Bloomberg: Du lịch hàng không đang trở nên xa xỉ

Bloomberg: Du lịch hàng không đang trở nên xa xỉ

Trích dẫn những số liệu mới nhất, trang Bloomberg có bài viết cho rằng việc có ít chuyến bay hơn và giá vé cao hơn đã khiến du lịch hàng không trở nên xa xỉ đối với nhiều người.

Kỷ nguyên phát triển máy bay mạnh mẽ và toàn cầu hóa du lịch hàng không trong nửa thế kỷ qua đã bị dừng lại đột ngột khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Giờ đây, khi máy bay đã hoạt động trở lại trên bầu trời thì sự phổ biến của các chuyến bay lại đang diễn ra ngược lại: Số lượng máy bay phục vụ hành khách thấp hơn đáng kể, mạng lưới các chuyến bay cũng không nhiều như trước và giá vé thì tăng lên.

Thông tin từ kho dữ liệu hàng không Cirium cho thấy so với trước đại dịch, có hàng nghìn chuyến bay mỗi tháng đã bị xóa khỏi lịch trình giữa các điểm trung chuyển hàng không lớn như Singapore, London và Doha.

Hiện nay, giá vé tới các điểm đến quốc tế phần lớn là đắt hơn. Và trong khi một số thị trường du lịch như Mỹ sắp trở lại ngang với thời điểm trước đại dịch thì thị trường ở nhiều khu vực ở châu Á và châu Âu vẫn chỉ hơn 1/4 so với mức của năm 2019.

Bloomberg: Du lịch hàng không đang trở nên xa xỉ

Chi phí đi lại bằng đường hàng không đang ngày càng cao hơn.
Nguồn: Bloomberg

Nhu cầu phục hồi du lịch nhanh chóng sau đại dịch đã là một tin vui lớn, bao trùm lên con số thiệt hại lớn của ngành hàng không, khoảng 187 tỷ USD, kể từ năm 2020 do các hạn chế đi lại và quy định kiểm dịch. Hiện tại, trong khi ngành hàng không phải đối mặt với tình trạng thiếu máy bay và phi hành đoàn, các hãng hàng không đã giảm hơn 2.000 chuyến bay giữa các thành phố so với thời điểm năm 2019. Nhiều hãng vận chuyển cũng đang tính thêm tiền vé trên nhiều tuyến bay. Dữ liệu các chuyến bay đang cho thấy du lịch hàng không càng ngày càng dành cho người giàu hơn và số ít hơn.

Simon Kuestenmacher, đồng sáng lập công ty tư vấn The Demographics Group có trụ sở tại Melbourne, Australia cho biết: “Du lịch hàng không đang chuyển sang thị trường hạng sang”. Theo nhận định của chuyên gia này, đại dịch đang vạch ra ranh giới rõ ràng hơn giữa kẻ thắng và kẻ thua trong nền kinh tế thế giới và ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy điều đó.

Giá vé và số lượng chuyến bay chuyển động ngược chiều

Tận dụng nhu cầu “du lịch phục thù” của du khách toàn cầu sau một thời gian dài bị hạn chế đi lại, các hãng hàng không đã có thể tăng gấp đôi giá vé trên một số tuyến, đặc biệt là đối với ghế hạng thương gia.

Joe Leader, Giám đốc Điều hành của APEX, một hiệp hội phục vụ hành khách có trụ sở tại New York, Mỹ cho biết: “Chúng tôi nhận thấy có sự mất cân bằng thực sự giữa cung và cầu trong ngành hàng không”. Trong biểu đồ của Cirium, giá vé bay một chiều hầu hết các chặng liên lục địa từ tháng 9/2019 đến tháng 9/2022 đều tăng. Trong đó, mức tăng mạnh nhất là chặng Mỹ – Australia (từ 536 USD lên 746 USD), tiếp sau là chặng châu Âu – Australia (từ 604 USD lên 803 USD). Chỉ có duy nhất một chặng ghi nhận mức giảm không đáng kể là châu Âu – châu Á (từ 293 USD xuống 289 USD).

Thêm vào đó, số chuyến bay ở mọi khu vực cũng đang giảm đi và khiến khách du lịch khó tìm được chuyến bay phù hợp, thậm chí việc tìm các chuyến bay chuyển tiếp đến điểm đến tiếp theo cũng không hề dễ dàng.

Bloomberg: Du lịch hàng không đang trở nên xa xỉ

Giá vé một chiều (chưa tính thuế phí) tại các điểm đến có sự chênh lệch lớn giữa năm 2019 và 2022.
Nguồn: Bloomberg

Trên toàn cầu, khoảng 100.000 chuyến bay hàng tuần đã bị loại khỏi lịch trình so với thời điểm trước COVID-19. Số chuyến bay hàng tuần vào đầu tháng 12 năm nay là 616.330 chuyến, giảm 14% so với 716.727 cùng kỳ năm 2019, theo dữ liệu từ OAG. Cụ thể, châu Á ghi nhận số chuyến bay giảm mạnh nhất trong khoảng thời gian trên, từ 229 nghìn chuyến xuống còn 194 nghìn chuyến, theo sau là khu vực Bắc Mỹ, từ 198 nghìn chuyến xuống còn 169 nghìn chuyến. Châu lục có số chuyến bay giảm nhẹ nhất là châu Phi, từ 28 nghìn chuyến xuống 27 nghìn chuyến.

Mạng lưới kết nối hàng không bị hạn chế

Số lượng chuyến bay ít hơn giữa các trung tâm trung chuyển hàng không lớn cũng đã làm suy giảm sự đa dạng của mạng lưới kết nối hàng không. Ví dụ, hai hãng hàng không lớn Cathay Pacific Airways Ltd. và British Airways hiện chỉ khai thác khoảng 95 chuyến bay từ Hồng Kông (Trung Quốc) đến London Heathrow (Anh) trong tháng này. Đây là mức giảm mạnh so với con số 234 chuyến bay phục vụ cùng đường bay này trong tháng 12/2019, theo dữ liệu từ Cirium.

Trong khi đó, số vé được mở bán trên các chuyến bay quốc tế cũng bị giảm mạnh so với trước đại dịch. Trong tuần đầu tiên của tháng 12 năm nay, chỉ có 12.3 triệu vé bay quốc tế được mở bán tại châu Âu, mức giảm đáng kể so với con số 14 triệu vé của tuần đầu tháng 12/2019. Xu hướng giảm này cũng được ghi nhận ở khu vực Đông Bắc Á (từ 5,9 triệu vé xuống còn 1,9 triệu vé), Đông Nam Á (từ 4,4 triệu vé xuống còn 2,6 triệu vé) và giảm nhẹ ở Bắc Mĩ (từ 3,4 triệu vé xuống còn 3,2 triệu vé).

Một phần lí do của tình trạng này là sự thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng tại rất nhiều khâu của ngành hàng không. Nhiều hãng hàng không toàn cầu đang phải vật lộn để xây dựng lại đội bay quy mô lớn mà họ từng khoe khoang trước đại dịch.

An Bình
Nguồn