“Running man” và bài học PR cảm xúc

Gần đây sự kiện Arsenal sang Việt Nam du đấu đã làm “nóng” các phương tiện truyền thông cả trong nước và thế giới. Có thể nói sự kiện này đã mang lại thành công tốt đẹp cho cả nhà tài trợ, đội Arsenal và nhà tổ chức. Đặc biệt hình ảnh “running man” Vũ Xuân Tiến đã trở thành “điểm son” của sự kiện, khiến báo chí trong nước và thế giới tốn không biết bao nhiêu giấy mực.

Với niềm đam mê bóng đá và đội Arsenal cuồng nhiệt, đến nỗi chạy bộ theo xe chở đội Arsenal trong vòng 5km, Vũ Xuân Tiến đã được huấn luyện viên của đội bóng - giáo sư Arsene Wenger mời lên xe giao lưu với các cầu thủ và được ký tặng lên áo.

Theo quan điểm của người viết, chúng ta phải ngả mũ bái phục giáo sư Wenger không chỉ trong lĩnh vực bóng đá mà còn trong lĩnh vực PR hình ảnh đội bóng Arsenal trên toàn thế giới.

Có thể nói ông không chỉ là giáo sư trong lĩnh vực bóng đá mà còn xứng đáng là giáo sư trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu. Điều này chỉ có thế đến từ người có nhiều trải nghiệm với bóng đá cũng như với giới truyền thông Anh Quốc, nơi được coi là quê hương của báo “lá cải”.

“Running man” và bài học PR cảm xúc

Wenger không chỉ là giáo sư trong lĩnh vực bóng đá mà còn xứng đáng là giáo sư trong lĩnh vực xây dựng thương hiệu

Sau hai sự kiện giao lưu với trẻ em khiếm thị tại Trường Nguyễn Đình Chiểu và mời “running man” lên giao lưu với các cầu thủ và mời sang Anh xem Arsenal thi đấu, giáo sư Wenger và đội Arsenal đã viết một câu chuyện với một thông điệp hoàn hảo: “Hãy sống với đam mê và nghị lực, một ngày ước mơ của bạn sẽ thành sự thật”.

Câu chuyện này đã gây lên một hiệu ứng cảm xúc mãnh liệt không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Hình ảnh của giáo sư Wenger và đội Arsenal trở nên rất thân thiện với người hâm mộ. Đây được gọi là Emotional PR (PR bằng cảm xúc), cũng là cách PR thương hiệu chân thực và thành công nhất.

Bên cạnh hình thức PR truyền thống là bằng tính năng sản phẩm và bằng việc chọn “đại sứ thương hiệu” là người nổi tiếng (nhưng đôi khi gây hiệu ứng ngược), khá nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đã đi theo xu hướng Emotional PR, và cũng từng thành công.

Tuy nhiên, không phải lúc nào việc thể hiện trách nhiệm xã hội nhằm chiếm được cảm tình của người tiêu dùng hay đối tượng phục vụ cũng thành công. Doanh nghiệp chỉ có thể “đến đích” sau khi trải qua một quá trình dài xuyên suốt và thống nhất, từ việc tạo ra sản phẩm chất lượng, xây dựng một câu chuyện về sản phẩm đó, tạo nên một thông điệp gắn với mục tiêu và tầm nhìn của doanh nghiệp, và cuối cùng là cách thức quảng bá hình ảnh thông qua các hoạt động của mình.

Arsenal đã rời Việt Nam nhưng hình ảnh về một đội bóng chuyên nghiệp, thân thiện đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người hâm mộ Việt Nam và trên toàn thế giới. Và đây có thể coi là “hình mẫu” mà các doanh nghiệp Việt Nam nên nghiên cứu, học hỏi trong quá trình xây dựng thương hiệu.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn