Các doanh nghiệp đang “tăng tốc” về đích
Các doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ cũng đang bước vào giai đoạn phát triển và làm mới mình.
Ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô thị trường 142 tỉ USD, dự báo sẽ tăng lên 350 tỉ USD vào năm 2025, đóng góp 59% GDP cả nước. Hiện tại cả nước có hơn 1 triệu cửa hàng tạp hóa. Thị trường bán lẻ ở Việt Nam được xem là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp.
Theo số liệu của Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2022 ước đạt 481.200 tỉ đồng, mặc dù chỉ tăng 0,6% so với tháng trước nhưng tăng tới 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Ở thời điểm gần cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang tăng tốc làm mới mình nhằm đón sóng cuối năm.
Nhằm tái định vị thương hiệu và mở rộng đa dạng sản phẩm, vừa qua Siêu thị hàng Nhật nội địa là Sakuko Japanese Store cũng vừa thay đổi nhận diện thương hiệu và từ nhà bán lẻ sản phẩm mẹ và bé của Nhật, nay Sakuko đã trở thành chuỗi siêu thị lĩnh vực bán lẻ hàng Nhật nội địa.
Sakuko Japanese Store hiện có hệ thống hơn 30 siêu thị đặt tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Bà Cao Thị Dung, Tổng Giám đốc của Sakuko, chia sẻ: tại Sakuko có 7 ngành hàng tiêu dùng thiết yếu: Mẹ và bé, Mỹ phẩm, Thực phẩm, Chăm sóc sức khỏe, Thời trang, Văn phòng phẩm, Nhà cửa đời sống, phục vụ nhu cầu mua sắm cho mọi gia đình Việt.
Mới đây, Central Retail (thuộc Central Group), nhà bán lẻ Thailand đã công bố sẽ đầu tư thêm 20.000 tỉ đồng vào thị trường Việt Nam trong 5 tới. Mục tiêu của Central Retail là thúc đẩy doanh số tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2022-2026 lên 65.000 tỉ đồng, hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng đa kênh trong lĩnh vực thực phẩm và kinh doanh trung tâm thương mại. Hiện, thị trường Việt Nam mang lại 22% tổng doanh thu cho Central Retail.
Trong khi đó, một doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài khác là AEON cũng đang lên kế hoạch xây thêm đại siêu thị tại Hà Nội. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Nhiều nhà bán lẻ khác như MM Mega Market, Saigon Co.op, BRGMart… cũng lên kế hoạch mở rộng đầu tư, mở rộng hệ thống để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngay đầu tháng 9 vừa qua, Masan chính thức đưa vào hoạt động chuỗi 27 cửa hàng đa tiện ích WIN toạ lạc tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM. Mô hình mới này của Masan được ví như “tất cả trong một” với mô hình đa tiện ích đầu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng với trải nghiệm tiện lợi, xuyên suốt offline-to-online.
Theo đó, các cửa hàng WIN phục vụ các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của người Việt như: nhu yếu phẩm (WinMart+), dịch vụ tài chính (Techcombank), dược phẩm (Dr.Win), chuỗi F&B (Phúc Long), dịch vụ viễn thông (Reddi). Trong năm 2022, Masan có kế hoạch khai trương từ 80 - 100 cửa hàng WIN trên cả nước.
Minh Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư