Ảo mộng metaverse của Mark Zuckerberg?
Nhà sáng lập Facebook đang đối mặt với nỗi hoài nghi gia tăng đối với tầm nhìn metaverse của ông.
Đầu tháng 9/2022, Mark Zuckerberg đã vội vã vào phòng lab của Meta ở Pittsburgh, ngồi trước hơn 100 chiếc camera độ phân giải cao để tạo ra một avatar mô tả thực hơn diện mạo của ông. Mục đích là để chứng minh rằng canh bạc đặt cược của ông vào một thế giới tương lai 3D gọi là metaverse sẽ không thất bại như nhiều người vẫn nghĩ. Trước đó vài tuần, nhà sáng lập Facebook đã bị cư dân mạng chế nhạo sau khi ông chia sẻ hình avatar của ông trong ứng dụng metaverse Horizon Worlds. Avatar của Zuckerberg bị chê là quá xấu, không bằng cả chất lượng đồ họa của thập niên 1990.
Không chỉ thế, gần đây, các bản ghi nhớ nội bộ được viết bởi Vishal Shah, Phó Chủ tịch bộ phận metaverse tại Meta, cũng bị tiết lộ ra ngoài, trong đó nói rằng dự án metaverse đang gặp vấn đề về chất lượng và thậm chí nhiều nhân viên cũng không dùng nó. “Một sự thật đơn giản là nếu chúng ta không yêu nó, làm sao chúng ta có thể trông đợi người sử dụng của chúng ta yêu nó”, Shah viết.
Các nhà sáng tạo chuyên phát triển các trải nghiệm xã hội trong metaverse cũng rất không hài lòng. Một nguồn tin cho hay, tại một cuộc họp vào tháng 9/2022, các nhà sáng tạo đã than phiền rằng ứng dụng Horizon Worlds “không ổn định và không đáng tin cậy”. Deveon Copley, Tổng Giám đốc của Avatour, nhận xét rằng Meta dù đang dẫn đầu ngành này về phát triển phần cứng nhưng lại đang gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển phần mềm cho metaverse.
Tất cả những điều đó đang gây sức ép lên Mark Zuckerberg, vốn đã tiêu tốn hàng chục tỉ USD vào một tầm nhìn vĩ đại có thể làm thay đổi cả thế giới, được ông mô tả là một dạng “internet hiện thân”, nơi mọi người không chỉ xem được nội dung mà còn tồn tại trong đó. Zuckerberg thậm chí đổi tên công ty thành Meta để cho thấy sự tập trung hoàn toàn vào metaverse.
Ông tuyên bố từ giờ trở đi “sẽ là metaverse trước tiên, chứ không phải Facebook trước tiên”, đẩy mạng xã hội do ông sáng lập vào năm 2004 xuống hàng ưu tiên thứ 2 trong khi chính mạng xã hội này vẫn đang góp phần lớn trong tổng doanh thu 118 tỉ USD của Meta. Ông cho biết kế hoạch của Meta là thu hút 1 tỉ người sử dụng và hàng trăm tỉ USD thương mại kỹ thuật số mỗi ngày và tầm nhìn này sẽ mất từ 5-10 năm.
Để thực hiện tham vọng đó, trong suốt thời gian qua, Meta đã chiêu dụ các tài năng kỹ thuật thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR) từ các đối thủ Microsoft và Apple để củng cố đội ngũ metaverse của mình. Mục tiêu của Zuckerberg là đưa số nhân viên tại Reality Labs –bộ phận VR, AR và metaverse của Meta – lên tới 20.000 kỹ sư.
Tuy nhiên, động thái bước chân vào metaverse cũng góp phần đưa vốn hóa thị trường của Meta giảm mạnh từ 1.000 tỉ USD xuống còn chưa tới 400 tỉ USD trong 14 tháng qua. Công ty đang đối mặt với hàng loạt làn gió ngược: sụt giảm doanh thu quảng cáo số, tăng trưởng lượng người dùng chậm lại trên nền tảng Facebook và cạnh tranh gia tăng từ đối thủ TikTok (Trung Quốc).
Chính sự tăng trưởng chậm lại trong mảng quảng cáo và việc đốt tiền vào metaverse là lý do mới đây Zuckerberg tuyên bố ngưng tuyển dụng ở hầu hết các nhóm và thắt lưng buộc bụng vào năm 2023 để kiểm soát chi phí. Đáng lo là việc tái cấu trúc và từ bỏ các dự án khác nhằm ưu tiên cho metaverse đã ảnh hưởng đến tinh thần của nhân viên, theo nhiều cựu nhân viên và các nhân viên đang làm việc tại Meta.
“Một thách thức là họ quá tập trung vào metaverse đến nỗi không lo đầu tư vào sản phẩm lõi là Facebook và Instagram. Tất cả những điều này là màn trình diễn phụ của một thực tế là Meta đang tiếp tục bị đánh bại bởi TikTok”, Rich Greenfield, chuyên gia phân tích tại LightShed Partners, nhận định. Ông cho biết mức độ đầu tư của Meta vào metaverse “rất đáng ngại đối với nhà đầu tư”.
Có thể thấy tính từ đầu năm 2019, Reality Labs đã lỗ hoạt động hơn 27 tỉ USD. Theo nguồn tin thân cận với vụ việc, các khoản đầu tư chủ yếu rót vào việc phát triển phần cứng như các thiết bị VR và AR (được sử dụng để “đăng nhập” vào vũ trụ metaverse) cùng với phần mềm cho thế giới 3D của metaverse và các hạ tầng quan trọng cần có để hỗ trợ cho hệ thống này.
Các khoản chi này sẽ còn tiếp tục, khi gần đây Meta cho biết họ có những cam kết hợp đồng không thể hủy bỏ lên tới 24 tỉ USD, “chủ yếu liên quan đến các khoản đầu tư vào máy chủ, cơ sở hạ tầng mạng và các sản phẩm phần cứng tiêu dùng cho Reality Labs”. Trong cuộc họp cổ đông vào tháng 5/2022, Zuckerberg cho biết dự án metaverse dự kiến sẽ còn phải “tiêu tốn một lượng tiền đáng kể” trong 3-5 năm tới.
Trong khi đó, doanh thu của Reality Labs, chủ yếu đến từ bán kính thực tế ảo VR, vẫn rất khiêm tốn, một phần do toàn ngành VR đã phát triển chậm hơn dự kiến. Nhiều nhà đầu tư chất vấn rằng Reality Labs đã đốt hơn 10 tỉ USD mỗi năm mà kết quả doanh thu kém cỏi hoàn toàn không thể biện minh cho mức chi khủng này.
Quý II/2022, doanh thu của Reality Labs chỉ đạt 452 triệu USD (so với tổng doanh thu 28 tỉ USD của Meta), nghĩa là Công ty đã chi hơn 3 tỉ USD trong quý chỉ để mang về chưa tới 500 triệu USD doanh số bán. Thậm chí, Meta khuyến cáo trong quý III doanh thu của bộ phận này sẽ còn thấp hơn nữa. “Đó là một canh bạc lớn. Nếu bạn chọn sai điểm rơi, tức quá sớm khoảng 10 năm thì công ty thực sự gặp nguy hiểm do mức đầu tư vốn quá lớn”, một nhà điều hành quảng cáo cho biết.
Để tầm nhìn metaverse của Meta khả thi, các thiết bị VR buộc phải trở thành sản phẩm đại chúng như cách smartphone đã làm được. Nhưng đây là điều không mấy người tin tưởng. Bởi lẽ, không giống như smartphone, một chiếc kính thực tế ảo VR mở ra cho bạn cánh cổng bước vào thế giới ảo, nhưng không cho phép bạn ở trong thế giới ảo và trong thế giới thực cùng một lúc. Bạn không thể nào đi đâu với thiết bị VR còn đeo trên đầu, cũng không thể ăn hay uống một cách dễ dàng. Chúng gián đoạn hoạt động hằng ngày của bạn, nghĩa là rào cản để thiết bị VR trở thành sản phẩm đại chúng cao hơn rất nhiều so với bất kỳ một thiết bị công nghệ nào.
Zuckerberg vẫn tin rằng metaverse là sứ mệnh của công ty nhằm kết nối mọi người. “Quan trọng nhất, metaverse tạo ra trải nghiệm xã hội sâu sắc hơn, nơi bạn cảm nhận được sự hiện diện thực tế cùng với những người khác, cho dù họ đang ở đâu”, Zuckerberg nói. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng không nơi nào có thể tạo ra các trải nghiệm xã hội sâu sắc hơn thế giới vật chất cả.
Nhiều nhà điều hành công nghệ cũng tỏ ra nghi ngờ đối với tầm nhìn metaverse của Zuckerberg. Evan Spiegel, CEO của Snap, đã gọi ý tưởng metaverse là “mơ hồ và chỉ mang tính giả thuyết”. Tim Cook, CEO của Apple, dù rất ủng hộ công nghệ AR (Apple được cho là đang phát triển kính thực tế ảo AR/VR, dự kiến ra mắt vào năm 2023, theo Bloomberg) nhưng ông lại có cái nhìn khác về metaverse: “VR là cái gì đó bạn có thể chìm đắm vào và có thể được sử dụng một cách tốt đẹp. Nhưng tôi không nghĩ bạn muốn sống cả cuộc đời mình theo cách đó. VR phù hợp cho một số tình huống nào đó, nhưng không phải là phương tiện giao tiếp thoải mái”.
Các chuyên gia của Needham cũng đánh giá rất cao quyết tâm của Zuckerberg nhưng cũng thừa nhận rủi ro là rất lớn: “Meta sẵn sàng đặt cược canh bạc lớn mà có thể thay đổi thế giới của 2 tỉ người tiêu dùng hoặc tạo một cú thất bại lịch sử”.
Văn Quốc
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư