Gập ghềnh fintech môi giới chứng khoán
Dư địa tăng trưởng dành cho các công ty fintech môi giới chứng khoán lô nhỏ ở Việt Nam vẫn còn nhưng đường đi sẽ gập ghềnh hơn.
“Dưới góc độ nhà đầu tư, chúng tôi không thấy vấn đề gì sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra cảnh báo về các công ty fintech môi giới tài chính trong thời gian qua”, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lỹ quỹ SSIAM, cho biết.
Trao đổi với NCĐT tại sự kiện Finovate Product Day do JobHopin tổ chức, bà Hằng cho biết vấn đề Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang quan tâm là làm sao để tách bạch được tài khoản của nhà đầu tư và tài khoản của nhà phân phối. Mối bận tâm của cơ quan này là hợp đồng hợp tác đầu tư đang dưới tên các công ty phân phối. Mọi việc sẽ không có gì to tát nếu một công ty chỉ làm việc với vài ngàn nhà đầu tư, nhưng khi lên tới con số hàng triệu thì việc tách bạch là cần thiết để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư.
Động thái này của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy vai trò ngày càng tăng của nhóm fintech môi giới chứng khoán đối với thị trường.
Dư địa tăng trưởng lớn
Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn dư địa phát triển rất lớn vì chỉ hơn 5% trong gần 100 triệu dân tiếp cận chứng khoán. Nếu phân tách kỹ hơn, thị trường đang vận hành với tập khách hàng tham gia vào các sản phẩm như đầu tư chứng khoán, trái phiếu và tiền tiết kiệm. Đặc điểm chung của nhóm này là không có độ trung thành và dễ bị thu hút bởi các bên có tỉ suất sinh lời cao hơn.
Trong khi đó, theo bà Hằng, nhóm Gen Z (sinh ra từ năm 1995-2012 trở đi) sẽ trở thành lớp khách hàng mới và cách đầu tư chứng khoán chia nhỏ, chỉ với số vốn vài trăm ngàn đồng như các công ty fintech môi giới chứng khoán lô nhỏ ở Việt Nam đã làm trong thời gian qua đang được kỳ vọng xây dựng được tập khách hàng mới, trung thành hơn trong tương lai.
Theo Investopedia, Gen Z có xu hướng nhạy bén với các sự kiện liên quan đến thị trường tài chính hơn là những người ở cùng độ tuổi thuộc thế hệ trước. Kết quả nghiên cứu của tổ chức này cho thấy hơn 50% dân số thuộc Gen Z đã tham gia đầu tư và 26% trên tổng số nhà đầu tư này quyết định tham gia vào thị trường chứng khoán. Đây là xu hướng chung của thế giới.
Theo Investopedia, Gen Z có xu hướng nhạy bén với các sự kiện liên quan đến thị trường tài chính hơn là những người ở cùng độ tuổi thuộc thế hệ trước.
Nguồn: Quý Hòa
Nhiều ngân hàng như DBS, JP Morgan... ghi nhận số lượng khách hàng sinh từ năm 1996 trở đi đổ tiền vào chứng khoán và các sản phẩm tài chính khác ngày càng nhiều trong thời điểm dịch bệnh bùng phát toàn cầu.
“Vì thế, các động thái của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chúng tôi không xem là rủi ro mà đó là hướng phát triển sao cho phù hợp với quy định ở Việt Nam”, bà Hằng nói.
Định hình các rào cản
Để tiếp tục tham gia, bà Hằng cho rằng các công ty fintech có 2 lựa chọn. Thứ nhất là mua lại công ty chứng khoán. Bằng cách này, công ty fintech sẽ trở thành một công ty truyền thống và chịu quản lý bởi những quy định đối với các công ty chứng khoán thông thường. Câu hỏi đặt ra là sức hấp dẫn của nhóm này sẽ như thế nào? Ông Andy Trần, Giám đốc Tài Chính ZaloPay kiêm Giám đốc Đầu tư VNG, cho biết sức hấp dẫn của công ty fintech trong mắt nhà đầu tư bởi 4 yếu tố: độ lớn thị trường, khả năng mở rộng, bộ máy và tầm nhìn đội ngũ lãnh đạo.
Về mặt lý thuyết, khả năng mở rộng là một trong những lợi thế của các công ty chứng khoán ứng dụng công nghệ so với truyền thống nhờ tiết kiệm nhân lực và hình thành kết nối với khách hàng thông qua nền tảng ứng dụng. Mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư sẽ phụ thuộc vào khả năng chứng minh lý thuyết này của các công ty chứng khoán công nghệ đến đâu.
Thứ 2 là hợp tác với các công ty quản lý quỹ, các công ty chứng khoán như hiện nay. Lựa chọn này phổ biến hơn vì không phải đơn vị nào cũng có khả năng mua lại công ty chứng khoán.
Tuy nhiên, một số công ty chứng khoán hồi giữa tháng 9/2022 đã chính thức tham gia vào việc mua bán lô lẻ. Nghĩa là việc đầu tư chứng khoán với số vốn vài trăm ngàn đồng không còn là lợi thế của các fintech nữa. Ông Andy Trần của VNG cho rằng điều này tương tự như bức tranh của các fintech nền tảng thanh toán trung gian như ZaloPay, MoMo, Shopee Pay... với các ngân hàng trong thời gian qua.
Các ngân hàng với hệ thống công nghệ tốt, dịch vụ vượt trội đã trở thành đối thủ lớn đối với các công ty fintech trung gian thanh toán và để tồn tại, nhóm này phải liên tục cải thiện dịch vụ, cung cấp trải nghiệm sử dụng tốt nhất. Nhưng điểm sáng trong cuộc đua là tỉ lệ người dùng Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng là rất lớn nên cả ngân hàng và fintech đều bắt tay để khai thác thị trường này. Đó cũng là lý do một số chuyên gia tin rằng cuộc đua của các công ty fintech môi giới chứng khoán với các công ty chứng khoán sẽ có kết quả hợp tác tương tự. Thậm chí, nhóm fintech sẽ có phần dễ thở hơn vì năng lực đầu tư công nghệ của các công ty chứng khoán không mạnh mẽ như nhóm ngân hàng.
Nhìn chung, cần phải nhìn nhận sự xuất hiện của các công ty fintech môi giới chứng khoán lô lẻ trong 3 năm trở lại đây đã góp phần thúc đẩy người sử dụng quan tâm chứng khoán nhiều hơn. Đó có thể là một thị trường bị lãng quên nếu không có nhóm này khuấy động trong thời gian qua.
Nhìn sang Châu Âu, từ tháng 11/2015, cơ quan giám sát tài chính Anh là FCA đã công bố sandbox cho lĩnh vực này gồm 4 giai đoạn: đăng ký, cấp giấy chứng nhận, thử nghiệm và kết thúc. Phần quan trọng nhất của giai đoạn 4 là bảo vệ quyền lợi người sử dụng, nhà đầu tư vì đa phần các công ty fintech đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Có lẽ đã đến lúc Ngân hàng Nhà Nước nên đưa ra chế tài nhằm bảo vệ nhà đầu tư nhưng vẫn đảm bảo hành lang cho các fintech môi giới chứng khoán phát triển.
Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư