Gần 10% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất

Gần 10% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất

Đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm là mục tiêu mà các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hướng tới.

Tại Hội thảo mới đây, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhận định: “Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập toàn cầu, tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu. Đóng góp vào hàm lượng công nghệ cao trong từng sản phẩm mới là ý nghĩa sâu xa mà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần hướng tới”.

Hội thảo cũng công bố khảo sát về doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Tổng cục Thống kê năm 2021. Theo đó, về trình độ công nghệ, khoảng trên 30% doanh nghiệp cho biết hiện vẫn đang sử dụng hoàn toàn thiết bị điều khiển thủ công, trên 50% có sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% doanh nghiệp có sử dụng thiết bị tự động hoá, và chưa đến 10% doanh nghiệp có sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất.

Gần 10% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất

Tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm không quan trọng bằng hàm lượng công nghệ đóng góp cho chuỗi giá trị là bao nhiêu.
Ảnh: T.L

Xét theo chuỗi giá trị, tỷ trọng doanh nghiệp hoạt động ở các phân khúc mang lại giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị khá thấp, chỉ có khoảng 19% doanh nghiệp dệt may da giày và 33% doanh nghiệp điện tử có thực hiện công đoạn thiết kế trong quá trình sản xuất.

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 9000 (quản lý chất lượng), 9% doanh nghiệp có chứng nhận ISO 14000 (quản lý môi trường).

Các chuyên gia cho rằng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn thấp, đơn cử ngành điện tử chỉ từ 5-10%; ngành ô tô từ 7-10%; ngành dệt may, da giày từ 45-50%.

Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thiếu nguồn lực để đổi mới; chưa đủ năng lực cung cấp linh kiện và phụ tùng có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật phức tạp đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư