Gần 3 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài rót vào TP.HCM trong 9 tháng
TP. HCM luôn thu hút những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm.
Thời gian qua, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam liên tục tăng trưởng và kể cả khi toàn cầu chịu tác động không nhỏ của đại dịch COVID-19, hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn không giảm về độ sôi động, tính hiệu quả và chất lượng. Trong 9 tháng năm 2022, có 18,75 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam với 1.355 dự án cấp mới. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng và cho thấy Việt Nam vẫn đang giữ vững được vị trí là một địa điểm đầu tư đáng tin cậy.
Là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm của quốc gia, TP.HCM luôn thu hút những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm. TP.HCM có vị trí chiến lược thuận lợi, dân số đông, lao động có trình độ chuyên môn, là trung tâm sản xuất và dịch vụ công nghệ cao lớn nhất cả nước cũng như là một đô thị đa văn hóa thích hợp cho người nước ngoài tìm đến làm việc, sinh sống và du lịch. Chính vì vậy, TP.HCM luôn là điểm hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong 9 tháng năm 2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần) vào TP.HCM đạt gần 3 tỉ USD, chiếm 15,8% tổng vốn đăng ký của cả nước, tăng 26,1% so với cùng kỳ.
Vốn đăng ký cấp mới có 567 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 348,0 triệu USD, giảm 7,6% về vốn so với cùng kỳ. Singapore là nước dẫn đầu với 97 dự án, vốn đăng ký đạt 121,8 triệu USD, chiếm đến 35,0% vốn đăng ký cấp mới; Nhật Bản với 60 dự án, vốn đăng ký 60,2 triệu USD, chiếm 17,3%; Hàn Quốc với 81 dự án, vốn đăng ký đạt 47,1 triệu USD, chiếm 13,5%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 114 lượt dự án với số vốn tăng 1.489,1 triệu USD, gấp gần 2,5 lần so với cùng kỳ. Singapore là quốc gia có số vốn điều chỉnh cao nhất trong 9 tháng năm 2022 đạt 1.151,1 triệu USD, chiếm 77,3% vốn đăng ký điều chỉnh.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.797 lượt với vốn góp là 1.129,5 triệu USD, giảm 16,2% so với cùng kỳ. Hàn Quốc và Singapore là hai quốc gia có tỉ trọng cao lần lượt chiếm 30,3% và 21,1% trong vốn góp. Số dự án còn hiệu lực hoạt động trên địa bàn TP.HCM đến ngày 20/9/2022 là 11.007 dự án với vốn đăng ký là 55,45 tỉ USD (TP.HCM dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cả nước).
Theo Tổng cục Thống kê, nếu như trước đây, TP.HCM chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà TP.HCM đẩy mạnh công tác xúc tiến.
Bên cạnh những lợi thế trong thu hút đầu tư, Tổng cục Thống kê cho rằng TP.HCM cũng đang đối mặt những thách thức, khó khăn về kết nối hạ tầng, logistics, năng suất lao động…mặc dù các nhà đầu tư vẫn khẳng định TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ luôn là điểm đến lý tưởng ở hiện tại cũng như trong thời gian tới nhưng để có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn FDI mới, tiềm năng, TP.HCM cần giải quyết những vướng mắc, trì trệ trong thủ tục, quy trình đầu tư; cùng với đó thúc đẩy hơn sự phát triển của các lĩnh vực mới như công nghệ, tài chính, hạ tầng đô thị…
“Bên cạnh việc giải quyết những vướng mắc, chậm trễ trong thủ tục, quy trình đầu tư… thị trường lao động của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ phải thích ứng với yêu cầu ngày càng cao trong giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng trong nước để hỗ trợ việc phát triển các hoạt động thương mại và sản xuất đang gia tăng trong vùng đô thị. TP.HCM có tiềm năng rất lớn về kinh tế số, và đây sẽ là lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm”, Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việt Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư