FastShip học từ vấp ngã

FastShip học từ vấp ngã

Thất bại từ việc vận hành bưu cục nhượng quyền giúp Phạm Văn Hoàng tăng tốc với FastShip, công ty nhượng quyền bưu cục của chính mình.

Tháng 1/2022, FastShip đi vào hoạt động. Theo thông tin công ty công bố, hiện tại mạng lưới nhượng quyền bưu cục đã lên tới 200 điểm ở 63 tỉnh, thành. Nếu đúng như vậy, đây là con số ấn tượng đối với một startup trẻ như FastShip.

Tại Việt Nam, mô hình nhượng quyền bưu cục nổi lên khoảng 4 năm, được khởi xướng bởi các hãng vận chuyển thương mại điện tử nước ngoài. Do gia nhập thị trường chậm so với các nhóm nội như Giao Hàng Tiết Kiệm hay Giao Hàng Nhanh (Scommerce) nên tăng mạng lưới bưu cục, nhượng quyền là cách nhanh nhất. Việt Nam cũng tham gia với SuperShip và nay có thêm FastShip.

FastShip học từ vấp ngã

Việc thành lập FastShip đến từ bài học lỗ 2 tỉ đồng đầu tư mua nhượng quyền bưu cục của anh Phạm Văn Hoàng. Không tiết lộ đơn vị bán nhượng quyền, anh chỉ cho biết rất nhiều thách thức mà các đơn vị mua nhượng quyền bưu cục không lường trước được nên việc đạt được mục tiêu kinh doanh rất khó.

Lấy ví dụ, yêu cầu của đơn vị nhượng quyền là mặt bằng phải lớn, khoảng 100 m2, chi phí thuê ở tỉnh khoảng 9 triệu đồng, còn ở thành phố ít nhất gấp đôi. Cộng thêm phí vận hành bưu cục như nhân viên, máy móc (không tính chi phí nhượng quyền) thì mỗi bưu cục ở tỉnh phải gánh chi phí 50 triệu đồng/tháng và khoảng 70 triệu đồng/tháng ở các thành phố lớn. Trong khi đó, một đơn hàng nếu vận hành và phát triển kinh doanh tốt sẽ lãi được 5.000 đồng. Như vậy, để đạt được thu nhập ổn định, mỗi bưu cục phải xử lý cả ngàn đơn hàng mỗi ngày, một con số không dễ đạt được.

Đã vậy, các công ty bán nhượng quyền để có quy mô giao hàng lớn thì thường hợp tác với các sàn thương mại điện tử và nhóm này có chính sách phạt đơn giao trễ rất nặng và áp lực đó được chuyển xuống cho đơn vị mua nhượng quyền. “Giống như một vận động viên thể thao chạy 100 m là 12 giây. Họ muốn tôi, một người bình thường chạy 100 m với thời gian giảm một nửa”, anh Hoàng ví von.

Anh cho biết thêm, với mô hình nhượng quyền, dòng tiền đến từ 3 nguồn: phí nhượng quyền, ký quỹ và hoa hồng trên mỗi đơn hàng. Trong đó, ký quỹ là dòng tiền tạm ứng niềm tin, không lạm dụng được.

Dù có nhiều thách thức nhưng vận hành bưu cục nhượng quyền vẫn hấp dẫn nhờ tốc độ phát triển của thương mại điện tử Việt Nam và doanh thu giao nhận ước chiếm 10% doanh thu thương mại điện tử hằng năm. Mô hình này đặc biệt có sức hút với các đối tác ở tỉnh, vì đó là cách họ khai thác mặt bằng tốt nhất. Và đây chính là cơ hội của FastShip.

Vì thế, trong khi các đơn vị như J&T hay Best Express thu hút đối tác nhượng quyền bằng thông điệp như “3 tháng hoàn vốn” thì FastShip kéo đối tác về phía mình bằng cách giúp họ tối ưu chi phí. Để đảm bảo nguồn lực trong giai đoạn hiện tại, FastShip tạm thời không nhận đơn hàng từ các sàn thương mại điện tử. Với khách hàng ở tỉnh, bên cạnh tìm kiếm khách hàng mới, anh Hoàng nhấn mạnh vào việc tối ưu vận hành bằng công nghệ. Với khách hàng ở TP.HCM và Hà Nội, vốn chiếm 10% toàn mạng lưới, FastShip đóng vai trò nền tảng công nghệ hỗ trợ tiếp thị và chăm sóc khách hàng cho các bưu cục trực thuộc.

FastShip học từ vấp ngã

Được biết, trước khi khởi nghiệp với FastShip, anh Phạm Văn Hoàng từng làm quản lý ở Best Express, công ty thức ăn chăn nuôi và khởi nghiệp với một doanh nghiệp kinh doanh nấm linh chi. Đặc biệt ở Best Express, anh bắt đầu từ vị trí giao hàng để học cách vận hành bưu cục. Mặc dù vậy, FastShip vẫn không tránh khỏi sai lầm chí mạng. Chỉ 6 tháng sau khi thành lập, Công ty hụt dòng tiền 5 tỉ đồng dù đơn hàng toàn hệ thống đạt 10.000 đơn/ngày và vẫn tăng nhanh. “Lựa chọn đồng đội không phù hợp, phát triển nhanh trong khi nền tảng quản lý không theo kịp là những lỗi startup nào cũng biết, cũng được cảnh báo nhưng kiểu gì cũng phạm phải trong quá trình phát triển”, anh Hoàng nói.

Đã có một doanh nghiệp Ấn Độ đề nghị mua lại Công ty nhưng sau khi ngồi lại bàn bạc với các đối tác nhượng quyền lớn nhất, anh đã nhận được sự hỗ trợ để bù vào dòng tiền đã mất, nhờ đó không phải bán doanh nghiệp. Có 2 lý do mà anh Hoàng cho rằng anh nhận được sự giúp đỡ của các đối tác. Thứ nhất, không ai muốn bỏ lỡ cơ hội đồng hành cùng sự phát triển của thương mại điện tử Việt Nam. Thứ 2, FastShip cho thấy cơ hội làm chủ thị trường của họ, với các điều kiện công bằng hơn. “Chúng tôi xem vấp ngã trong lúc hệ thống còn chưa quá lớn, thiệt hại có thể dàn xếp được là điều may mắn”, anh Hoàng nói.

Hiện tại, FastShip đang tìm nguồn tăng trưởng mới từ việc gia tăng mạng lưới nhượng quyền lên gấp đôi trong năm sau và mở rộng hợp tác với các nhãn hàng. Với mục tiêu mở rộng nhãn hàng, anh Hoàng tin rằng bán hàng qua các bưu cục là kênh hữu hiệu và cạnh tranh nhất đối với các thương hiệu mới vào Việt Nam và muốn mở rộng thị phần ở các vùng nông thôn. Công ty sẽ mở thêm dịch vụ Fulfillment (trữ sẵn hàng của doanh nghiệp ở các khu vực có nhu cầu cao dựa trên dữ liệu giao hàng để giảm thời gian và chi phí giao nhận) cho các nhãn hàng. FastShip đang trong quá trình hợp tác với các nhãn hàng cho mục tiêu này.

Tháng 8/2022 FastShip đã hợp tác với Ngân hàng MB để cung cấp nguồn vốn lưu động cho các đối tác mua nhượng quyền. Việc hợp tác này không chỉ giúp mở rộng đối tác mới mà còn duy trì các đối tác cũ gắn bó với FastShip. “Nâng mạng lưới lên 400 bưu cục là con số chúng tôi đang hướng đến trong năm nay”, anh Hoàng nói.

Huy Vũ
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư