“Nóng” cuộc đua của các ứng dụng gọi xe công nghệ
Thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam ước tính khoảng 2,4 tỷ USD, dự kiến có thể chạm mốc 4 tỷ USD vào năm 2025. Đây được coi là một miếng bánh lớn cho các ứng dụng gọi xe như Grab, GoTo và Be.
Từ cuộc đua nắm giữ thị phần
Theo một nghiên cứu của Black Box Research, cơ quan nghiên cứu xã hội hàng đầu của Singapore cho biết, dịch vụ gọi xe, đặt taxi, ô tô hoặc xe máy, đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống hàng ngày ở Đông Nam Á. Hơn một nửa số người được hỏi (53%) đã sử dụng các ứng dụng gọi xe trong thời gian khảo sát. Việt Nam (69%) và Singapore (64%) ghi nhận tỷ lệ người dùng cao nhất. Các thị trường có tỷ lệ người dùng thấp nhất (khoảng hai phần năm người dùng) là Malaysia (41%) và Thái Lan (38%).
Xét về mức độ phổ biến của thương hiệu, Grab đang là người chiến thắng rõ ràng trong số các ứng dụng gọi xe trên cả sáu thị trường, với 75% người dùng chọn Grab là ứng dụng được sử dụng thường xuyên nhất của họ. Gojek đứng ở vị trí thứ hai, kém hơn với 13%.
Grab dẫn đầu mạnh nhất ở Malaysia (94%) và Philippines (91%). Tại ba thị trường khác, Grab dẫn đầu so với đối thủ cạnh tranh gần nhất từ 6 lần trở lên. Ví dụ, tại Việt Nam, Grab dẫn đầu Gojek (73% đến 10%).
Đối thủ đáng chú ý nhất đối với Grab là Gojek của Indonesia. Với mức sử dụng 43%, Gojek không kém xa vị trí dẫn đầu của Grab với 52%. Tuy nhiên, Grab đã chứng tỏ mình là một đối thủ đáng gờm. Trên sáu thị trường Đông Nam Á, người ta có thể nhận thấy rằng Gojek là công ty duy nhất có thể chiếm lĩnh một phần thị trường khá lớn, mặc dù vẫn còn nhỏ, chiếm 11% ở Singapore và 10% ở Việt Nam.
Trong nhiều năm, Grab và GoTo đã mắc kẹt trong cuộc chiến “đốt tiền” để thống trị thị trường gọi xe Đông Nam Á. Grab vẫn coi Singapore là thị trường lớn nhất của mình ngay cả khi hãng đang cố gắng mở rộng phạm vi hoạt động sang các quốc gia khác, bao gồm cả Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Trong khi đó, GoTo đang dẫn đầu về dịch vụ gọi xe tại quê nhà với hơn 270 triệu người dùng, am hiểu về thiết bị di động và mua sắm trên nền tảng bán lẻ trực tuyến Tokopedia hoặc đặt xe và đặt đồ ăn thông qua ứng dụng của Gojek.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, Be Group, một ứng dụng “cây nhà lá vườn” của Việt Nam mới nhận được khoản vay từ Deutsche Bank, bao gồm một điều khoản cho phép tăng nguồn tài chính lên tới ít nhất 100 triệu USD. Số tiền này sẽ được sử dụng để mở rộng và nâng cao các dịch vụ chính của Be Group, bao gồm dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và ngân hàng số. Với nguồn lực mới, Be Group có thể sẽ thách thức được sự thống trị của Grab tại Việt Nam?
Đến cuộc đua tìm lợi nhuận
Mới đây, theo truyền thông đưa tin, Grab đang đặt mục tiêu hòa vốn trên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao) vào nửa cuối năm 2024. Trong quý 2/2022, khoản lỗ của Grab đã được thu hẹp còn 572 triệu USD, thấp hơn nhiều mức 801 triệu USD một năm trước đó. Theo lãnh đạo công ty, khoản lỗ EBITDA đã điều chỉnh vào nửa cuối năm nay, dự kiến đạt 380 triệu USD, cải thiện 27% so với nửa đầu năm. Grab kỳ vọng thu về 1,25-1,3 tỷ USD trong năm nay và dự kiến mảng giao hàng sẽ chạm điểm hòa vốn vào 2 quý đầu tiên của năm 2023. Trong khi các hoạt động của ngân hàng số cũng được dự báo đạt điểm hòa vốn vào năm 2026.
Trong khi đó, theo báo cáo, GoTo vẫn chưa có lãi. Công ty cũng đang “còng lưng” gánh mức lỗ ròng lên tới gần 1 tỷ USD chỉ trong nửa đầu năm nay, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù CEO GoTo vẫn khá lạc quan khi đặt mục tiêu các mảng kinh doanh theo yêu cầu và thương mại điện tử sẽ hòa vốn lần lượt vào quý 1 và quý 4 năm sau, nhưng với tình hình tài chính hiện tại của công ty, sự lạc quan này cũng chưa chắc chắn.
Cũng tương tự Grab, Gojek và các ứng dụng gọi xe khác, với Be Group, lợi nhuận vẫn đang là bài toán cần tìm lời giải. Tính đến cuối năm 2021, Be Group cũng đang phải gánh khoản lỗ lũy kế hơn 2.466 tỷ đồng. Trong đó, năm 2019 ghi nhận khoản lỗ hơn 1.500 tỷ đồng và hai năm tiếp theo lần lượt lỗ 492 tỷ đồng và 384 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến ngày 31/12/2021 là âm 373 tỷ đồng.
Có thể nói, thị trường gọi xe Việt Nam đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt từ các người chơi lớn như Grab, Gojek và Be Group. Sự cạnh tranh của các nền tảng không chỉ đến từ phí dịch vụ mà còn là về chất lượng và sự đa dạng hóa dịch vụ trên nền tảng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với các nền tảng gọi xe công nghệ là tài chính. Những doanh nghiệp không có tiềm lực tài chính rất khó có thể tồn tại và duy trì hoạt động kinh doanh thành công.
Trong cuộc chiến của các ứng dụng gọi xe công nghệ này, có lẽ người ta vẫn chưa thể biết ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng…
Nguyễn Chuẩn
Nguồn CafeF