HSBC: Xuất khẩu dịch vụ đóng góp vào sự bền bỉ

HSBC: Xuất khẩu dịch vụ đóng góp vào sự bền bỉ

Du lịch là một thành phần quan trọng của kinh tế ASEAN nhưng tầm quan trọng của ngành này ở mỗi nước một khác. Và du lịch không phải là loại hình dịch vụ duy nhất được xuất khẩu.

Không phải mọi thứ đều có thể đóng gói, xếp vào container để xuất khẩu. Không ai có thể xuất khẩu những phong cảnh đẹp, một buổi hoàng hôn hoàn hảo hay bãi cát trắng thơ mộng… Dù TV, Internet có thể truyền tải phần nào những yếu tố đến thế giới nhưng không thể thay thế cho trải nghiệm thực: Nhâm nhi đồ uống mát lạnh bên bờ biển và tận hưởng làn gió trong lành vỗ về trực tiếp. Đó là lý do tại sao, trước đại dịch, du lịch ở Châu Á đã bùng nổ.

Về kinh tế, du lịch được coi là ngành “công nghiệp không khói”, là hoạt động xuất khẩu dịch vụ tại chỗ – cung cấp dịch vụ từ cư dân địa phương cho những người đến từ nơi khác. Và du lịch không phải là loại hình dịch vụ duy nhất được xuất khẩu. Các dịch vụ khác bao gồm thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO), dịch vụ viễn thông và máy tính, vận tải, dịch vụ tài chính và nghiên cứu…

Không may là xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là du lịch, đã sụt giảm nghiêm trọng trong đại dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới mở cửa biên giới cho phép đi lại, chúng ta có thể kỳ vọng du lịch ASEAN sẽ phục hồi đúng vào lúc cần nhất. Sự phục hồi này tuy có thể sẽ không trọn vẹn, chưa phục hồi hoàn toàn được như trước đại dịch nhưng có thể đem lại chút bền bỉ để giúp ASEAN vượt qua những sóng gió trên phạm vi toàn cầu.

HSBC: Xuất khẩu dịch vụ đóng góp vào sự bền bỉ

Tỷ trọng GDP, xuất khẩu dịch vụ và khách du lịch của ASEAN so với thế giới.

Với mức lương cạnh tranh, tài nguyên thiên nhiên tuyệt đẹp và người dân hiếu khách, xuất khẩu dịch vụ là một thành phần quan trọng của nền kinh tế ASEAN. Trước năm 2020, mặc dù chỉ chiếm khoảng 3% GDP của thế giới, tỷ trọng của ASEAN trong tổng xuất khẩu dịch vụ của thế giới đã lên mức khá lớn là 7%. Con số này thậm chí còn vượt mức 8%, nếu tính cả số lượng khách du lịch đến ASEAN so với tổng số khách du lịch trên thế giới.

Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi đại dịch xảy ra. Như đã đề cập, nhu cầu tiêu dùng đã dịch chuyển từ dịch vụ sang hàng hóa vì các hộ gia đình buộc phải ở trong nhà trong giai đoạn giãn cách. Có thể thấy, tỷ trọng của ASEAN trong tổng sản lượng kinh tế toàn cầu phần lớn vẫn giữ nguyên nhưng tỷ trọng xuất khẩu dịch vụ và tỷ trọng về số lượng khách du lịch đã giảm đáng kể.

Trên thực tế, xuất khẩu dịch vụ ở ASEAN thu hẹp nhiều so với các nước còn lại trên thế giới (nguyên nhân chủ yếu là do sự sụt giảm của du lịch quốc tế) và phần nào giải thích tại sao tổng sản lượng kinh tế ở một số nước ASEAN lại thu hẹp một chút..

Du lịch là một thành phần quan trọng của kinh tế ASEAN nhưng tầm quan trọng của ngành này ở mỗi nước một khác. Trong đó, hai nền kinh tế nổi bật là Thái Lan và Việt Nam, với doanh thu từ du lịch lên tới 10% GDP vào năm 2019, trước khi sụt giảm mạnh vào năm 2020 và 2021 khi đại dịch buộc các nền kinh tế phải đóng cửa biên giới.

HSBC: Xuất khẩu dịch vụ đóng góp vào sự bền bỉ

Tỷ trọng GDP, xuất khẩu dịch vụ và khách du lịch của ASEAN so với thế giới Cơ cấu kinh tế vĩ mô ASEAN-6 (theo quý).

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022, khu vực này đã và đang tăng tốc nỗ lực để mở cửa du lịch quốc tế trở lại. Và giống như vòi nước được mở ra, chúng ta có thể mong đợi doanh thu từ du lịch sẽ tăng lên, do nhu cầu dồn nén trong suốt gần ba năm qua.

Có thể sóng gió trên phạm vi toàn cầu sẽ vẫn mang đến những thách thức, tuy nhiên, sự dịch chuyển của nhu cầu trên thế giới từ hàng hóa sang dịch vụ cũng như việc đi lại, du lịch tiếp tục được mở cửa có thể giúp ASEAN đủ mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn sắp tới.

Một điểm cần lưu ý nữa ở đây là tầm quan trọng của Trung Quốc đại lục trong việc phục hồi sau đại dịch của ASEAN. Trong đó, một phần lớn khách du lịch đến ASEAN là từ Trung Quốc. Do đó, đây là một yếu tố mấu chốt có thể xác định mức độ phục hồi du lịch của ASEAN.

Tuyết Trinh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư