[Nhật ký sáng tạo] Thu voice

Cũng như đi shoot phim, thu voice trước hết là được ra khỏi công ty nên khá là vui (miễn đừng rơi vào tối hay cuối tuần). Vui nhưng cũng áp lực phết, một cái phim long lanh mà chất lượng voice không tốt là cũng phiền phức lắm.

Mỗi voice talent mỗi tính, có người dễ thương ơi là dễ thương nhưng cũng có chị khó tính đăm đăm, hơi bị “ngôi sao” nên mỗi lần thu với chị là rất dễ rối lông. Kẹt cái giọng chị tốt nên lần sau nếu có nhu cầu lại cũng phải thỉnh về làm. Hiện tại rất ít voice talent chuyên nghiệp ở Việt Nam nên Agency có rất ít lựa chọn.

Đã làm voice talent thì giọng hay và khoẻ hiển nhiên nhưng sự chuyên nghiệp và đẳng cấp thể hiện ở chỗ bắt được yêu cầu nhanh gọn lẹ. Có anh chỉ vừa mở phim lên 2 lần, không cần brief gì ráo, bay vô phòng kiếng đọc khí thế không ai can kịp, đủ các thể loại option trầm bổng mà lại rất đúng với ý đồ đen tối của phim. Các bạn trẻ thì sung sức nhưng phải brief rất kĩ, đọc đi đọc lại độ chục lần thì mới ổn. Nhưng mỗi khi họ cất tiếng là lại nhớ ra “À, thì ra chị này lồng phim Doremon nè!”, ““Hồ sơ trinh sát” ngày xưa là đây sao?”

Giọng hay mà còn phải đầy lực, đọc đi đọc lại cả trăm lần, diễn cảm uốn éo đủ các kiểu, biến hoá nhanh chậm cho khớp với hình, muôn ngàn cái khó. Mỗi buổi thu voice, tuy chỉ thấy có dăm ba câu mà kéo hết 3,4 tiếng đồng hồ. Càng lâu thì tai nghe càng đuối, càng về sau là nghe câu nào cũng như câu nào, thế mới chết!

Mùa Tết cũng là cao điểm của các chiến dịch quảng cáo truyền thông nên các talent chạy show liên tục, có khi bước vào phòng thu mà giọng yếu đi hẳn, cũng phải gồng lên mà đọc. Đọc không ra thì coywriter chưa cho thoát được nên cũng phải ép nhau, hơi bất nhẫn nhưng mọi thứ phải xong, bằng một cách nào đó.

[Nhật ký sáng tạo] Thu voice

Copywriter cũng học được nhiều kinh nghiệm hay ho từ các anh chị lồng tiếng lâu năm. “Chắc chờ anh A vô luôn rồi chị và ảnh sẽ cùng đọc, đoạn này chị thấy cần sự giao đãi nên thu riêng sợ không hay, thu cùng lúc 2 giọng dễ hoà với nhau hơn.” Một số phim còn có phiên bản Nam – Bắc, lại đẻ ra cái khó nữa là copywriter miền Nam thì khó cảm được tiếng Bắc, thấy câu nào cũng hay hết (theo lỗ nhĩ Sài Gòn), chọn cái nào phù hợp đây?

Ác mộng thật sự lại là thu voice người không chuyên và các bé tuổi thần tiên. Các chương trình khuyến mãi cũng cần tiếng của người trúng giải, họ không chuyên nên đọc vừa yếu vừa không đúng tinh thần, gò vã mồ hôi mới được. Các bé thiếu nhi thì dễ thương quá trời nhưng trừ khi đã đọc vài lần rồi, nếu không là nhát kinh khủng. Có lần mọi người phải thụp xuống trốn hết vì khi thấy có ai nhìn mình đọc là bé đọc không được, bù lu bù loa! Nhớ mãi lời một anh copywriter, sau 2 tiếng đồng hồ quần quật thì đã thu được voice của bé, tiễn “talent nhí” ra cửa: “Con giỏi lắm đó, không có con là phim không có hay đâu, thôi mẹ tới rồi, con xuống đi nha. Ráng học giỏi, sau này lớn đừng làm quảng cáo nha con!”

Thu voice nhiều cũng tạo cho copywriter một thói quen kì khôi là rất để ý đến giọng nói của mọi người xung quanh, để ý xem giọng nào khoẻ, giọng nào lạ, giọng nào hài hước. Một chị copywriter khi đi taxi, phát hiện anh tài xế có chất giọng rất hay mà lại vui vui, thế là nằng nặc cho anh địa chỉ phòng thu, anh chỉ cần dành 30 phút thu giọng mẫu là được, sau này các Agency có thể chọn anh thì sao! Hơi buồn là anh đã không đến, chắc chị bão táp quá làm anh sợ, chả hiểu mô tê chi. Anh sẽ buồn hơn nếu biết chỉ cần bước vào phòng thu là nhận được cả trăm USD rồi, dẫu cuối cùng người ta có xài hay không!

Bản thân mình cũng thích đi thu voice cùng với các bạn bên nhãn hàng, nhất là người có quyền quyết định. Tiếng nói cũng như chữ nghĩa là vấn đề hết sức chủ quan, “anh thấy nó yếu yếu thế nào, chắc phải thu lại em ơi, anh nghĩ nó có thể mạnh hơn nữa”, là phải thu lại chứ biết sao giờ, đâu phải làm toán đúng sai. Đi thu voice với các Marketers dù sao vẫn nhanh gọn hơn, họ đã ok trong phòng thu là coi như xong, bớt phần hồi hộp nếu gởi voice qua mail ngồi chờ phản hồi.

Ở phòng thu âm thanh chất lượng cao nên cả Marketers và phía Agency chăm chút từng âm một nhưng phát lên ti vi thì nghe cái nào cũng như cái nào, nằm ở nhà dỏng tai lên mà cũng chẳng thấy chút công sức của cả bọn trong studio đâu cả!

Biết thế nhưng tinh thần trách nhiệm vẫn ép cả bọn phải miệt mài có khi đến khuya, để mix cho xong mọi thứ, hoàn hảo từng thanh âm một.

Nguồn Tôi Yêu Marketing