Các tập đoàn công nghệ lớn quan ngại về tình hình kinh tế toàn cầu

Các tập đoàn công nghệ lớn quan ngại về tình hình kinh tế toàn cầu

Một loạt báo cáo thu nhập hàng quý cho thấy ngay cả những công ty quyền lực nhất Thung lũng Silicon cũng đang bị tác động bởi lạm phát và lãi suất.

Trong tuần này, Google đã báo cáo lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng. Các công ty truyền thông xã hội như Meta cho biết doanh số quảng cáo – nguồn thu chính của công ty – đã nhanh chóng giảm nhiệt. Và Microsoft, một trong những công ty hoạt động đáng tin cậy nhất trong ngành công nghệ, dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại ít nhất là cho đến cuối năm nay.

Các công ty công nghệ đã đóng góp không ít vào nền kinh tế Mỹ trong thập kỷ qua và thúc đẩy thị trường chứng khoán trong những ngày tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19. Giờ đây, trong bối cảnh lạm phát bấp bênh và lãi suất tăng mạnh, ngay cả những gã khổng lồ của Thung lũng Silicon cũng phải quan ngại về tương lai khó khăn ở phía trước.

Các tập đoàn công nghệ lớn quan ngại về tình hình kinh tế toàn cầu

Microsoft là một trong số những công ty công nghệ lớn cho biết hoạt động kinh doanh của họ đang nguội dần.
Nguồn: AP

Sự giảm tốc đột ngột của các công ty công nghệ cho thấy một điểm yếu. Họ đã không tìm ra được ý tưởng mới, có thể mang lại thêm lợi nhuận. Bất chấp nhiều năm đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh mới, Google và Meta vẫn chủ yếu dựa vào việc bán quảng cáo. IPhone, kể từ khi ra mắt 15 năm trước, vẫn là sản phẩm chính thúc đẩy lợi nhuận của Apple.

Điều đó đã khiến một số công ty dễ bị ảnh hưởng bởi những công ty mới nổi. YouTube, thuộc sở hữu của Google và các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Instagram của Meta đang bị cạnh tranh bởi TikTok, một nền tảng “trẻ” hơn rất nhiều. Meta cho biết lợi nhuận trong quý gần đây nhất đã giảm hơn 50% so với một năm trước.

Các tập đoàn công nghệ lớn quan ngại về tình hình kinh tế toàn cầu

Ông Sundar Pichai, Giám đốc Điều hành của Alphabet, cho biết lợi nhuận công ty đã giảm 27%.

Sự suy thoái ngày càng trầm trọng hơn tại các công ty trong lĩnh vực tiền điện tử, công ty thuê nhân viên thời vụ hay các doanh nghiệp sản xuất chip. Giá trị của Bitcoin đã giảm 2/3 trong năm nay, kéo theo đó là một loạt các công ty khởi nghiệp. Uber, công ty tiên phong trong lĩnh vực đặt xe, đã cắt giảm chi tiêu khi các nhà đầu tư mất kiên nhẫn với các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.

Các công ty bán dẫn đang cắt giảm chi tiêu cho các nhà máy và máy móc do doanh số bán PC, điện thoại thông minh và thiết bị gia dụng chậm lại. Theo Texas Instruments, nhu cầu tiêu dùng giảm đang tiếp tục lây lan sang nhiều mặt hàng khác. Các vụ khóa cửa liên quan đến COVID-19 ở Trung Quốc, cũng như các hạn chế thương mại và công nghệ đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.

Trong một nỗ lực trấn an các nhà đầu tư, Google cho biết họ sẽ giảm tốc độ tuyển dụng và theo dõi sát sao chi phí năng lượng cũng như chi phí chuỗi cung ứng. Apple cho biết sẽ cân nhắc kỹ hơn về cách mở rộng lực lượng lao động khi nền kinh tế gặp khó khăn.

Các tập đoàn công nghệ lớn quan ngại về tình hình kinh tế toàn cầu

Netflix cũng đang cố gắng cải thiện doanh thu bằng các gói dịch vụ mới.

Các công ty khác đang bắt tay vào các chiến lược mới. Netflix, bị suy yếu do số lượng thuê bao đăng ký trả phí giảm, kỳ vọng sẽ phục hồi hoạt động kinh doanh của mình vào tháng tới với việc phát hành gói dịch vụ giá thấp hơn có quảng cáo.

Meta đang đổ hàng tỷ USD vào việc xây dựng metaverse. Nhưng khoản đầu tư đó đang tiêu tốn của công ty rất nhiều tiền. Meta cho biết bộ phận thí nghiệm thực tế của họ, đã tiêu tốn 3,7 tỷ USD so với 2,6 tỷ USD một năm trước đó.

Trong gần ba năm dịch, các công ty công nghệ tăng trưởng mạnh khi các doanh nghiệp cho công nhân làm việc từ xa, học sinh học tại nhà. COVID-19 đã đóng góp mạnh vào ngành. Khi nhân viên và sinh viên sử dụng điện thoại thông minh và máy tính nhiều hơn. Còn các doanh nghiệp đã hỗ trợ làm việc từ xa bằng cách mua phần mềm lưu trữ đám mây và ứng dụng gọi video. Người tiêu dùng thì tích cực mua sắm trực tuyến, điều này buộc các doanh nghiệp nhỏ phải đổ tiền vào quảng cáo kỹ thuật số với hy vọng thu hút được khách hàng tiềm năng.

Đáng tiếc là các công ty công nghệ không thể duy trì được tốc độ tăng trưởng đó. Người mua sắm đã quay trở lại các cửa hàng và bắt đầu chi tiền cho các chuyến du lịch, các buổi hòa nhạc hay các sự kiện thể thao.

Các nhà phân tích Phố Wall dự đoán rằng doanh số bán hàng sẽ giảm trong năm tới khi khách hàng tại hai thị trường lớn nhất của họ là Mỹ và Trung Quốc phải vật lộn với tình trạng suy thoái kinh tế.

Hải Miên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư