Mua trước trả sau: Tốt vay, dày nợ

Mua trước trả sau: Tốt vay, dày nợ

Xu hướng mua trước trả sau (BNPL) đang nổi lên ở Việt Nam trong khi trên thế giới mô hình này đang được đánh giá lại vì tính bền vững của nó.

HomeCredit là doanh nghiệp mới nhất tham gia vào thị trường mua trước trả sau (Buy Now, Pay Later – BNPL) ở Việt Nam thông qua việc đầu tư 200 tỉ đồng vào sản phẩm Home PayLater hồi giữa tháng 8.

Trước đó, tháng 7/2021, ví điện tử MoMo cũng tham gia thị trường BNPL khi hợp tác với TPBank. Không lâu sau, hàng loạt thương vụ giữa các công ty fintech và nhóm dịch vụ tài chính được công bố như Phonenix Holdings hợp tác với Kredivo (Indonesia), LOTTE Finance, công ty con của LotteCard, cũng ra mắt sản phẩm BNPL tại Việt Nam thông qua hợp tác với OpenWay, hay Viettel Pay bắt tay với FE Credit... MFast sau vòng huy động trị giá 2,7 triệu USD hồi tháng 7 cho biết sẽ tham gia BNPL với dịch MFast Pay Later. Năm ngoái một startup BNPL khác là Fundiin cũng huy động thành công 1,8 triệu USD cho vòng hạt giống.

Mua trước trả sau: Tốt vay, dày nợ

Theo Research and Markets, thanh toán BNPL ở Việt Nam tăng trưởng khá mạnh mẽ. CAGR giai đoạn 2022-2028 là 45,2%. Tổng giá trị hàng hoá thông qua BNPL trong nước sẽ tăng từ 496 triệu USD năm 2021 lên hơn 1 tỉ USD năm 2028. Mô hình kinh doanh của phần lớn các công ty BNPL đến từ lãi suất vay, thu phí đối tác, phí thẻ tín dụng ảo hoặc họ có thể bán các khoản vay và phí phục vụ cho nhà đầu tư bên thứ 3. Ở Việt Nam, các công ty BNPL buộc phải kết hợp với ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nên doanh thu phần lớn đến từ hoa hồng trên mỗi giao dịch thành công.

Bản thân các công ty BNPL muốn phát triển phải dựa vào kinh tế quy mô, tức là gia tăng cùng lúc số lượng doanh nghiệp chấp nhận giải pháp BNPL của họ, từ đó thu hút nhiều người sử dụng dịch vụ hơn. Những tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực này có thể kể đến Klarna (Thuỵ Điển), Affirm (Mỹ), Afterpay (Úc)...

Khá thú vị là trong khi Việt Nam đang sôi nổi với BNPL thì các doanh nghiệp dẫn đầu ngành này lại bị nhà đầu tư soi khá kỹ về tính bền vững của chúng. Nguyên nhân chính là tập khách hàng cho vay của các công ty BNPL phần lớn là dưới chuẩn. Và họ chứng khoán hoá những khoản vay này để thu hút nhà đầu tư tham gia trong thời gian qua.

Mua trước trả sau: Tốt vay, dày nợ

Cả 2 yếu tố này đang bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi khủng hoảng kinh tế gần đây. Lạm phát leo thang cùng tỉ lệ thất nghiệp tăng cao khiến những con nợ dưới chuẩn khó có thể chi trả các khoản mua trước theo kỳ hạn. Cùng với sự suy giảm của nền kinh tế, đầu tư chứng khoán không còn lãi như trước, khiến việc chứng khoán hoá các khoản vay kém hấp dẫn theo. Tại Klarna, theo CNBC, công ty này đã giảm tới hơn 80% giá trị, chỉ còn 6,7 tỉ USD. Tương tự, cổ phiếu của Affirm ra mắt hồi đầu năm 2021 cũng đã giảm hơn 70% giá trị.

Nhưng ở Việt Nam, mọi việc có thể khác. Với các quốc gia phát triển, việc chấm điểm tín dụng khá dễ dàng do tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ ngân hàng khá cao. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo các báo cáo gần đây của MFast, có đến 70% người sử dụng chưa tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng. Điều này cho thấy một điểm khác biệt rất rõ: nếu như ở các quốc gia phát triển, người chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng phần lớn là dưới chuẩn thì ở Việt Nam, đây là vùng xám chưa thể xác định được.

Mua trước trả sau: Tốt vay, dày nợ

Có thể đó là nhóm người dưới chuẩn vay hoặc đơn thuần là các hệ thống đánh giá tài chính truyền thống chưa phù hợp với họ, đại diện một ví điện tử chia sẻ. “Vấn đề của các công ty fintech Việt Nam hiện nay là giúp hệ thống ngân hàng định vị rõ các khách hàng tiềm năng này”, vị này nói.

Vì thế, BNPL ở Việt Nam vẫn có tiềm năng nhất định với 2 trường phái đang triển khai. Nhóm thứ nhất, đại diện là MFast. Thay vì đợi khách hàng đến cửa hàng, lựa chọn sản phẩm và chọn hình thức thanh toán BNPL, MFast sẽ làm luôn công đoạn tìm kiếm khách hàng để thực hiện các quy trình còn lại. Bằng cách làm này, Công ty sẽ chủ động hơn và có thể xem là bộ phận kinh doanh thuê ngoài của các doanh nghiệp bán lẻ sử dụng dịch vụ BNPL của MFast.

“Dĩ nhiên phần trăm trên mỗi giao dịch của chúng tôi sẽ cao hơn cách truyền thống vì chúng tôi phải đảm đương nhiều công đoạn hơn”, ông Phan Thanh Long, đồng sáng lập MFast, cho biết.

Nhóm thứ 2 là đại diện các công ty fintech còn lại khi chỉ đóng vai trò là đơn vị kết nối khách hàng sử dụng thanh toán BNPL của đối tác với các nhà bán lẻ. Cạnh tranh trong lĩnh vực này là bài toán con gà quả trứng, tức muốn có người sử dụng phải có nhiều doanh nghiệp tham gia hợp tác và ngược lại. Các fintech có lợi thế về người sử dụng sẽ nổi trội hơn trong việc này. Nhóm fintech ra đời sau, đang chịu nhiều thiệt thòi hơn nhưng áp lực tài chính thấp hơn do quy mô đầu tư còn nhỏ cùng một thị trường còn nhiều dư địa sẽ giúp họ bớt phần nào áp lực từ các công ty đi trước.

Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư