Chủ tịch Hội đồng Quản trị Seedcom: Thử, sai và tăng tốc
Đầu tháng 8, Seedcom công bố thương vụ phân phối sữa dê Kabrita thông qua hợp tác giữa công ty con New Retail CPG và Ausnutria (trụ sở chính ở Hà Lan).
Ông Đinh Anh Huân cho biết dù dịch bệnh đẩy lùi mọi thành quả về thời điểm năm 2019, nhưng các đơn vị của Seedcom đã trở lại và sẵn sàng tăng tốc trong năm 2023.
Đầu tháng 8, Seedcom công bố thương vụ phân phối sữa dê Kabrita thông qua hợp tác giữa công ty con New Retail CPG và Ausnutria (trụ sở chính ở Hà Lan). Cùng thời điểm đó, một công ty mới của Seedcom là SeedLog chuyên về dịch vụ hậu cần cũng được tiết lộ.
Sau một loạt điều chỉnh mạnh về mô hình kinh doanh của các công ty trực thuộc vì ảnh hưởng của dịch bệnh, Seedcom đang tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh của mình. Ông Đinh Anh Huân, sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Seedcom, đã trao đổi với NCĐT về các chiến lược phát triển của Công ty sau đại dịch.
Bốn giai đoạn của Seedcom
* Vì sao Seedcom tham gia phân phối sữa, một lĩnh vực Công ty chưa từng có kinh nghiệm?
Có 2 lý do cho việc này. Thứ nhất, sữa dê là dòng sản phẩm cao cấp, nhiều doanh nghiệp cũng đang tiến dần đến phân khúc này để phục vụ tầng lớp trung lưu ở Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp nào chiếm thị phần tuyệt đối.
Một nghiên cứu của đối tác phân phối của chúng tôi là mỗi năm có 35% bà mẹ sẽ đổi sữa cho con và 10% bị thu hút bởi các nhãn hàng khác. Tức là có 45% cơ hội cho các doanh nghiệp cả mới lẫn cũ tham gia thị trường này.
Thứ đến, New Retail CPG là công ty đại diện Seedcom phân phối các sản phẩm của Việt Nam và nước ngoài. Việc một tập đoàn sữa có hơn 100 năm tuổi hợp tác với doanh nghiệp có số tuổi trẻ hơn họ 50 lần vì các lợi thế có được nhờ công nghệ cũng là một trong những cách tốt nhất để gia tăng vị thế New Retail CPG trong chiến lược sắp tới của chúng tôi.
* Cùng thời điểm với New Retail CPG, Seedcom còn thành lập công ty mới SeedLog, chuyên về hậu cần. Vì sao Công ty lại tham gia mảng này?
SeedLog là công ty có năng lực quản trị hàng tồn kho, vận hành hệ thống kho bãi. Đây là các năng lực quan trọng nhất đối với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Chúng tôi có thương hiệu thời trang Juno, Hnoss, có chuỗi siêu thị Kingfoodmart, New Retail CPG... đều là các đơn vị bán lẻ có nhu cầu về kho bãi. Việc tập hợp lại sẽ cho chúng tôi lợi thế về quy mô, tối ưu được diện tích thuê cũng như đảm bảo các tiêu chuẩn xử lý hàng hoá tươi sống hay nguyên liệu nhập cảng.
Chúng tôi cũng không thấy khó khăn trong việc thuê mướn kho bãi tập trung. Cơ sở hạ tầng Việt Nam đang và sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới, cao tốc mở ra nhiều hơn, việc thu phí không dừng cũng sẽ góp phần làm giảm đáng kể thời gian giao thương hàng hoá nên việc sử dụng kho tập trung sẽ sớm không còn là vấn đề.
* Thời trang vẫn là một trong các mảng sôi động nhất của Seedcom trong thời gian qua. Seedcom từng đầu tư vào Eva de Eva và sau đó rút khỏi doanh nghiệp này. Động thái này cho thấy điều gì?
Trước khi gia nhập vào mảng thời trang, chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm về ngành này nên chỉ có cách thử và học. Và bài học nào cũng phải trả phí (cười).
* Cho đến thời điểm hiện tại, các công ty của Seedcom như thế nào?
Seedcom thành lập từ năm 2014, đến nay đã là năm thứ 8. Chúng tôi chia Công ty làm 4 giai đoạn phát triển.
Giai đoạn 1 là từ năm 2014-2018. Đây là giai đoạn “Thử và Sai”. Thời điểm không ai hiểu chúng tôi là ai và đôi khi bị nhìn nhận thành một quỹ đầu tư.
Giai đoạn này chúng tôi thử làm rất nhiều thứ, thử và sai rất nhiều mô hình.Mục tiêu ở giai đoạn này là chúng tôi đã nỗ lực thiết lập các mô hình kinh doanh. Giai đoạn này giúp chúng tôi nhận định rõ để biết thế mạnh Seedcom là ở đâu, chúng tôi có những cơ hội nào, điểm yếu của chúng tôi là gì để tránh những hướng đi không có lối ra.
Giai đoạn 2 là từ năm 2018-2021. Chúng tôi gọi giai đoạn này là “Hội tụ và Tập trung”. Đến lúc này, chúng tôi đã biết mình có thế mạnh, cơ hội nào. Nhận thức rõ những việc nên làm, những việc nào không. Đây là giai đoạn Seedcom sẽ rút rất nhanh ra khỏi tất cả các thương vụ đầu tư mà không phải là thế mạnh của mình.
Đây cũng là giai đoạn chúng tôi có những thay đổi rất lớn về nhân sự, về mô hình kinh doanh của các công ty, đặc biệt là chuẩn bị các năng lực cần thiết cho sự phát triển ở giai đoạn sau. Dịch bệnh có tác động tiêu cực đến các mô hình kinh doanh của Seedcom, nhưng về mặt tích cực cũng cho chúng tôi có rất nhiều thời gian suy nghĩ thật kỹ về việc mình phải làm trong giai đoạn này.
Ảnh: Quý Hoà
Giai đoạn 3 là từ năm 2022-2025, được gọi là giai đoạn “Tăng tốc”. Theo đó, chúng tôi tập trung tăng tốc phát triển những việc đang làm. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng cả về lợi nhuận lẫn doanh thu 500% trong giai đoạn này, đồng thời hoàn thiện năng lực, kỹ năng, khả năng cùng với bộ sản phẩm, thương hiệu mạnh, chuẩn bị trước khi vươn ra thị trường thế giới.
Giai đoạn 4 cũng là khát vọng của tôi khi thành lập Seedcom: Xuất khẩu những mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam ra thế giới. Hiện tại, chúng tôi đang bước một chân vào giai đoạn 3.
Rút khỏi những ngành không phải thế mạnh
* Tháng 12/2021, Seedcom nhượng lại Cầu Đất Farm cho Nova Consumer. Đó có phải là vấn đề về nguồn vốn không?
Seedcom đầu tư Cầu Đất Farm từ năm 2015, đây là giai đoạn 1. Vì thế, khi bước sang giai đoạn 2, chúng tôi đã hiểu rõ giới hạn của mình. Cầu Đất Farm liên quan đến bất động sản du lịch, sản xuất nông nghiệp. Tất cả đều không phải là thế mạnh của Seedcom. Trong chiến lược phát triển hiện tại và tương lai, chúng tôi không hoạt động ở những lĩnh vực này và đó là lý do chúng tôi thoái vốn khỏi Cầu Đất Farm, chuyển giao cho đơn vị khác có năng lực tốt hơn để vận hành và phát triển.
Bù lại, Cầu Đất Farm là nơi chúng tôi thực hiện nghiên cứu và chuẩn hoá mô hình From Farm to Cup, từ đó áp dụng các kỹ thuật canh tác phù hợp. Sau này chúng tôi còn mở rộng tìm kiếm các vùng nguyên liệu khác và nhân rộng mô hình, từ đó tạo được mối liên kết mạnh mẽ với nông dân, hợp tác theo tiêu chuẩn của Seedcom và chúng tôi bao tiêu đầu ra. The Coffee House, CPG hiện nay còn sử dụng nguồn cà phê từ Đắk Lắk, Buôn Ma Thuột, không chỉ có Cầu Đất Farm.
Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2023 là có lãi.
* Trong mục tiêu đó, ông e ngại nhất điều gì?
Tôi sợ mình bị nút thắt cổ chai trong giai đoạn này. Chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu Seedcom năm 2025 tăng gấp 5 lần so với đầu năm 2022. Để làm được việc đó, bản thân tôi phải phát triển nhanh hơn Công ty rất, rất nhiều.
Tôi có may mắn là làm việc với rất nhiều người giỏi trong Seedcom. Họ giúp tôi không ngừng phát triển bản thân.
* So với thời điểm thành lập Seedcom và thời điểm hiện tại, ông thấy bản thân có những thay đổi như thế nào?
Tôi nghĩ là trách nhiệm ngày càng lớn hơn. Giai đoạn 1 tôi có thể làm những gì mình muốn, đầu tư những gì mình thích vì cùng lắm là chỉ ảnh hưởng đến tiền của cá nhân. Nhưng đến giai đoạn này thì không còn nữa, có những thứ tôi thích nhưng không được làm và ngược lại (cười).
Seedcom là tập thể có chung ước mơ mang Thương hiệu Việt Nam ra thế giới. Để làm được việc này, chúng tôi phải là đơn vị mạnh về thương hiệu, sản phẩm và nền tảng tài chính.
Nhiệm vụ của tôi là phải dẫn dắt cộng sự của mình đi đến kết quả tốt nhất có thể và hiện thực hoá giấc mơ chung này, chứ không chỉ của riêng tôi.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư