Khi người nuôi heo trở thành những “nghệ sĩ” kể chuyện: Masan làm “thịt mát”, bầu Đức có “heo ăn chuối”, tới BAF nuôi “heo ăn chay”
Với những ngành hàng có sự cạnh tranh khốc liệt như hàng tiêu dùng, thực phẩm... thì câu nói “hữu xạ tự nhiên hương” không thể phù hợp. Để tồn tại và đứng vững, bắt buộc phải đi nhanh, làm lớn, tạo dấu ấn thương hiệu.
Xây dựng thương hiệu là một trong những việc quan trọng có tính sống còn của ngành hàng tiêu dùng, thực phẩm. Giữa vô vàn những nhà cung cấp trên thị trường, bài toán đặt ra là làm sao để sản phẩm của mình trở nên khác biệt và có điểm nhấn, được khách hàng chú ý.
Lấy ví dụ, một cách không chính thức người tiêu dùng từ lâu vẫn có sự phân biệt giữa gà và gà chạy bộ, ý chỉ những con gà được nuôi thả khác biệt với những con gà nuôi công nghiệp ngắn ngày trong các trang trại. Gà chạy bộ trở thành một khái niệm, đại diện cho sự đánh giá từ người tiêu dùng về chất lượng, mùi vị ngon hơn, thịt chắc hơn, và (có lẽ) tốt cho sức khỏe hơn. Đương nhiên, sản phẩm chất lượng tốt hơn sẽ được thị trường chấp nhận giá cao hơn.
Ngành chăn nuôi vốn không thiếu các tiêu chuẩn chất lượng được quy định bởi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nếu đại gia nào đó dán đủ mọi loại tem mác, đầy đủ cách giấy tờ chứng nhận... đó cũng chỉ là những tờ giấy vô hồn và không để lại ấn tượng nhiều với người tiêu dùng.
Nhưng người ta sẽ quan tâm đặc biệt và nhớ rất lâu đến câu chuyện “heo ăn chuối” Bapi mà bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chia sẻ. Thậm chí không cần một dẫn chứng khoa học từ bên thứ 3 hay tài liệu nghiên cứu chuyên sâu nào, số đông dường như đã chấp nhận “heo ăn chuối” là một sản phẩm “tốt”?
Người ta có thể còn nghi ngờ về hiệu quả tài chính trên những con số lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là HAGL đã làm tốt việc truyền thông sản phẩm mới vào thị trường. Điều mà thông thường các nhãn hàng, nhà sản xuất phải mất rất nhiều tiền cùng với những chiến dịch quảng cáo lớn cũng chưa chắc đã hiệu quả.
Theo ông Đinh Văn Lộc, Giám đốc Bapi Hoàng Anh Gia Lai, lộ trình đến năm 2023, Bapi Hoàng Anh Gia Lai sẽ phát triển 1.000 cửa hàng trên toàn quốc và doanh nghiệp đang tập trung mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu này.
Thịt heo cũng cần có câu chuyện và “người bán thịt” nên có câu chuyện riêng
Cuối năm 2018, MEATDeli của ông lớn Masan chọn kể câu chuyện về thịt lợn khá mới mẻ khi đó. Theo quan điểm nhiều người nội trợ Việt Nam, thịt ngon phải là “thịt nóng”, nghĩa là được mua ngay sau khi giết mổ. Thậm chí nhiều mặt hàng chế biến như giò, chả, mọc... một trong những “bí quyết” để sản phẩm ngon là sử dụng thịt nóng.
Vậy nhưng, MEATDeli đã chỉ ra, thịt sau khi giết mổ nếu bảo quản không đúng cách sẽ bị giảm chất lượng ngay lập tức do không kìm hãm được hoạt động của vi sinh vật. Bên cạnh đó, với khí hậu nóng ẩm, việc giết mổ, buôn bán trong nhiệt độ thường còn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào thịt, vì vậy rất khó kiểm soát được an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những luận điểm này đều có dẫn chứng khoa học cụ thể. Cụ thể, ở môi trường bên ngoài khoảng 4-5 tiếng, thịt nóng có thể đã bị ô nhiễm vi sinh. Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Trưởng đại diện Viện nghiên cứu chăn nuôi quốc tế ILRI tại Đông Nam Á: “Tỷ lệ thịt heo nhiễm khuẩn Salmonella trên thị trường lên tới 40%”. Đây là nguy cơ tiềm ẩn có nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Và MEATDeli đã kể câu chuyện “thịt mát” của họ. Thịt heo sau khi giết mổ ở dạng nguyên con hoặc xé đôi sẽ được đưa vào làm mát bảo quản để hạ nhiệt độ tâm thịt ở phần dày nhất từ 0-4 độ C trong thời gian quy định, thường là khoảng 16 giờ đến 24 giờ. Khi đó, thịt heo tươi sẽ chuyển sang giai đoạn chín sinh hóa (Aging) rồi được đem đi pha lọc, bảo quản, phân phối đến các địa điểm, cửa hàng tiêu thụ.
Vì được làm mát ngay sau khi giết mổ ở nhiệt độ tối ưu để không phát sinh vi khuẩn gây hại nên sản phẩm thịt mát an toàn cho sức khỏe người dùng. Không chỉ vậy, thịt heo được làm mát đúng quy trình sẽ hạn chế sự mất nước ở bề mặt, cho thịt mềm, tăng hương vị cũng như giữ nguyên được giá trị dinh dưỡng vốn có. Chế độ bảo quản mát còn giúp thịt có thời gian sử dụng kéo dài hơn so với thịt nóng.
Đến nay thịt mát MEATDeli đã khẳng định được thương hiệu và có thị phần nhất định. Sản phẩm có mặt tại hơn 3.000 điểm bán trên toàn quốc. Các điểm bán này bao gồm hệ thống WinMart, WinMart+, chuỗi siêu thị Coopmart, Big C (GO!), Lotte, Aeon, các chuỗi bán lẻ hiện đại; hệ thống cửa hàng chuyên kinh doanh MEATDeli và các đại lý MEATDeli của những đối tác khác.
Câu chuyện nhiều cung bậc cảm xúc nhất năm 2022 trong ngành chăn nuôi có lẽ là câu chuyện “heo ăn chuối” của bầu Đức. Doanh nhân nặng nợ với ngành nông nghiệp tâm sự, ông đã mất ngủ, vì vui mừng khi có được công thức thức ăn từ chuối giúp heo mau lớn, giá thành thấp. Sau nhiều năm vật lộn và chìm trong nợ nần, ông đã tìm được lối ra trong kinh doanh bằng mô hình “một cây – một con” tuần hoàn là cây chuối và con heo.
Sở dĩ nói đây là câu chuyện nhiều cung bậc cảm xúc nhất bởi lẽ “heo ăn chuối” khiến người ta đồng cảm vì câu chuyện “vượt cửa tử” của một tập đoàn lớn đã chìm nổi cả thập kỷ vì làm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có cảm giác, vừa “tò mò” vừa “kỳ vọng” vào chất lượng của sản phẩm khi được giới thiệu những thông tin như: 1/3 số lượng chuối thải loại được lựa chọn, ủ cho tới chín dùng làm thức ăn cho lợn nái. Số chuối còn lại được thái lát, sấy khô và nghiền thành bột. Từ đây, bột chuối và chuối chín chiếm 40% tổng thành phần thức ăn hàng ngày của đàn heo. 60% lượng thức ăn còn lại bao gồm bắp, đậu nành, vi chất và thảo dược.
Mới đây, khách hàng lại được nghe kể một câu chuyện mới về “heo ăn chay” . “Heo ăn chay” là đàn heo được nuôi bằng cám chay, không chứa các thành phần từ gốc đạm động vật (như bột xương thịt, bột huyết, bột lông vũ, bột cá...) không chứa chất tạo nạc, tạo màu, chất tăng trọng. Đây là sản phẩm của công ty Cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam.
Theo BaF, công thức này được quy định chặt chẽ về chất lượng và áp dụng cho toàn bộ các sản phẩm cám của BaF từ cho heo tập ăn, heo con, heo thịt trưởng thành đến heo nái vì vậy cho ra đời sản phẩm thịt sạch, chất lượng cao, mềm, thơm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Cũng theo BaF, họ đã và đang thực hành hệ thống chăn nuôi theo mô hình 3F (Feed-Farm-Food), nghĩa là tự đảm bảo từ đầu vào (sản xuất thức ăn), chăn nuôi (chuồng trại) và chế biến (giết mổ) theo một quy trình khép kín, khoa học và hiện đại.
Câu chuyện của BaF không có nhiều tình tiết “tạo cảm xúc” nhưng số liệu dẫn chứng khá rõ ràng. Họ cho biết đang sở hữu 2 nhà máy Thức ăn chăn nuôi (TACN) tại Phú Mỹ và Tây Ninh với công suất 275.000 tấn/năm. Dự kiến đầu năm 2023, BaF đưa vào vận hành thêm 1 nhà máy TACN Nghệ An với công suất 180.000 tấn/năm.
BaF hiện có 20 trang trại khép kín trải dài khắp cả nước được áp dụng mô hình 4.0 hiện đại đạt các tiêu chuẩn quốc tế, công nghệ chuồng trại áp dụng các tiêu chuẩn hiện đại, nhờ đó tổng đàn heo các loại gia tăng nhanh chóng khi đạt trên 200.000 con tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, BaF đã đưa vào vận hành hơn 60 cửa hàng Siba Food và 250 Meat Shop đã hoàn thiện chuỗi 3F khép kín. BaF không che giấu tham vọng trở thành Top 3 Công ty chăn nuôi hàng đầu tại Việt Nam.
An Vũ
Nguồn CafeBiz