Steve Ballmer giải phẫu Microsoft

Tổng Giám đốc Steve Ballmer của Microsoft đã tuyên bố kế hoạch tái cấu trúc theo chiến lược mới gọi là “One Microsoft”. Liệu chiến lược này có thể đưa tập đoàn lội ngược dòng?

Đã có thời gian dài, Steve Ballmer, Tổng Giám đốc Microsoft nói đi nói lại rằng, tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới này cần phải nghĩ mình là một công ty “thiết bị và dịch vụ”. Ngày 11/7 vừa qua, ông đã cụ thể hóa lời nói này trong một email gửi cho nhân viên cùng với một bản thông cáo khá dài được công bố trên website của tập đoàn.

Đổi hướng

Tập đoàn Microsoft có 100.000 nhân viên và 74 tỉ USD doanh thu; có 5 bộ phận chính hoạt động riêng lẻ. Bộ phận Windows “sản xuất” ra hệ điều hành đang được cài đặt trên hầu hết các máy tính cá nhân (PC) trên thế giới và cũng có mặt trong một số ít máy tính bảng và điện thoại thông minh của tập đoàn. Bộ phận này chiếm khoảng 25% doanh thu trong 9 tháng đầu của năm tài chính này. Bộ phận máy chủ và các công cụ (chiếm khoảng 25% doanh thu), bộ phận các dịch vụ trực tuyến (4%), bộ phận kinh doanh Microsoft (30%) và bộ phận giải trí và các thiết bị trong đó có máy chơi game Xbox (14%).

Steve Ballmer giải phẫu Microsoft

Giờ đây Ballmer nói: “Chúng ta sẽ có một dòng sản phẩm tổng thể chứ không phải là những ốc đảo riêng biệt”. Chiến lược hợp nhất này được Ballmer gọi là One Microsoft. Theo kế hoạch tái cấu trúc, các bộ phận trong tập đoàn sẽ phải tập trung vào các hệ điều hành, ứng dụng, đám mây và các thiết bị, nhưng cũng phải đóng góp công sức vào tất cả các sản phẩm cốt lõi của tập đoàn từ Windows cho đến máy chơi game Xbox. Để thực hiện điều này, Ballmer đã sắp xếp lại các vị trí quản lý cấp cao. Chẳng hạn, Julie Larson Green, nguyên đứng đầu bộ phận Windows, giờ sẽ đứng đầu bộ phận phần cứng. Trong khi đó, Terry Myerson, Phó Chủ tịch Windows Phone sẽ phụ trách nhóm Windows.

Những lãnh đạo khác như: Satya Nadella sẽ dẫn dắt các dịch vụ “đám mây” của tập đoàn và Chủ tịch Skype Tony Bates sẽ quản lý nhóm phát triển kinh doanh. Làm điều này, không chỉ vì Ballmer muốn đưa Microsoft trở thành công ty thiết bị và dịch vụ mà cũng là để khuyến khích sự hợp tác lẫn nhau giữa các bộ phận. Ngay sau khi thông tin được công bố, giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần 3% lên tới 35,69 USD/cổ phiếu, mức giá đóng cửa cao nhất kể từ tháng 12/2007. Điều này cho thấy, nhà đầu tư rất hoan hỉ trước việc Ballmer quyết định tiến hành một cuộc đại phẫu thuật cho Microsoft.

Sức ép

Ballmer nói: “Chúng ta sẽ có một dòng sản phẩm tổng thể chứ không phải là những ốc đảo riêng biệt”. Chiến lược hợp nhất này được Ballmer gọi là One Microsoft.

Cuộc giải phẫu này được Ballmer đưa ra trong bối cảnh tập đoàn phần mềm lớn nhất thế giới đang đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt đến từ Apple và Google. Hai công ty này đã nổi lên là những kẻ thiết lập xu hướng công nghệ trên thị trường. Trong một thế giới ngày càng xoay quanh các thiết bị di động và các dịch vụ Internet, “người hùng một thời” Microsoft ngày càng bị lép vế và buộc phải thay đổi để thích ứng với xu thế mới.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, ngành máy tính cá nhân (PC) đang trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài nhất trong lịch sử khi lượng máy tính bán ra trong quý 2/2013 đã giảm trong 5 quý liên tiếp với mức tới 11%. Nhu cầu PC giảm mạnh, kéo theo nhu cầu đối với hệ điều hành nổi tiếng Windows của Microsoft cũng giảm theo. Có lẽ vì nhận thấy ngành PC đã không còn có thể cứu vãn, Ballmer không chậm trễ khi đưa ra kế hoạch tái cấu trúc để chuyển hướng công ty thành công ty “thiết bị và dịch vụ”. Thế nhưng, theo nhiều nhà quan sát, còn có một nguyên nhân lớn khác, đó là hệ điều hành Windows 8 vốn đang được cài đặt trên hầu hết các PC mới đã khiến cho người tiêu dùng thất vọng và càng khiến họ quay lưng với PC. Microsoft hiện đang cố cứu vãn danh tiếng của hệ điều hành Windows bằng việc giới thiệu phiên bản mới nâng cấp Windows 8.1. Đó là lý do Ballmer đưa ra chiến lược hợp nhất Microsoft để có thể đẩy nhanh quá trình cải tiến và đưa ra sản phẩm chất lượng hơn.

Một lý do khác khiến Ballmer phải nhanh chóng thực hiện kế hoạch tái cấu trúc là vì nhà đầu tư đã quá chán ngán trước việc giá cổ phiếu Microsoft cứ xập xình. Microsoft hiện bị tụt lại đằng sau cả Apple và Google về mức vốn hóa thị trường. Giá cổ phiếu Apple đã tăng xấp xỉ gấp 28 lần so với cách đây 9 năm, trong khi Google gấp 10 lần. Còn cổ phiếu của Microsoft trong cùng thời gian chỉ tăng 30%. Diễn biến ảm đạm của giá cổ phiếu đã từng làm dấy lên tin đồn rằng, tập đoàn đang xem xét việc thay thế Ballmer, người đã nắm giữ vị trí CEO quá lâu -13 năm. Do đó, việc tái cấu trúc Microsoft với chiến lược One Microsoft có thể là cơ hội cuối cùng của Ballmer trong việc xoa dịu các cổ đông.

“Điều quan trọng nhất đối với một tập đoàn lớn là có thể hợp nhất các nguồn lực ở các bộ phận khác nhau để hoàn thành một sản phẩm nào đó. Đây là điều mà Microsoft đang nỗ lực thực hiện”

Thách thức văn hóa

“Điều quan trọng nhất đối với một tập đoàn lớn là có thể hợp nhất các nguồn lực ở các bộ phận khác nhau để hoàn thành một sản phẩm nào đó. Đây là điều mà Microsoft đang nỗ lực thực hiện”, chuyên gia phân tích David Johnson của Forrester giải thích chiến lược “One Microsoft” của Ballmer. Ông cho rằng, Ballmer đã biết sử dụng những người giỏi trong kế hoạch tái cấu trúc. Ông dẫn chứng về Nadella. Trước đây khi còn là Chủ tịch bộ phận máy chủ và các công cụ của Microsoft, Nadella đã phụ trách một bộ phận trị giá 19 tỉ USD và bộ phận này, dưới sự dẫn dắt của ông, đã đạt mức tăng trưởng doanh số bán 11% trong quý gần nhất.

Thế nhưng, Randy Ottinger, Phó Chủ tịch điều hành Kotter International, cho rằng: “Đó là một bước đi lớn đầu tiên, nhưng nó sẽ không giúp Microsoft đạt được mục tiêu One Microsoft. Câu hỏi thực sự là họ sẽ làm gì trong thời hậu tái cấu trúc để có thể thay đổi văn hóa làm việc đã tồn tại bao nhiêu năm nay”. Ottinger đang muốn nói đến cơ chế “xếp hạng bắt buộc” trong nội bộ Microsoft. Theo đó, mỗi một đơn vị phải xếp hạng nhân viên của họ từ nhân viên xuất sắc, nhân viên giỏi, cho đến trung bình, kém. Theo Tạp chí Vanity Fair, cơ chế này khuyến khích lối suy nghĩ “mạnh được yếu thua” và điều đó là nguyên nhân chính kìm hãm cải tiến của Microsoft.

Nguồn Doanh Nhân Online