Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Hóa ra nhu cầu hiện tại dành cho đĩa mềm còn lớn hơn nhiều so với tưởng tượng của hầu hết mọi người và đó là lý do giúp ông Persky vẫn kinh doanh được trong lĩnh vực này nhiều thập kỷ nay.

Đầu tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Kỹ thuật số Nhật Bản làm thế giới công nghệ phải sửng sốt khi tuyên chiến với đĩa mềm, một công nghệ lỗi thời từ nhiều năm nay, hóa ra vẫn đang được sử dụng phổ biến trong các cơ quan hành chính của nước này. Thế nhưng không chỉ các cơ quan hành chính Nhật Bản, vẫn còn nhiều lĩnh vực khác vẫn tiếp tục sử dụng công nghệ này.

Đó là lý do vì sao hoạt động kinh doanh của floppydisk.com, công ty Mỹ chuyên cung cấp và tái chế đĩa mềm, vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ và nhà sáng lập của nó, ông Tom Persky đã tự gọi mình là “người cuối cùng trong mảng kinh doanh đĩa mềm”. Ngoài đĩa mềm, công ty của ông Persky còn cung cấp các dịch vụ khác bao gồm chuyển dữ liệu sang đĩa, tái chế và bán đĩa mềm đã qua sử dụng hoặc hư hỏng cho những nghệ sĩ trên khắp thế giới.

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Tất cả những điều này giúp floppydisk.com trở thành một công ty quan trọng trong mảng kinh doanh nhỏ bé nhưng vẫn có lợi nhuận của đĩa mềm.

Có đến một nửa đội bay trên thế giới vẫn sử dụng đĩa mềm

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tổ chức AIGA, ông Persky đã tiết lộ, hóa ra không chỉ các khách hàng như cơ quan hành chính Nhật Bản, nhiều tổ chức đến từ lĩnh vực sản xuất công nghiệp đang là “khách hàng lớn nhất – những nơi với nhiều tiền nhất” của ông Persky, đặc biệt là ngành hàng không. Tại sao lại như vậy?

Ông Persky cho biết: “Thử tưởng tượng vào năm 1990, bạn đang xây dựng một cỗ máy công nghiệp cỡ lớn trong ngành. Bạn muốn thiết kế nó để sử dụng trong ít nhất 50 năm và bạn muốn sử dụng công nghệ tốt nhất hiện có. Vào lúc đó là đĩa mềm 3.5 inch”.

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

“Có lẽ có đến một nửa đội bay trên thế giới mới chỉ được hơn 20 tuổi đời và vẫn sử dụng đĩa mềm trong một số hệ thống điện tử hàng không. Đó là một lượng người dùng khổng lồ. Ngoài ra còn có các thiết bị y tế, vẫn cần dùng đĩa mềm để đưa thông tin vào và ra. Dù vậy khách hàng lớn nhất là mảng doanh nghiệp thêu ren. Hàng nghìn, hàng nghìn cỗ máy đó được tạo ra để sử dụng đĩa mềm và họ vẫn đang sử dụng chúng đến giờ”, ông cho biết thêm.

Đó là còn chưa kể đến những người có sở thích sưu tầm đĩa mềm từ khắp nơi trên thế giới – “những người muốn mua từ 20 hoặc 50 đĩa mềm” mỗi lần.

Tất nhiên, loại được yêu cầu nhiều nhất vẫn là đĩa mềm tiêu chuẩn 3.5 inch, dung lượng 1.44 MB mỗi đĩa được ông bán với giá khoảng 2 USD mỗi chiếc. Ngoài loại đĩa mềm phổ thông này, ông Persky còn cung cấp cả loại đĩa mềm 5.5 inch và 8 inch, nhưng nhu cầu cho các loại đĩa mềm này rất thấp. Không chỉ nhờ vào lượng đĩa mềm tồn kho khổng lồ, ông Persky còn giữ lại một lượng lớn các máy tính đời cũ – loại máy tính vẫn còn được trang bị ổ đĩa mềm – cho dịch vụ sao chép đĩa mềm, chuyển dữ liệu từ đĩa mềm và ngược lại.

“Tôi chỉ quên mất cách thoát khỏi ngành kinh doanh này”

Trong khi lượng khách hàng có nhu cầu với công nghệ lưu trữ dữ liệu cũ kỹ này hóa ra vẫn cao đến bất ngờ, thật may mắn khi ông Persky và công ty của mình lại vẫn còn một lượng hàng tồn kho không nhỏ loại công nghệ lưu trữ cũ kỹ này.

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Mọi sự bắt đầu với ông Persky từ đầu những năm 90 khi ông làm việc cho một công ty phát triển phần mềm. Vào thời điểm đó, cách duy nhất phân phối phần mềm là dùng đĩa mềm. Rồi công ty ông nhận được một thỏa thuận với công ty lớn ở Mỹ và cần đến hàng trăm nghìn đĩa mềm để sao chép và kê khai thuế cho nhân viên công ty. Và rồi khi nhận thấy số máy móc sao chép đĩa mềm chỉ dùng đến một lần trong 3 tháng, ông quyết định tận dụng nó cho việc làm thêm của mình, cũng như tích trữ thêm đĩa mềm và biến nó thành hoạt động kinh doanh như ngày nay.

Vào thời điểm đó, khi đĩa mềm vẫn phổ biến khắp mọi nơi, công ty của ông chẳng có gì nổi bật so với các nhà cung cấp khác. Nhưng khi các công ty lớn bắt dầu dừng sản xuất chúng còn hầu hết các nhà bán lẻ khác cũng nhanh chóng dọn sạch kho đĩa mềm để chuyển sang các sản phẩm khác, những người có nhu cầu bắt đầu tìm đến ông Persky và floppydisk.com khi ông là một trong những người cuối cùng còn kinh doanh thiết bị công nghệ cũ kỹ này.

Ông Persky cho biết: “Mọi người trên thế giới đều nhìn về tương lai và kết luận rằng, đây là một ngành đang chết dần”. Vì vậy trong khi mọi người đều tìm cách thoát khỏi nó, ông Persky lại “quên mất thoát khỏi công việc kinh doanh này”“Bởi vì tôi đã mua toàn bộ thiết bị và hàng tồn kho, tôi nghĩ rằng mình sẽ duy trì hoạt động kinh doanh này. Tôi mắc kẹt với nó và cũng không cố gắng mở rộng nó”.

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Thật may mắn cho ông Persky và floppydisk.com, cho dù số người dùng đĩa mềm giảm xuống, số người cung cấp sản phẩm này còn giảm xuống nhanh hơn. Nhờ đó, dù mảng kinh doanh này đi xuống, thị phần của ông Persky trong lĩnh vực này lại tăng lên đáng kể. Thừa nhận mình chưa bao là người có tầm nhìn xa, những gì ông làm chỉ đơn thuần là đáp ứng xu hướng của khách hàng và cộng với chút may mắn, ông vẫn giữ được hoạt động kinh doanh của mình đến tận bây giờ.

Dù hiện vẫn còn trong kho khoảng 500.000 đĩa mềm các loại, nhưng với ông Persky ngần đó vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu hiện có của khách hàng, vì vậy, không chỉ bán các đĩa mềm trắng, ông còn làm dịch vụ tái chế đĩa mềm – không chỉ đối với loại đĩa mềm 3.5 inch mà cả những loại hiếm như 5.25 inch và 8 inch. Hóa ra khối lượng đĩa mềm khách hàng gửi đến tái chế lớn đến mức “đáng kinh ngạc”, đôi khi lên đến 1.000 đĩa mỗi ngày.

Ít nhất 4 năm nữa

Câu chuyện về doanh nhân cuối cùng còn kinh doanh đĩa mềm

Nhu cầu của người dùng còn không ít, vậy tại sao các nhà sản xuất lại ngừng làm chúng?

Theo ông Persky, lần cuối cùng ông mua được đĩa mềm trắng từ một nhà sản xuất diễn ra từ 10-12 năm trước. Ông Persky cho biết, lý do đơn giản chỉ là hiệu quả kinh doanh. Sản xuất đĩa mềm phức tạp hơn nhiều so với đĩa CD hay DVD khi nó hợp thành từ 9 bộ phận khác nhau: khuôn nhựa, ruột đĩa, lò xo, nắp đĩa… Chi phí quá lớn cho việc sản xuất đĩa mềm, đặc biệt so với các thiết bị lưu trữ khác vào thời đó như đĩa CD hay DVD trong khi nhu cầu ngày càng giảm là lý do các nhà sản xuất đĩa mềm dừng lại.

Còn hiện tại, hy vọng về việc tái khởi động sản xuất lại thiết bị công nghệ này càng xa vời hơn nữa. Hơn 20 năm nay, các đĩa mềm tồn kho vẫn đáp ứng được nhu cầu của cả thế giới, không có gì đảm bảo việc đầu tư 25 triệu USD cho dây chuyền mới sản xuất chúng sẽ đem lại lợi nhuận. Đặc biệt là khi các cỗ máy dùng đĩa mềm cuối cùng cũng sẽ ngừng hoạt động và chẳng còn nhiều nhu cầu cho công nghệ lưu trữ cũ kỹ này.

Giờ đây, Nhật Bản cũng tuyên chiến với việc sử dụng đĩa mềm trong cơ quan hành chính. Năm 2019, lực lượng không quân Mỹ cũng thông báo thay thế đĩa mềm bằng thiết bị khác trong hệ thống quản lý vũ khí hạt nhân. Ngay cả ông Persky – sau hơn 20 năm kinh doanh đĩa mềm – cũng tin rằng mảng kinh doanh này sẽ tồn tại trong ít nhất 4 năm nữa.

Có lẽ đó là lúc đĩa mềm thực sự kết thúc vai trò của mình trên thế giới.

Nguyễn Hải
Nguồn CafeBiz