Soán ngôi của “Vua hàng hiệu”

Soán ngôi của “Vua hàng hiệu”

Sự góp mặt của Lotte, DFS đã cạnh tranh vị trí dẫn đầu của ”vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn trên thị trường hàng miễn thuế tại Việt Nam.

Trước khi Lotte và DFS tham gia thị trường hàng miễn thuế tại Việt Nam, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) của ông Johnathan Hạnh Nguyễn và một số công ty trong nước đã thống lĩnh thị trường này.

Bất chấp sự xuất hiện của các nhà bán lẻ ngoại, IPPG vẫn tiếp tục chiếm ưu thế. Lotte và DFS đã phải hợp tác với công ty của "ông vua hàng hiệu" mới có thể bước chân vào thị trường Việt Nam. “Những công ty này liên kết với chúng tôi vì chúng tôi có đến 108 thương hiệu lớn được quyền phân phối ở Việt Nam,” ông Johnathan Hạnh Nguyễn giải thích khi NCĐT đặt câu hỏi.

Lợi thế từ 108 thương hiệu

Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, IPPG đang nắm 80-90% thị phần hàng miễn thuế trong nước. Các doanh nghiệp kinh doanh hàng miễn thuế còn lại đa phần có quy mô nhỏ lẻ. Sau khi hợp tác với 2 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, IPPG chuẩn bị khai trương cửa hàng miễn thuế Lotte Silver Shores ở Đà Nẵng và mở cửa hàng ở Hà Nội nhằm mở rộng thị trường. Tuy nhiên, mọi việc đang trong giai đoạn xin giấy phép kinh doanh bán lẻ từ Bộ Công Thương, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Soán ngôi của “Vua hàng hiệu”

Nắm bắt xu hướng phục hồi của ngành du lịch, IPPG muốn tập trung vào cửa hàng miễn thuế tại các địa điểm du lịch nổi tiếng. Vị Chủ tịch của IPPG cho rằng mô hình Downtown Duty Free rất cần thiết cho ngành du lịch để cung cấp dịch vụ mua sắm cho khách du lịch quốc tế.

IPPG cũng đang triển khai khu phi thuế quan 101 ha ở Phú Quốc có vốn đầu tư 6.830 tỉ đồng, với 12 hạng mục chính gồm khu phi thuế quan và khu thương mại, dịch vụ nằm ngoài khu phi thuế quan. Dự án này dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2028.

Bên cạnh Phú Quốc, IPPG cũng đang đề xuất đầu tư các dự án tương tự tại cả Đà Nẵng và Khánh Hòa. Với sự tham gia của cửa hàng miễn thuế DFS của Pháp và Lotte Duty Free của Hàn Quốc, có thể thấy, mảng kinh doanh miễn thuế đang bước vào một cuộc đua mà cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều đang thấy được sự béo bở của thị trường Việt Nam.

Ngoài IPPG, thị trường hàng miễn thuế còn có nhiều công ty kinh doanh hàng miễn thuế như Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên – Thương mại Bờ Y, Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát Thành Vinh PT. Đây là những công ty đã có nhiều năm kinh nghiệm bán hàng miễn thuế và hàng hóa nhập khẩu như hóa mỹ phẩm, rượu, bia và những mặt hàng tiêu dùng khác tại các cửa khẩu quốc tế.

Vietnam Airlines cũng cung cấp dịch vụ mua hàng miễn thuế trên các chuyến bay đi Nhật (Narita, Fukuoka, Nagoya, Osaka), Hàn Quốc (Seoul, Pusan) khai thác bằng tàu A321. Tuy nhiên, đầu năm nay, công ty con của Vietnam Airlines chuyên bán hàng miễn thuế là NAS đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất năm 2021, cho thấy sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, NAS lỗ sau thuế 137 tỉ đồng. Lỗ lũy kế của NAS đến nay đã hơn 85 tỉ đồng.

Sức hút tỉ USD

Cơ sở hạ tầng phát triển khi nhiều sân bay được nâng cấp hoặc xây mới cũng mang lại nhiều tiềm năng cho thị trường hàng miễn thuế. Tuy nhiên, theo ông Jonathan Hạnh Nguyễn, sân bay quốc tế trên 2 triệu khách mới được mở cửa hàng miễn thuế. IPPG đang tìm cách mở cửa hàng ở sân bay Cần Thơ và Phú Quốc. “Sân bay nhỏ mà mở là thua, lỗ vốn lớn”.

Soán ngôi của “Vua hàng hiệu”

Adroit Market Research dự báo thị trường hàng miễn thuế trên toàn cầu sẽ đạt giá trị 112,75 tỉ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm 6,5%. Tuy chưa có con số cụ thể, Việt Nam được đánh giá là thị trường khá tiềm năng với mục tiêu thu hút hơn 20 triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Nếu mỗi khách du lịch chi tiêu 100 USD, doanh số hàng bán sẽ là 2-3 tỉ USD.

Sự kiện tái khai trương các cửa hàng tại sân bay Nội Bài cũng cho thấy thị trường bán lẻ đã hồi phục và các doanh nghiệp đang tận dụng cơ hội này để thúc đẩy doanh số sau thời gian dài phải đóng cửa vì dịch bệnh.

“Từ khi khai thác cửa hàng miễn thuế Lotte Duty Free ở nhà ga quốc tế Cam Ranh, Lotte mang hơn 3 triệu lượt khách/năm. Cộng với các cơ sở kinh doanh hàng miễn thuế hiện tại cùng cửa hàng miễn thuế dưới phố mở mới, mục tiêu 20 triệu lượt khách/năm nằm trong tầm tay của chúng tôi”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết.

Với lượng khách quốc tế đang ngày càng tăng và sự phục hồi của ngành du lịch, các cửa hàng miễn thuế Việt Nam có thể sẽ trở thành điểm đến mới của du khách như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc... Ngoài doanh thu trực tiếp, các cửa hàng miễn thuế cũng trở thành động lực thu hút thêm nhiều du khách phân khúc cao cấp đến Việt Nam và lưu trú dài ngày hơn, theo nhận định của ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn chiến lược đầu tư, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn RBNC phụ trách thị trường Mỹ và Châu Á – Thái Bình Dương.

Soán ngôi của “Vua hàng hiệu”

Một số doanh nghiệp hiện đang đề xuất chính sách cho phép người Việt mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam.
Ảnh: TL.

Một số doanh nghiệp hiện đang đề xuất chính sách cho phép người Việt mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế tại Việt Nam. Nếu đề xuất này được thông qua, sẽ tạo ra một lợi thế lớn cho các cửa hàng miễn thuế vì theo tính toán của Statista, dung lượng thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt khoảng 974 triệu USD trong năm 2020. Mặc dù giảm 6% so với năm 2019 do dịch bệnh COVID-19 nhưng dự báo sẽ hồi phục nhanh, tăng trở lại hơn 17% trong năm tiếp theo.

Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) ước tính 16% dân số Việt Nam sẽ trở nên giàu có vào năm 2030 so với 5% của năm 2018. BCG nhận định khái niệm “người tiêu dùng giàu có” là đối tượng có sức mua tốt và sẵn sàng tiếp nhận nhiều sản phẩm, dịch vụ cao cấp và xa xỉ.

Thanh Hương
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư