SSI Research: Nhìn lại ngành bán lẻ năm 2022 và dự báo tăng trưởng năm 2023
Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa có báo cáo cập nhật ngành bán lẻ 2022 và dự báo 2023.
Nhìn lại năm 2022: Khả quan nhờ nhu cầu tiêu dùng bị dồn nén
Áp lực lạm phát leo thang từ tháng 6/2022 khi giá xăng dầu tăng cao kỷ lục. Việc tăng phí thuê nhà và phí giáo dục càng gây thêm áp lực cho người tiêu dùng. Với lạm phát tương đối cao trong quý II và quý III/2022, chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu phần nào bị ảnh hưởng, nhưng vẫn cho thấy mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ do mức cơ sở thấp của năm ngoái. Từ quý IV/2022, tác động của lạm phát cao đối với chi tiêu cho các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu đã dần trở nên rõ ràng.
Mảng bán lẻ ICT & CE (điện thoại di động và điện máy) tăng trưởng ổn định từ mức cơ sở thấp của năm ngoái: Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Thế Giới Di Động từ mảng ICT & CE tăng 27% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu từ ICT của FPT Retail tăng 32% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, doanh thu ICT & CE của Thế Giới Di Động giảm 18% so với cùng kỳ trong tháng 10 và giảm 22% so với cùng kỳ trong tháng 11, phản ánh mức cơ sở so sánh cao trong năm ngoái và nhu cầu yếu bất chấp mùa cao điểm.
Mảng trang sức: Trong 6 tháng đầu năm 2022, nhu cầu mua vàng tại Việt Nam phục hồi tốt với mức tăng 7,8% so với cùng kỳ, và giá trị tuyệt đối cao hơn những năm trước COVID-19. Sự phục hồi của nhu cầu được giải thích do nhu cầu bị dồn nén và nhu cầu mua vàng để tích trữ trong bối cảnh lạm phát gia tăng.
Doanh số bán lẻ của PNJ tăng gần gấp đôi (tăng 92% so với cùng kỳ), khi công ty mở rộng tệp khách hàng và phục vụ khách hàng hiện tại hiệu quả hơn, giành được thêm thị phần. Trong khi nhu cầu vàng trong nửa đầu năm 2022 vượt qua nhu cầu của những năm trước COVID-19, thì nhu cầu trong quý III/2022 lại giảm nhẹ.
Chuỗi dược phẩm thương mại hiện đại đã và đang mở rộng nhanh chóng: Trong nửa đầu năm 2022, biến thể omicron bắt đầu lan rộng. Vì các triệu chứng liên quan đến biến thể omicron nhẹ nên mọi người có xu hướng tự mua thuốc hơn là tìm cách điều trị tại các cơ sở y tế, điều này giúp kênh hiệu thuốc thu hút khách hàng từ các bệnh viện. Để tăng cường sức khỏe, bệnh nhân có xu hướng mua thực phẩm chức năng chủ yếu được bán qua các nhà thuốc thương mại hiện đại hơn là các nhà thuốc truyền thống.
Ngoài ra, vấn đề thiếu thuốc có thể đã giúp các hiệu thuốc thương mại hiện đại giành được khách hàng từ các hiệu thuốc truyền thống, vì các hiệu thuốc truyền thống thường không có đủ khả năng thương lượng để đảm bảo đủ hàng tồn kho.
Bộ Y tế đã đưa ra thời hạn thực hiện kê đơn điện tử, theo đó các nhà thuốc cần trang bị đầy đủ hệ thống để kết nối với hệ thống kê đơn điện tử quốc gia. Điều này khiến các nhà thuốc truyền thống gặp khó khăn trong việc tuân thủ, trong khi các nhà thuốc thương mại hiện đại nhanh chóng thích nghi với các quy định mới.
Tuy nhiên, việc mở mới của chuỗi nhà thuốc An Khang và Pharmacity đã chậm lại đáng kể trong nửa cuối năm 2022, do nhu cầu về thực phẩm bổ sung và nhu cầu tự mua thuốc đã giảm bớt. Trong khi đó, Long Châu tiếp tục ráo riết mở các cửa hàng mới, do chuỗi nhà thuốc này tập trung nhiều hơn vào thuốc kê đơn và thuốc điều trị các bệnh mãn tính hơn là thực phẩm chức năng hay thuốc điều trị các triệu chứng nhẹ.
Theo e-Conomy SEA, nền kinh tế kỹ thuật số (được đo bằng tổng giá trị thị trường – GMV) ước tính đạt 23 tỷ USD (tăng 28% so với cùng kỳ) vào năm 2022, trong đó GMV thương mại điện tử là 14 tỷ USD (tăng 26% so với cùng kỳ). Thương mại điện tử tiếp tục thu hút khách hàng sau đại dịch nhờ sự tiện lợi và giá cả cạnh tranh. Doanh thu trực tuyến tại Thế Giới Di Động và FPT Retail tăng lần lượt 52% và 39% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022.
Từ quý IV/2022, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đã chậm lại đáng kể. Các ngành sử dụng nhiều lao động (dệt và may mặc, nuôi trồng thủy sản, gỗ và du lịch) là những ngành đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó, xuất khẩu suy yếu đã ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng và chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu.
KQKD của các chuỗi cửa hàng bách hóa giảm sút so với mức cơ sở cao của năm ngoái, khi các chợ truyền thống ở TP.HCM đóng cửa. Ngoài ra, trong bối cảnh thu nhập hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô suy yếu, người tiêu dùng đã chuyển thói quen mua sắm từ cửa hàng bách hóa thương mại hiện đại sang chợ truyền thống với giá rẻ hơn.
Với sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng, Thế Giới Di Động đã cơ cấu lại hoạt động của chuỗi Bách Hóa Xanh trong quý II/2022 với các biện pháp như xử lý hàng tồn kho, thay đổi danh mục sản phẩm, cắt giảm chi phí và quy chuẩn hóa mô hình cửa hàng. Thế Giới Di Động ngừng mở mới cửa hàng để tập trung nâng cao hiệu quả. Do đó, doanh thu mảng Bách Hóa Xanh giảm 7% so với cùng kỳ trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 11/2022.
Doanh thu Winmart giảm 9% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2022 mặc dù Masan tiếp tục mở mới các cửa hàng trong năm 2022. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của Winmart đã cải thiện lên 22,9% trong 9 tháng đầu năm 2022 từ 19,5% trong 9 tháng đầu năm 2021, trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh giảm do triển khai các chương trình giảm giá.
Một số doanh nghiệp bán lẻ có dư nợ bằng USD, do đó sẽ phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá cao hơn nếu USD tăng giá. Lãi suất cũng tăng lên. Khoản nợ bằng USD của Thế Giới Di Động là 370 triệu USD tại thời điểm quý III/2022 (tương đương 38% tổng nợ), mặc dù công ty đã hoàn trả 120 triệu USD vào cuối tháng 11.
Ngược lại, nợ bằng USD của Digiworld chỉ chiếm dưới 1% tổng nợ vào quý III/2022, nhưng giá vốn hàng bán của công ty có thể tăng cùng với sự tăng giá của USD. Nợ bằng USD tại FPT Retail chiếm 6% tổng nợ vào quý III/2022. FPT Retail bị ảnh hưởng nhiều nhất khi lãi suất tăng, trong khi PNJ có đòn bẩy thấp nhất trong số các doanh nghiệp bán lẻ.
Kỳ vọng cho năm 2023
Tiêu dùng cho các sản phẩm không thiết yếu sẽ vẫn ảm đạm, ít nhất là cho đến nửa đầu năm 2023 do những khó khăn về kinh tế vĩ mô. Trong nửa đầu năm 2023, SSI Research cho rằng giá điện, chi phí y tế và học phí sẽ tăng lên. Thuế GTGT tăng lên 10% (từ mức hiện tại là 8%) kể từ ngày 1/1/2023. Những yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng.
Trong kịch bản cơ sở, SSI Research giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó sẽ giảm tốc trong 6 tháng cuối năm. SSI Research ước tính chi tiêu cho điện thoại & điện máy sẽ giảm 10% so với cùng kỳ và nhu cầu tiêu thụ vàng sẽ không thay đổi vào năm 2023, với mức chi tiêu thấp cho đến nửa đầu năm 2023, sau đó dần phục hồi từ nửa cuối năm 2023.
Việc hợp nhất thị trường sẽ rõ ràng hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế: Các nền tảng thương mại điện tử thường giảm giá sâu, tạo ra tỷ suất lợi nhuận thấp. Trong bối cảnh chi phí tăng và nhu cầu yếu, các nhà bán lẻ trực tuyến có thể bị lỗ, do đó mất dần thị phần. Các nhà bán lẻ quy mô nhỏ không tiếp cận được tín dụng ngân hàng cũng có thể bị mất thị phần. Do đó, các nhà bán lẻ có dòng tiền ổn định có thể giành được thị phần.
Tỷ suất lợi nhuận sụt giảm do xu hướng mua hàng giá trị thấp: Lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023.
Chi phí tài chính có thể giảm bớt vào năm 2023: Thị trường kỳ vọng lãi suất Fed sẽ tăng nhẹ hơn trong năm 2023, vì vậy SSI Research dự báo đồng USD sẽ tăng giá với tốc độ chậm hơn trong 2023. Tương tự, SSI Research dự báo lãi suất trung bình vẫn có thể tăng vào năm 2023, nhưng với tốc độ chậm hơn (khoảng 50-100 điểm cơ bản vào năm 2023 so với 200-300 điểm cơ bản vào năm 2022).
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ có thể chọn tích trữ ít hàng tồn kho hơn do dự đoán nhu cầu yếu – điều này sẽ giúp giảm áp lực lên chi phí lãi vay. Do đó, tổng chi phí tài chính của các nhà bán lẻ có thể sẽ giảm, giả định kế hoạch mở mới thận trọng trong năm 2023.
Tăng vốn là một yếu tố hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt trong bối cảnh chi phí vay tăng cao: Thế Giới Di Động hoãn thực hiện tăng vốn cho công ty mảng bách hóa từ quý 1 năm 2023 sang quý 3 năm 2023. Việc phát hành cổ phiếu thành công sẽ giúp công ty giảm bớt áp lực về chi phí tài chính.
Định giá: Nhiều dự báo cho rằng tăng trưởng lợi nhuận có thể âm trong 6 tháng đầu năm 2023 đối với các doanh nghiệp bán lẻ ICT & CE, SSI Research tin rằng có thể có cơ hội cho các nhà đầu tư dài hạn tích lũy cổ phiếu trong thời kỳ giá thấp trước khi lấy lại đà tăng trưởng lợi nhuận dương trong nửa cuối năm 2023.
Hà My
Nguồn CafeBiz