Tiếp thị khách hàng thế hệ Y
Theo các chuyên gia, tiếp thị nhắm đến khách hàng thế hệ Y thật ra không gặp quá nhiều thách thức như đa số các doanh nghiệp nghĩ. Như nhiều phân khúc khách hàng khác, khách hàng thế hệ Y cũng là những người có khuynh hướng chi tiêu theo thói quen, thường trung thành với những nhãn hiệu đã gắn bó với họ từ thời thơ ấu hay những nhãn hiệu do chính họ phát hiện ra và thấy yêu thích.
Điểm đáng chú ý là thế hệ Y có khuynh hướng ủng hộ các nhãn hiệu uy tín và gắn kết với các doanh nghiệp qua truyền thông xã hội. Họ thường tẩy chay những nhãn hiệu quảng cáo theo kiểu “dội bom” hoặc có ác cảm với loại nhãn hiệu khiến họ cảm thấy mình trở thành những người “thuộc đẳng cấp thấp”.
Điều này cũng tương tự như phản ứng của hầu hết những phân khúc khách hàng khác. Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp có thể vận dụng những cách sau đây để tiếp thị khách hàng thế hệ Y.
1. Tiếp thị truyền miệng
Đây vẫn là kênh tiếp thị hiệu quả nhất đối với mọi phân khúc khách hàng. Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng chỉ có 28,7% người tiêu dùng thế hệ Y ra quyết định mua sắm dựa trên những điều hay mà bạn bè của họ truyền cho nhau biết trên các mạng xã hội.
Trong khi đó, có khoảng 44,3% khách hàng thế hệ Y ra quyết định mua sắm dựa trên những lời quảng bá truyền miệng. Họ sẵn sàng chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình về những nhãn hiệu mà họ đang quan tâm.
2. Phát triển quan hệ từ thế giới ảo
Thế hệ Y là những khách hàng rất rành về kỹ thuật số, bỏ ra khá nhiều thời gian để dạo trên internet. Do đó, xác định những trang web mà họ thường ghé thăm và tạo ra sự gắn kết với họ trên những trang web ấy sẽ mang lại lợi ích lớn cho doanh nghiệp. Truyền thông xã hội có sức ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ Y, nhưng điều đó không có nghĩa là trang web của doanh nghiệp đối với họ không quan trọng.
Hãy tận dụng các trang web xã hội để hướng khách hàng thế hệ Y đến với trang web của doanh nghiệp, từ đó giới thiệu với họ về những điều mà doanh nghiệp đang làm và những gì doanh nghiệp có thể giúp họ giải quyết các vấn đề đang gặp phải.
Qua các trang web xã hội, tất nhiên doanh nghiệp sẽ hiểu thêm được những suy nghĩ của khách hàng về sản phẩm, dịch vụ và hình ảnh của chính mình.
Mục đích của doanh nghiệp là tạo quan hệ trên thế giới ảo với khách hàng để từ đó phát triển quan hệ với họ trong môi trường kinh doanh thực.
3. Xây dựng lòng trung thành
Để khách hàng gắn bó lâu dài với mình, doanh nghiệp nên thường xuyên dành tặng cho khách hàng những món quà có ý nghĩa. Vấn đề quan trọng ở đây chỉ là cân nhắc mức độ chi tiêu để tránh lãng phí ngân sách tiếp thị mà không đạt được bao nhiêu tác dụng trong việc giữ chân khách hàng.
Mục đích của doanh nghiệp là tạo ra một mối quan hệ thật sự và lâu dài với khách hàng chứ không phải biến họ thành những người hâm mộ nửa vời, chỉ nhắm đến những thứ biếu không.
4. Không nên quá “nổ”
Internet vốn là một thế giới ồn ào và doanh nghiệp không nên làm cho khách hàng cảm thấy ngán ngẩm về cách tiếp thị, quảng cáo tại đó. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng 42% khách hàng thế hệ Y đã tỏ ra không thích trang web của một số doanh nghiệp vì các doanh nghiệp đó đã làm “ồn ào quá mức” trong các mục quảng cáo, đưa tin (post) của họ trên mạng.
Tình trạng doanh nghiệp nói quá nhiều và quá thường xuyên về mình trên các kênh truyền thông xã hội đã khiến nhiều khách hàng thế hệ Y chán ngán.
Những nội dung mà doanh nghiệp đưa lên các trang web xã hội phải quan trọng, thú vị và có liên quan mật thiết với nhóm khách hàng mục tiêu của mình - những người tiêu dùng thế hệ Y.
5. Tôn trọng khách hàng
Những khách hàng thế hệ Y là những người tự đánh giá được giá trị của chính mình, muốn người khác phải tôn trọng các ý kiến, quan điểm của họ, cho dù chúng được thể hiện ở đâu, trên internet hay nơi công sở. Họ muốn được phục vụ tận tình như đối với một cá nhân đặc biệt và được tặng thưởng xứng đáng khi trở thành những khách hàng trung thành của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nên thể hiện sự tôn trọng những khách hàng thế hệ Y và cảm ơn họ khi họ đưa ra những ý kiến phản hồi. Hãy lắng nghe và tìm hiểu xem họ đang có suy nghĩ, cảm nhận gì về sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp và về cách mà doanh nghiệp đang quảng cáo hay tiếp thị hướng đến họ.