“Sức hút” của thị trường Insurtech Việt Nam
Một startup công nghệ bảo hiểm tại Indonesia, cho biết hiện có hơn 5 triệu hợp đồng được phát hành tại Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 2021.
E-Conomy SEA 2022 do Google, Temasek và Bain & Company công bố, dự đoán rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam sẽ đạt tổng giá trị hàng hóa (GMV) là 23 tỉ USD vào cuối năm 2022 và 49 tỉ USD trong năm 2025. Ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng nhờ sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ, và nhu cầu ngày càng tăng.
Mới đây, một startup công nghệ bảo hiểm tại Indonesia, cho biết hiện có hơn 5 triệu hợp đồng được phát hành tại Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 2021. Với thành công bước đầu này, công ty này thể hiện quyết tâm trở thành công ty insurtech hàng đầu trong nước. Công ty cũng cam kết đầu tư để phát triển các đại lý và cộng tác viên bán bảo hiểm thông qua nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Khác với bảo hiểm truyền thống, thế mạnh của bảo hiểm công nghệ là giúp khách hàng tiếp cận bảo hiểm dễ dàng cùng nhiều lựa chọn được cá nhân hóa và trải nghiệm sử dụng tối ưu hơn. Đặc điểm này thích hợp với thế hệ trẻ Việt Nam năng động, muốn tiết kiệm thời gian, chú trọng tính cá nhân và ưa dùng điện thoại thông minh, máy tính bảng. Các chuyên gia nhận định Insurtech làm thay đổi diện mạo thị trường bảo hiểm Việt Nam vì thay đổi phương thức mua bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, và cho ra đời hàng loạt sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ phục vụ cho mọi nhu cầu trong đời sống hàng ngày.
Sau một năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, Fuse hiện đang cung cấp các sản phẩm bảo hiểm vi mô (micro-insurance) với chi phí hợp lý, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận qua các đối tác thương mại điện tử. Gần đây, Fuse áp dụng mô hình đối tác đại lý số B2A2C đã thành công tại thị trường Indonesia cho Việt Nam. Với ứng dụng Fuse Pro – một nền tảng số hóa, các đại lý và cộng tác viên tại Việt Nam có thể chuyển đổi sang hoạt động kinh doanh trực tuyến.
“Ảnh hưởng của đại dịch đang bắt đầu suy giảm và nhu cầu tại Việt Nam có những tín hiệu tích cực. Chiến lược của chúng tôi là kết hợp công nghệ với kinh nghiệm của mình để đón đầu và thực sự đáp ứng nhu cầu bảo hiểm tại Việt Nam. Đó không chỉ là tăng trưởng kinh doanh mà còn là làm thế nào để giúp nhiều người Việt Nam được bảo vệ từ bảo hiểm một cách dễ dàng hơn”, ông Andy Yeung, Giám Đốc Điều Hành (CEO) của Fuse, cho biết trong tuyên bố chính thức.
Giám đốc của Fuse Việt Nam, bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh, giải thích thêm: “Ngành bảo hiểm tại Việt Nam đang có tiềm năng rất lớn và còn nhiều cơ hội phát triển, do tỉ lệ thâm nhập thị trường còn tương đối thấp so với các quốc gia Đông Nam Á khác. Đây là cơ hội tốt cho một đại diện công nghệ bảo hiểm như Fuse có thể vận dụng những kinh nghiệm thành công trong việc triển khai và đổi mới công nghệ, giúp thị trường gia tăng tỷ lệ thâm nhập và tiếp cận bảo hiểm”.
“Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam rất cạnh tranh. Chúng tôi hy vọng có thể lan tỏa làn gió mới vào thị trường khi định vị bản thân là một giải pháp công nghệ hỗ trợ các đối tác khác nhau trong lĩnh vực bảo hiểm. Thông qua ứng dụng Fuse Pro, chúng tôi mang đến giải pháp tối ưu giúp các đại lý và cộng tác viên có thể bán bảo hiểm một cách nhanh chóng, dễ dàng nhờ nguồn sản phẩm đa dạng”, bà Trần Ngọc Diễm Quỳnh chia sẻ.
Hân Nguyễn
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư