Nới room tín dụng, giải cơn khát vốn
Doanh nghiệp nhiều ngành đối mặt với rủi ro khi không thể tiếp cận được các khoản vay mới.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, dù 6 tháng đầu năm, xuất khẩu có nhiều kết quả tích cực, nhưng doanh nghiệp thuỷ sản lại đang lo lắng cho những tháng còn lại của năm. Bởi vì, tín dụng đang bị siết chặt từ đầu tháng 8, trong khi đó, lạm phát tăng cao khiến nhu cầu thế giới sụt giảm.
Vì vậy, hàng tồn kho của doanh nghiệp sẽ tăng, không thể trả tiền ngay cho ngân hàng, dẫn tới không thể vay khoản mới để thu mua cá, tôm của nông dân. Vì vậy, khi các hội viên rơi vào tình cảnh rủi ro vì thiếu vốn nghiêm trọng, VASEP đã phải gửi kiến nghị về việc không thể tiếp cận khoản vay mới tới Thủ tướng Chính phủ.
Cũng chung tình cảnh, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cũng cho biết đang rất cần sự hỗ trợ về mặt tài chính khi đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu chững lại, dòng tiền gặp khó khăn. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho hay, trong cuộc khảo sát 2 tuần vừa qua, có 33 trong số 45 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ thừa nhận mức doanh thu giảm gần 40% so với các tháng đầu năm. Đặc biệt, khoảng 71% doanh nghiệp cho biết tình hình đơn hàng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giảm. Đại diện Hawa cho biết, chưa có doanh nghiệp hội viên nào được tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Hai hiệp hội có kim ngạch xuất khẩu lớn đều phản ánh khó khăn do thiếu vốn sau khi trải qua đại dịch trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa thể đến tay họ. Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Phạm Ngọc Hưng giải thích, doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vì không có tài sản thế chấp; báo cáo tài chính cần 2 hoặc 3 năm liền có lãi nhưng mùa dịch thì không thể làm ăn có lãi, không thể chứng minh dòng tiền khi thị trường khó khăn như hiện tại.
Theo báo cáo mới đây do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) điều tra với hơn 12.000 doanh nghiệp Việt Nam cho thấy, 57% doanh nghiệp được hỏi cho biết khó tiếp cận gói chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng và giãn thời gian cho vay. Chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết, thậm chí doanh nghiệp đang sợ không có vốn để quay vòng sản xuất nên không dám trả nợ đúng hạn. Xu hướng này làm gia tăng nguy cơ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng nếu tình hình này tiếp diễn. “Khi cả cấu trúc vốn bị đóng băng, hậu quả sẽ vô cùng nguy hiểm với nền kinh tế”, ông Thịnh nhận định.
Theo báo cáo nhanh từ các ngân hàng thương mại, sau 3 tháng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước, gần 550 khách hàng được hỗ trợ. Ước tính đến hết tháng 8, số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 13,5 tỉ đồng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank, thẳng thắn nhận định, với quy định hiện hành, khả năng ngân hàng này không giải ngân hết 700 tỉ đồng được phân bổ là điều bình thường.
Thực tế, ngân hàng cũng không thể dễ dãi cho vay vì rủi ro nợ xấu, an toàn hệ thống. Chưa kể, room tín dụng của các ngân hàng đang bị giới hạn trong khi Nghị định 31 quy định ngân hàng thương mại phải tự đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng. Vì vậy, các ngân hàng cho rằng chính sách cũng cần hướng dẫn chi tiết, cụ thể về khả năng phục hồi của khách hàng để các ngân hàng thương mại yên tâm triển khai cho vay và hỗ trợ 2% lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.
Quan trọng nhất, nếu không được nới room tín dụng ngay, các ngân hàng sẽ cực kỳ khó giải ngân gói lãi suất 2%. Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022 đạt 9,4% so với đầu năm, cao hơn mức tăng 6,4% của cùng kỳ năm trước. Diễn biến theo tháng cho thấy tín dụng tăng tốc khá mạnh cho đến cuối tháng 6, nhưng sau đó đã chững lại đáng kể do Ngân hàng Nhà nước chưa cấp room tín dụng.
Vào cuối tháng 7, Ngân hàng Nhà nước cho biết vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Vì vậy, các ngân hàng thương mại lớn đã đồng loạt lên tiếng xin nới room và kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.
“Theo tôi, không nên chờ đến quý IV hoặc cuối năm khi giá cả, lạm phát êm rồi mới nới room tín dụng. Bởi vì làm như vậy sẽ quá trễ so với nhu cầu phục hồi thực của nền kinh tế và của doanh nghiệp. Không nới room kịp thời thì cũng sẽ khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, kiến nghị.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, nếu ngành ngân hàng tăng room tín dụng thì vẫn cần dè chừng hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản tăng thâm dụng vốn, nguy hại cho nền kinh tế.
Hoàng Hà
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư