Được định giá hơn 2 tỷ USD, kỳ lân MoMo đang kinh doanh ra sao?
MoMo đã trải qua 5 vòng gọi vốn và được định giá hơn 2 tỷ USD. Dù doanh thu tăng trong những năm qua nhưng kỳ lân Việt vẫn chưa có lãi. Bên cạnh việc mở rộng các dịch vụ trên ứng dụng của mình, thời gian qua MoMo cũng tăng cường việc mua lại hoặc đầu tư vào các công ty khác.
Sau vòng gọi vốn series E diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, MoMo trở thành kỳ lân fintech thứ hai của Việt Nam (sau VNPay) với định giá hơn 2 tỷ USD. Công ty đã huy động được khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, dẫn dắt bởi Mizuho Bank, bên cạnh Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.
Đây cũng là vòng gọi vốn thứ 5 của startup này. Trước đó, theo dữ liệu của Crunchbase, MoMo đã huy động được gần 234 triệu USD qua 4 vòng gọi vốn. Danh sách nhà đầu tư bao gồm hàng loạt tên tuổi lớn như Goldman Sachs, Warburg Pincus, Standard Chartered Private Equity...
Ra đời năm 2007, Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Service) – sở hữu MoMo – xuất phát điểm là một đơn vị cung cấp dịch vụ nạp tiền điện thoại. Ba năm sau, thương hiệu Ví MoMo (viết tắt của từ Mobile Money) có mặt trên thị trường. Đến năm 2015, M_Service được cấp giấy phép ví điện tử tại Việt Nam.
Định vị là một siêu ứng dụng, MoMo đã xây dựng nền tảng cung cấp khoảng 400 loại hình dịch vụ khác nhau trong hàng loạt lĩnh vực như tài chính tiêu dùng, bảo hiểm, chuyển tiền, thanh toán, giải trí, thương mại điện tử, mua sắm, vận tải và dịch vụ ăn uống, quyên góp từ thiện…
Số người dùng MoMo tăng mạnh trong 3 năm qua. Năm 2019, ứng dụng cán mốc 10 triệu người dùng. Con số này gấp đôi vào tháng 9/2020. Tính đến đầu năm 2022, MoMo có khoảng 31 triệu người dùng, với 10 triệu người sử dụng dịch vụ tài chính, bảo hiểm. Công ty đang hướng đến mục tiêu là có ít nhất 50 triệu người dùng.
Để hiện thực hoá giấc mơ của mình, MoMo đã chiêu mộ hàng loạt nhân sự – từng là cựu lãnh đạo các công ty lớn trong và ngoài nước. Tháng 4/2020, ông Anthony Thomas – một chuyên gia fintech người Ấn Độ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Đây cũng là lần đầu tiên MoMo công bố chức danh này. Ông Thomas từng là Giám đốc mảng Kinh doanh & Phân phối Ngân hàng Bán lẻ khu vực châu Á Thái Bình Dương của Citibank và CEO ví điện tử lớn nhất Philippines (GCash).
Bên cạnh đó, kỳ lân Việt cũng dự định ra mắt một trung tâm công nghệ đặt tại Đà Nẵng, biến nơi này trở thành “cứ địa” công nghệ thứ ba, sau TP HCM và Hà Nội.
Doanh thu tăng nhưng vẫn lỗ
Chia sẻ trong một sự kiện, ông Nguyễn Bá Diệp – Phó Chủ tịch MoMo cho biết “khi COVID-19 mới bùng phát, chúng tôi cảm giác như trời sắp sập”. Theo ông Diệp, khi tất cả hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của toàn xã hội đều dừng lại, đối với doanh nghiệp đó là một nỗi sợ tới mức đêm không thể ngon giấc. Tuy nhiên, khi bình tĩnh nhìn nhận lại, đối với những công ty công nghệ số như MoMo lại là “trong nguy có cơ”.
Doanh nhân này giải thích rằng, hoạt động thanh toán trong các lĩnh vực nhà hàng, vui chơi, giải trí bị đóng băng nhưng thị trường lại chứng kiến sự tăng “đột biến” ở những mảng thanh toán khác, cũng như số lượng khách hàng sử dụng ứng dụng. Khi khách hàng không còn sự lựa chọn nào khác, họ bắt buộc phải dùng những biện pháp thanh toán điện tử để phục vụ cho nhu cầu hàng ngày.
“Tốc độ tăng trưởng của hai năm 2020, 2021 có thể bằng đúng 20 năm chúng tôi cố gắng nếu không có COVID-19", ông Diệp nhấn mạnh.
Theo số liệu của Người Đồng Hành, doanh thu thuần và lợi nhuận gộp của MoMo đều tăng trong ba năm qua (2019-2021). Tuy nhiên, chi phí bán hàng lớn và tăng cùng chiều với doanh thu khiến kỳ lân này vẫn chưa có lãi. Từ năm 2019 đến 2021, mỗi năm MoMo đều lỗ trên 850 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, công ty này ghi nhận khoản lỗ luỹ kế hơn 3.600 tỷ đồng.
Ví điện tử vốn được coi là cuộc đua “đốt tiền” khi các ứng dụng thường xuyên tung ra các chương trình ưu đãi, khuyến mại để giữ chân người dùng cũ và có thêm người dùng mới. Không chỉ riêng MoMo, ví điện tử Zalo Pay của kỳ lân VNG cũng liên tiếp thua lỗ trong những năm qua. Báo cáo tài chính của VNG cho thấy, khoản lỗ năm ngoái của Công ty cổ phần Zion – đơn vị vận hành Zalo Pay là hơn 1.200 tỷ đồng – gần gấp đôi năm 2020. Năm 2019, Zion cũng lỗ 377 tỷ đồng.
MoMo và ZaloPay đều là những “người chơi” lớn trên thị trường ví điện tử Việt Nam. Theo một báo cáo của Statista, MoMo dẫn đầu thị trường năm 2020 với 53% thị phần, trong khi đó Zalo Pay đứng thứ 4 với 5,3%.
Theo các con số thống kê, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam có xu hướng tăng cả về số lượng và giá trị trong những năm qua. Dù vậy dư địa để phát triển vẫn còn rất lớn và đó là cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành bứt phá.
Bên cạnh đó, với sự tham gia của hơn 40 nhà cung cấp ví điện tử, thị trường Việt Nam cũng đang ngày càng trở nên cạnh tranh và ngay cả các “ông lớn” như MoMo hay Zalo Pay cũng phải dè chừng các đối thủ khác.
Đẩy mạnh các thương vụ đầu tư, sáp nhập
Bên cạnh việc mở rộng các dịch vụ trên ứng dụng của mình, thời gian qua MoMo cũng tăng cường các thương vụ sáp nhập hoặc đầu tư vào các công ty khác. Tháng 6/2021, MoMo công bố hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ quyền sở hữu trí tuệ của Pique – công ty cung cấp các giải pháp trí tuệ nhân tạo giúp cá nhân hoá trải nghiệm khách hàng cho tất cả các doanh nghiệp số.
Thương vụ này cũng là hoạt động đầu tiên của Quỹ Đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo (MoMo Innovation Ventures) ra mắt đầu năm 2021.
Đến tháng 6 vừa qua, kỳ lân Việt mua hơn 4,4 triệu cổ phần, tương đương 49% vốn của chứng khoán CV. Thương vụ của MoMo được công bố không lâu sau khi một fintech khác là Finhay cho biết đã sở hữu chứng khoán Vina Securities. Cả MoMo và Finhay đều được Chứng khoán Thiên Việt (TVS) rót vốn. Đến 31/3, TVS ghi nhận giá gốc đầu tư vào MoMo là khoảng 27,8 tỷ đồng và gần 62,5 tỷ đồng vào Finhay.
Linh Lam
Nguồn CafeF