế nhưng không thạo tiếng Anh và không thể tham gia đầy đủ các hoạt động của hội nghị. Đáng nói hơn, sau buổi khai mạc, họ bỏ về và mải mê đi thăm quan, mua sắm. Theo tôi, giới kinh doanh phải là những người tiên phong thực hiện tư duy dựng nghiệp này. Họ cần phải “chơi” theo luật chơi của quốc tế, không thể chỉ mãi dựa vào sự bảo hộ của nhà nước theo cách này hay cách khác.
Trên một chuyến bay từ Campuchia về Việt Nam, tôi ngồi cạnh một doanh nhân Thụy Sỹ, người có 13 năm kinh nghiệm làm việc ở Việt Nam. Ông ta nhận xét, đa số các doanh nghiệp Việt Nam không trường tồn được vì kinh doanh không theo thông lệ quốc tế. Ông bảo: “Nếu cứ mở lại các trang báo cách đây 10 năm, những công ty nổi tiếng lúc đó hỏi còn mấy công ty còn đến ngày nay”? Nếu chúng ta đọc báo thì thấy hàng ngày đầy rẫy những phanh phui về chế biến bảo quản thực phẩm độc hại bẩn thỉu đến kinh người… Người ta phải tự hỏi: tại sao lại có người có thể bỏ thuốc độc vào thực phẩm để bán cho đồng bào của mình? Người nông dân sẵn sàng cho lợn ăn những hóa chất tăng trọng, không cần biết nó có an toàn cho người hay không?
Quốc gia dựng nghiệp dựa vào vốn là tinh thần khởi nghiệp, dấn thân và cống hiến của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Nền tảng vững chắc phải dựa trên tinh thần sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.
Chuyện ăn uống của người dân có đến 3 bộ chịu trách nhiệm, nhưng thực phẩm bẩn vẫn hoành hành. Bao nhiêu văn bản quy phạm pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn chưa đủ tác dụng?
Nhiều nước láng giềng của Trung Quốc, có phải nước nào cũng trở thành bãi đáp của những hàng hóa kiểu đó không? Câu trả lời là không. Tinh thần sáng tạo, tuân thủ pháp luật, tuân thủ cạnh tranh lành mạnh mới làm cho một doanh nghiệp trường tồn. Quốc gia cũng vậy, muốn khởi nghiệp được thì không thể trông chờ vào những người mải mê du lịch mua sắm, chụp hình rồi khoe lên facebook. Israel là một quốc gia nhỏ bé (hơn 20 ngàn km2), 2/3 diện tích nằm trên khu vực sa mạc còn lại là sỏi đá, tài nguyên thiên nhiên gần như không có gì. Nhưng chỉ sau hơn 60 năm, với 8 triệu người chủ yếu là người nhập cư, Israel đã không chỉ xây dựng đất nước giàu mạnh, mà còn đóng góp nhiều cho sự phát triển của thế giới (có nhiều người đoạt giải Nobel trong nhiều lĩnh vực). Việt Nam chúng ta không thiếu bất kỳ một điều kiện nào để trở thành cường quốc.
Quốc gia dựng nghiệp dựa vào vốn là tinh thần khởi nghiệp, dấn thân và cống hiến của từng cá nhân, từng doanh nghiệp. Nền tảng vững chắc phải dựa trên tinh thần sáng tạo và cạnh tranh lành mạnh.