Việt Nam tăng 7 bậc về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu 2022
Báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) cho thấy Việt Nam xếp hạng 55 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN.
Tổ chức Oxford Insights (Vương quốc Anh) vừa công bố báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index) năm 2022.
Đây là lần thứ 5 báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được xuất bản, sau bốn lần vào năm 2017, 2019, 2020 và 2021. Báo cáo đánh giá sự sẵn sàng AI của chính phủ từ 181 quốc gia trong việc khai thác những ứng dụng của AI để vận hành và cung cấp dịch vụ của mình.
Chỉ số được sử dụng như một công cụ để so sánh tình trạng hiện tại về mức độ sẵn sàng cho AI của chính phủ ở các quốc gia so sánh với các nước trong khu vực trên toàn cầu để học tập kinh nghiệm hữu ích phát triển.
Phương pháp đánh giá năm 2022 sử dụng 39 chỉ số trên ba trụ cột (chính phủ, trình độ công nghệ, hạ tầng và dữ liệu) với 10 khía cạnh thuộc nhóm cơ sở hạ tầng, tính sẵn sàng của dữ liệu, tính đại diện của dữ liệu, nguồn nhân lực, năng lực đổi mới, quy mô, khả năng thích ứng, năng lực kỹ thuật số, quản trị và đạo đức, tầm nhìn.
Trong lần đánh giá này, Việt Nam đứng thứ 55 trên thế giới và đứng thứ 6 trong ASEAN (tăng 7 bậc so với với năm 2021 theo xếp hạng trên thế giới là 62/160). Điểm trung bình của Việt Nam đạt mức 53,96 (tăng so với năm 2021 là 51,82), vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới (44,61).
Trình độ công nghệ trong toàn khu vực Đông Á đang ngày càng phát triển. Theo số liệu có 9 quốc gia Đông Á có công ty kỳ lân (công ty trị giá hơn 1 tỷ USD) trong năm nay, so với 6 công ty trong báo cáo xếp hạng năm ngoái. Philippines, Việt Nam và Malaysia đều có thêm công ty đáp ứng điều kiện trên.
Theo nhận định đây là khu vực có vị trí tốt cho sự phát triển của ngành công nghệ bởi dân số trẻ, có kỹ năng kỹ thuật số cao, có khả năng thích nghi nhanh với các giải pháp kỹ thuật số.
Tại Hội thảo mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết năm 2023 sẽ sắp xếp hệ thống tổ chức khoa học công nghệ công lập theo Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học công nghệ; nghiên cứu, đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off).
Trong năm 2023, Bộ sẽ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tăng cường công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ, thực thi phát triển và khai thác tài sản trí tuệ; phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, bảo đảm an toàn bức xạ và hạt nhân.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư