Làm mới thời trang secondhand
Thời trang secondhand đang trở thành xu hướng tiêu dùng mới, vừa giảm rác thải ra môi trường vừa mang lại doanh thu hàng tỷ USD.
“Tiêu dùng bền vững, trong đó tái sử dụng, tái chế và bảo vệ môi trường đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z, thế hệ dẫn dắt xu hướng tiêu dùng trong thời gian tới”, ông JJ Eastwood, Giám đốc Điều hành Carousell Media Group, nhận định.
Khảo sát của GlobalData cho thấy, 41% người được hỏi cân nhắc mua hàng secondhand (đã qua sử dụng) trước khi mua hàng mới, ở Gen Z và Millennials là 62%. Bên cạnh yếu tố môi trường, tính kinh tế và yếu tố độc, lạ của thời trang secondhand cũng hấp dẫn người mua trẻ tuổi.
Số liệu từ Boston Consulting Group năm 2020 cho thấy, quy mô thị trường quần áo đã qua sử dụng toàn cầu đạt 40 tỷ USD và sẽ tăng gần gấp đôi lên khoảng 77 tỷ USD vào năm 2025. Doanh thu thị trường này được dự đoán vượt qua ngành thời trang nhanh vào năm 2027, tăng trưởng gấp 3 lần ngành thời trang thông thường. Trong đó, cao nhất là hình thức online qua các nền tảng mua sắm, với trên 50% sản phẩm secondhand được tiêu thụ.
Hấp lực từ thị trường đã thúc đẩy mô hình mua bán thời trang secondhand nở rộ với sự tham gia của thredUP, Rebag, Fashionphile, Goodfair hay Depop, The RealReal, Urban Outfitters... Các thương hiệu thời trang hàng đầu cũng đã thêm quần áo cũ vào danh mục hàng hóa của họ như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Gucci, GAP, H&M...
Tại Trung Quốc, Idle Fish, ứng dụng ra đời năm 2014, hiện có hơn 30 triệu người với khoảng 200 tỷ mặt hàng đã được bán vào năm 2021, từ quần áo đến túi xách, giày dép. Tại Đông Nam Á, Carousell, startup cho thuê và bán hàng thời trang secondhand ở Singapore, hiện sở hữu hơn 250 triệu trang phục, phục vụ hơn 20 triệu người tại 8 quốc gia, đạt doanh thu 16 triệu USD năm 2019.
Thị trường thời trang secondhand Việt Nam cũng được đánh giá khá tiềm năng. Dù chỉ mới ra đời từ tháng 6/2022, trên 2 nền tảng Android và iOS, Piktina đang sở hữu hơn 100.000 món đồ đã qua sử dụng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200% mỗi tháng. Công ty hiện có hơn 100.000 tài khoản đăng ký với 20.000 tài khoản người bán, đa phần là các mặt hàng thời trang phân khúc phổ thông. Ứng dụng này vừa gọi được 1 triệu USD từ Touchstone Partners.
Từ năm 2020 đến nay, ngành thời trang Việt Nam đạt mức tiêu thụ hằng năm trên 5 tỷ USD, tăng trưởng dự kiến 10% mỗi năm.
“Với số liệu này, chúng tôi ước tính đến năm 2026, Việt Nam sẽ có khoảng 5,6 tỷ sản phẩm thời trang cần được ‘giải cứu’ vì thực tế chỉ có khoảng 20% mặt hàng thời trang được sử dụng. Qua khảo sát của chúng tôi, ít nhất 8% của 5,6 tỷ sản phẩm đủ điều kiện mua đi bán lại. Do đó, dung lượng thị trường của mô hình thời trang secondhand có thể đạt ít nhất 5 tỷ USD”, bà Nguyễn Hoàng Phương, CEO Piktina, cho biết.
Trước khi khởi động mô hình này, bà Phương và cộng sự đã tham khảo một số mô hình tại Singapore, Trung Quốc hay Hàn Quốc như Style Theory, Idle Fish và cũng rút được kinh nghiệm từ một số đối thủ cạnh tranh trong nước như SSSMarket.
Do đó, thay vì chọn hình thức ký gửi, tốn thêm chi phí kho bãi, vận hành, nhân sự... Piktina chọn mô hình trung gian kết nối giữa người mua và người bán như một nền tảng thương mại điện tử. Người bán chia lại 20% lợi nhuận cho nền tảng, đổi lại họ được hỗ trợ hướng dẫn phân loại hàng hóa, mô tả sản phẩm, gợi ý định giá tùy theo loại hàng cũng như các khâu liên quan đến logistics và thanh toán.
“Nếu như trước đây, việc mua bán đồ cũ cần trải qua quá trình nhiều bước từ liên hệ, thỏa thuận đến gặp mặt, kiểm tra, thanh toán, giao nhận, thì với ứng dụng Piktina, người mua chỉ cần chọn nút ‘mua ngay’ và thanh toán, món hàng sẽ được giao đến tận nhà”, bà Phương nói.
Đặc thù của thời trang secondhand là chất lượng sản phẩm, để đảm bảo quyền lợi của cả 2 bên trong quá trình giao dịch trực tuyến, số tiền bán được món hàng sẽ được Piktina giữ lại ít nhất 7 ngày hoặc đến khi bên nhận xác nhận không hoàn trả.
Piktina cũng áp dụng đánh giá trải nghiệm của người mua/ người bán lên món hàng hoặc khách hàng đã mua để tăng lượt hiển thị và uy tín của họ trên nền tảng, định vị cho những người mua/ bán sau. “Vì mỗi món đồ secondhand là duy nhất nên một người bán luôn có từ 10-15 người muốn sở hữu nó. Người bán sẽ chọn người họ cảm thấy uy tín và được cộng đồng bán trước đó đánh giá tốt”, bà nói.
Chính vì có quá nhiều công đoạn nên thị trường thời trang secondhand Việt Nam dù tiềm năng nhưng đến nay chưa có quá nhiều ứng dụng mặn mà. Bên cạnh Piktina, có thêm 2 nền tảng thời trang secondhand khác là SSSMarket và Passi. Tuy nhiên, Passi hiện chỉ mới có website, còn SSSMarket vẫn chưa chú trọng đẩy mạnh quảng bá.
Đặt mục tiêu đạt tối thiểu 400.000 tài khoản đăng ký vào cuối năm 2022, nhưng bà Phương tin rằng số người biết đến Piktina qua các hoạt động online và offline có thể nhiều hơn. 40% khách hàng của Piktina đến từ Hà Nội, TP.HCM; 60% còn lại đến từ các thành phố cấp 2, 3 và được bà Phương nhận định là tiềm năng vì khách hàng tại các đô thị này chưa có cơ hội tiếp cận giải pháp mua đi bán lại thời trang secondhand.
Theo khảo sát riêng của Piktina, Việt Nam hiện có hơn 300 cửa hàng thời trang secondhand trên cả nước. Bà Phương nhấn mạnh, Piktina không cạnh tranh với các cửa hàng vật lý mà đóng vai trò nền tảng, kết nối và hỗ trợ các cửa hàng này mở rộng khách hàng. Chiết khấu cho các cửa hàng sẽ ưu đãi hơn từ 5% so với người bán cá nhân.
Bà Phương thừa nhận, Piktina vẫn đang ở giai đoạn sơ khởi, lợi nhuận thu lại từ các món hàng có giá từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng chưa đủ lớn nên ứng dụng đang tập trung tối ưu công nghệ nâng cao trải nghiệm người dùng, đồng thời quảng bá, nâng cao nhận thức trong việc tái sử dụng quần áo cũ, cụ thể là ở các trường đại học, cao đẳng và các sự kiện trao đổi, mua bán đồ cũ tại doanh nghiệp cũng như các nền tảng mạng xã hội.
Về lâu dài, Piktina có thể tiến hành phân loại thành các phân khúc thời trang khác nhau như thời trang dành cho dân công sở, học sinh sinh viên, đồ cũ dành cho phân khúc cao cấp hoặc quần áo đã qua mùa của các thương hiệu.
Trong tương lai, khi nền tảng tối ưu và phổ biến đến người dùng nhiều hơn, Piktina có thể tính đến hình thức cho thuê, người dùng đăng ký trả cố định hằng tháng để mượn quần áo hoặc mở cửa hàng vật lý quy mô lớn. “Khi thị trường thương mại điện tử phân mảnh hơn, tôi tin những nền tảng tập trung vào một mặt hàng sẽ chiếm ưu thế”, bà Phương nói.
Lê Phan
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư