Các mảnh kinh doanh của Doji
Đến nay, Tập đoàn Doji có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn.
Doji chứng kiến đà tăng trưởng doanh thu lợi nhuận của công ty mẹ chững lại vào 2021. Tuy vậy, TPBank vẫn đang liên tiếp gặt hái thành công.
Doanh nghiệp vàng bạc đá quý gắn liền với doanh nhân Đỗ Minh Phú
Doji được biết đến là một trong những đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng, kim loại quý, đá quý hàng đầu trên cả nước. Doanh nghiệp tiền thân là Công ty Phát triển Công nghệ và Thương mại TTD được thành lập năm 1994, hoạt động về khai thác đá quý, chế tác cắt mài và xuất khẩu đá quý ra thị trường quốc tế.
Ông Đỗ Minh Phú, sinh năm 1953 tại Yên Bái, là người sáng lập nên doanh nghiệp này. Ông tốt nghiệp ngành vô tuyến điện tử tại Đại học Bách khoa Hà Nội và có thời gian dài công tác trong ngành vàng bạc đá quý.
Là người nắm giữ công nghệ xử lý đá quý của Việt Nam lúc bấy giờ, ông Phú có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cắt mài đá quý. Nhờ đó, Công ty TTD phát triển nhanh chóng. Năm 1996, Việt Nam phát hiện ra ruby sao – viên đá một mặt cầu, nếu được đánh bóng lên thì khi tia sáng chiếu tới, trên bề mặt sẽ sắp xếp ra hình ngôi sao 6 cánh.
Trên thế giới, ruby sao chỉ có ở Myanmar nhưng kích cỡ rất nhỏ. Vì thế, việc Việt Nam phát hiện ruby sao đã trở thành một hiện tượng với thế giới bởi đá thô ở Việt Nam rất to, có viên đá nặng tới hàng chục kg. Hiện nay Doji đang lưu giữ viên đá ruby sao thô Hồng Bảo Ngọc nặng tới 18,8 kg.
Năm 2007, TTD chính thức đổi tên thành CTCP Vàng bạc Đá quý & Đầu tư Thương mại Doji. Đến năm 2009, công ty thực hiện tái cấu trúc và chính thức trở thành Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji, hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con.
Về sở hữu, ông Đỗ Minh Phú là cổ đông lớn nhất nắm 70% vốn, 30% còn lại chia đều cho 2 người con là bà Đỗ Vũ Phương Anh và ông Đỗ Minh Đức.
Ông Đỗ Minh Đức đang đảm nhiệm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc và là người đại diện của Doji. Còn bà Đỗ Vũ Phương Anh giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng Giám đốc.
Đà tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận chững lại vào 2021
2009-2019 là giai đoạn bứt phá của Doji khi mở rộng quy mô trong lĩnh vực bản lề về vàng bạc đá quý, trải dài từ các hoạt động khai thác mỏ, chế tác cắt mài đá quý, sản xuất hàng trang sức, kinh doanh vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng, xây dựng hệ thống chuỗi các trung tâm vàng bạc trang sức trên khắp cả nước.
Doji đã và đang mở rộng hệ thống Trung tâm Vàng bạc Trang sức Doji tại hầu hết các thành phố lớn và các tỉnh thành trong cả nước. Đến ngày 30/4/2020, tập đoàn chính thức tiếp quản Công ty Thế Giới Kim Cương vào đúng vào giai đoạn kinh tế đang cam go. Đại dịch COVID-19 đã gây ra những tác động hết sức nặng nề và tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường vàng bạc trang sức nói riêng.
Trước khi trở thành thành viên mới của Doji, Thế Giới Kim Cương có 34 chi nhánh tại 34 tỉnh, thành phố với trên 100 trung tâm, cửa hàng tại hầu hết các trung tâm thương mại, siêu thị tại Việt Nam và quản lý gần 1.000 cán bộ nhân viên. Thương vụ này ghi dấu ấn về sự tăng tốc của Doji trong lĩnh vực vàng bạc đá quý và trang sức, tăng tầm ảnh hưởng và khả năng dẫn dắt thị trường. Việc thâu tóm đã giúp tập đoàn nâng số trung tâm, cửa hàng lên gần 200. Năm 2020 cũng đánh dấu mốc doanh thu vượt 100.000 tỷ đồng.
Theo dữ liệu Người Đồng Hành, doanh thu và lợi nhuận công ty mẹ đều tăng trong giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã chững lại trong 2021 do rơi vào giai đoạn tâm điểm dịch COVID-19. Cụ thể, công ty mẹ có doanh thu 96.156 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng, lần lượt giảm 4% và 3% so với 2020.
Doanh thu lên đến cả trăm ngàn tỷ cho thấy vị thế dẫn đầu của Doji trong ngành. Nhìn sang một số tên tuổi khác, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) kết thúc năm 2021 có doanh thu 19.736 tỷ; con số này đối với Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) là 17.689 tỷ đồng.
Giống như nhiều doanh nghiệp vàng bạc khác (như SJC), biên lợi nhuận gộp của Doji lại “mỏng”, chỉ dao động 0,5-0,7% (giai đoạn 2019-2021). Nguyên do là các doanh nghiệp này tập trung bán vàng miếng chứ chưa phát triển mạnh mảng bán lẻ vàng trang sức như PNJ (biên lợi nhuận gộp mỗi năm dao động 18-20%).
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2021, vốn chủ sở hữu công ty mẹ đang đạt 4.500 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu gần 1,7 lần. Tổng tài sản doanh nghiệp ghi nhận ở mức 12.698 tỷ đồng, tăng 40% sau 1 năm.
TPBank liên tục gặt hái thành công sau tái cơ cấu
Trên con đường kinh doanh của mình, đầu năm 2012, Tập đoàn Doji chính thức mở rộng hoạt động sang lĩnh vực tài chính – ngân hàng và đã trở thành cổ đông chiến lược của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB).
Tập đoàn Doji do ông Đỗ Minh Phú làm đại diện cùng với các cổ đông liên quan khác nắm giữ 20% tổng số cổ phần của TPBank. Hiện nay, ngoài Doji, TPBank còn có các cổ đông chiến lược khác như FPT, SBI Holding (Nhật Bản), PYN Elite Fund…
Tại đại hội cổ đông ngày 26/04/2012, ông Đỗ Minh Phú được bầu là Chủ tịch của TPBank. Với tư cách là cổ đông chiến lược, Tập đoàn Doji đã hỗ trợ TPBank về tài chính, năng lực quản trị, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh vàng. Sau quá trình tái cơ cấu thành công, TPBank bước vào giai đoạn phát triển với các chỉ số tăng trưởng liên tục đi lên. Kết quả kinh doanh năm sau tăng cao hơn năm trước, vượt mục tiêu kế hoạch. Vào 19/04/2018, TPBank chính thức niêm yết 555 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Năm 2021, tổng tài sản đạt 292.827 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm; vốn điều lệ tăng lên hơn 15.818 tỷ đồng, trong đó vốn tự có đạt 25.987 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 6.038 tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020. Tổng huy động đạt 262.385 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát thấp, chỉ 0,81%.
Mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm 2022 tăng 36% cho thấy ban lãnh đạo TPBank vẫn đang lạc quan vào năng lực của ngân hàng.
Do đảm nhiệm chức vụ chủ tịch tại TPBank, theo quy định lúc bấy giờ, vào năm 2018, ông Đỗ Minh Phú đã rời ghế chủ tịch tại 6 đơn vị khác, trong đó bao gồm Tập đoàn Doji.
Chia sẻ về ảnh hưởng của sự việc này đối với “đứa con cưng” của mình, ông Phú từng cho biết đây là doanh nghiệp do chính ông khai sinh, đồng hành từ những ngày đầu. Tuy không còn ở vị trí điều hành, song là người sáng lập, vị doanh nhân cho biết mình vẫn tiếp tục vạch ra con đường, đồng hành cùng các cộng sự tại Doji tiến bước.
Hiện ông Phú giữ chức Chủ tịch Hội đồng sáng lập tại Doji. Ngoài ra, ông còn đảm nhiệm một số chức danh ở các đơn vị khác như đồng Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam – Singapore (VSBC), Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam, Phó Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Mỹ, Ủy viên BCH Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI.
Bất động sản Doji Land với những khu đất vàng và loạt dự án cao cấp
Cùng với kinh doanh vàng bạc đá quý và tài chính – ngân hàng, tập đoàn của ông Đỗ Minh Phú lựa chọn đưa bất động sản thành lĩnh vực chủ chốt, quan trọng trong chiến lược phát triển của của mình. Đến tháng 11/2014, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Doji Land được thành lập để triển khai các dự án bất động sản.
Hiện tại, Doji sở hữu khá nhiều khu đất vàng tại Hà Nội và TP.HCM, đơn cử như tòa nhà Doji Tower, trung tâm vàng bạc đá quý và trang sức lớn nhất cả nước tại số 5 Lê Duẩn, quận Ba Đình, Hà Nội, cao 16 tầng và 3 tầng hầm, tổng diện tích sử dụng 18.883 m2. Hay như tòa nhà văn phòng Ruby Plaza tại số 44 Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cao 17 tầng, tổng diện tích sử dụng 12.000 m2.
Khu vực phía Nam có tòa nhà vàng bạc đá quý, trang sức và văn phòng tại 214 Phan Đăng Lưu, Quận Phú Nhuận, TP.HCM, cao 10 tầng; tổng diện tích sử dụng 4.454 m2 và tòa nhà văn phòng Ruby Tower tại số 81-83-85 Hàm Nghi, quận 1, TP.HCM, cao 20 tầng, tổng diện tích sử dụng 13.500 m2.
Hiện tập đoàn đang tập trung vào các dự án gồm: Dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và condotel tại trung tâm TP. Hạ Long mang tên The Sapphire Residence và Best Western Premium Sapphire Ha Long với tổng diện tích 4,7 ha và số tiền đầu tư lên đến 8.000 tỷ đồng; dự án khách sạn 5 sao Diamond Halong Hotel; dự án tổ hợp trung tâm thương mại căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê tại TP Hải Phòng; dự án khách sạn tại trung tâm Hà Nội, Vĩnh Phúc…
Doanh thu và lợi nhuận của Doji Land chỉ thực sự đột biến từ 2018 nhưng chỉ đạt vài chục tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, năm 2019, doanh thu đạt 902 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2018. Mặc dù vậy, chi phí bán hàng và chi phí tài chính tăng mạnh khiến lợi nhuận công ty chỉ đạt 41,5 tỷ đồng, giảm 15%. Năm 2020, đơn vị đem về doanh thu 193 tỷ đồng và lợi nhuận 29 tỷ đồng, đi lùi lần lượt 79% và 30%.
Đến nay, Tập đoàn Doji có 15 công ty thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, 5 công ty liên kết góp vốn và 61 chi nhánh, gần 200 trung tâm, cửa hàng trải dài trên toàn quốc cùng với hơn 400 đại lý, điểm bán… tạo nên hệ thống phân phối sản phẩm phủ khắp hầu hết các vùng miền của Việt Nam.
Ngoài 3 trụ cột là vàng bạc trang sức, tài chính – ngân hàng và bất động sản, Doji còn tham gia vào nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ nhà hàng, du lịch... với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành một trong những tập đoàn đa ngành uy tín tại Việt Nam và vươn ra khu vực.
Bạch Khôi
Nguồn CafeF