McDonald’s, xin mời vào

Ngày 15/7, trên trang web toàn cầu của mình, McDonald’s chính thức công bố, doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng, nhà sáng lập Công ty Good Day Hospitality, trở thành đối tác nhượng quyền để phát triển thương hiệu này tại Việt Nam. Cửa hàng McDonald’s đầu tiên tại TP.HCM dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2014.

McDonald’s, xin mời vàoĐặt cược vào đông nam Á

“Nguyễn Bảo Hoàng là một đối tác lý tưởng và đáng tin cậy. Chúng tôi rất ấn tượng với bề dày kinh nghiệm và thành quả của ông ấy trong việc gầy dựng ngay từ bước đầu và điều hành nhiều công việc kinh doanh tại Việt Nam”, ông Dave Hoffmann, Chủ tịch McDonald’s khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, nói.

Việc chọn được đối tác nhượng quyền nhanh chóng đã giúp thương hiệu này đẩy nhanh tiến độ thâm nhập thị trường Việt Nam sớm hơn 2 năm so với dự kiến.

Trong khi đó, bài viết “McDonald’s mang Big Mac đến Việt Nam” của tác giả Jeremy Grant trên trang web của Financial Times ngày 16/7 tiết lộ một thông tin khá thú vị: “Thương hiệu này đã để mắt tới Việt Nam cách đây hơn một thập niên. Nhưng tình trạng thiếu nguồn cung thịt bò nội địa cùng cơ sở hạ tầng yếu kém chứng tỏ thị trường chưa sẵn sàng cho McDonald’s”.

Như vậy, với hợp đồng nhượng quyền của Nguyễn Bảo Hoàng, có thể hiểu giờ đây thị trường Việt Nam đã chín muồi, hay do McDonald’s nôn nóng gia nhập?

Theo thông tin từ BBC, quý I năm nay, tổng doanh số trên toàn cầu của McDonald’s đã sụt giảm 1% so với cùng kỳ năm trước. Môi trường kinh doanh đầy thách thức sau mùa Đông khắc nghiệt ở Mỹ và châu Âu vừa qua là nguyên nhân của sự sụt giảm này, McDonald’s giải thích.

Thêm vào đó, chuỗi thức ăn nhanh này còn phải chịu áp lực lớn từ các đối thủ của mình.

Yum! Brands, đơn vị sở hữu các thương hiệu Taco Bell, KFC và Pizza Hut trên toàn cầu thời gian qua đã thay đổi thực đơn theo hướng giúp người tiêu dùng tiết kiệm hơn, đánh thẳng vào mô hình Dollar Menu với giá bán chỉ từ 1-2 USD của McDonald’s.

Hiện McDonald’s là chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh lớn thứ hai thế giới với 34.500 cửa hàng, phục vụ hơn 69 triệu khách hàng tại hơn 100 quốc gia mỗi ngày. Trong đó, hơn 80% cửa hàng McDonald’s trên toàn cầu được sở hữu và điều hành bởi các cá thể độc lập tại địa phương - Nguồn: McDonald’s

Vì vậy, quyết định thâm nhập Việt Nam, thị trường thứ 38 tại châu Á, là một động thái phù hợp có thể giúp McDonald’s tái cơ cấu doanh thu trên toàn cầu. Năm qua, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi đã đóng góp gần 25% doanh số toàn cầu của McDonald’s.

Nhưng ngay cả ở thị trường này McDonald’s cũng đang phải cạnh tranh kịch liệt với Yum! Brands. Vào Ấn Độ và Trung Quốc trước cả McDonald’s, số lượng cửa hàng của Yum! Brands tại Trung Quốc hiện đã hơn 4.500, gấp gần 5 lần con số của McDonald’s.

Tỉ lệ này ở Ấn Độ là 374/270. Vì thế, không khó hiểu khi McDonald’s đặt cược vào khu vực Đông Nam Á, với kế hoạch mở mới 750 cửa hàng chỉ trong vòng 2 năm tới.

Những cảnh báo

Theo tính toán của một số doanh nghiệp thức ăn nhanh trong nước, mức phí ban đầu để ký hợp đồng nhượng quyền McDonald’s tại Việt Nam không dưới 45.000 USD, chưa kể hơn 20 khoản khác gồm cả phí dịch vụ trả cho chủ thương hiệu chiếm 4% doanh thu cùng phí quảng cáo cũng ít nhất 4% doanh thu.

Tổng vốn đầu tư (phí chuyển nhượng, thuê mặt bằng, thiết bị, trang trí nội thất...) cho mỗi cửa hàng McDonald’s có thể từ 214.000 USD đến 2,1 triệu USD. Đây chính là thách thức lớn nhất đối với mục tiêu mở 100 cửa hàng McDonald’s tại Việt Nam trong tương lai.

Trong khi đó, với lợi thế đến trước, một số thương hiệu thức ăn nhanh toàn cầu cạnh tranh với McDonald’s như KFC, Lotteria và Burger King đang củng cố chỗ đứng tại Việt Nam.

“Năm nay, chúng tôi sẽ mở thêm 50 cửa hàng và 30% trong số này là ở các tỉnh, thành ngoài TP.HCM như khu vực miền Tây, Đà Lạt...”, ông Trương Hàm Liêm, Trưởng phòng Marketing Lotteria Việt Nam, nói.

KFC và Jollibee cũng đang đẩy mạnh chiến lược phát triển chuỗi tại Việt Nam. Ông Graham Allen, Chủ tịch Yum Restaurant International, đơn vị sở hữu KFC, từng chia sẻ mục tiêu sẽ đạt 180-190 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2014. Jollibee Việt Nam thì kỳ vọng đạt 100 cửa hàng sau 5 năm.

McDonald’s, xin mời vào

Số cửa hàng của nhóm các chuỗi thức ăn nhanh hàng đầu tại Việt Nam

Không chịu thua kém, sau khi mở cửa hàng Burger King đầu tiên bằng hợp đồng mua nhượng quyền hồi cuối năm 2012, Công ty Dịch vụ Thực phẩm và Giải khát Việt Nam thuộc Tập đoàn IPP đã nhanh chóng triển khai chiến lược phát triển chuỗi.

Với tốc độ mở từ 3-4 cửa hàng mỗi tháng, hiện chuỗi Burger King đã có 18 cửa hàng. Thời gian qua, Burger King sẵn sàng chi giá cao để thuê lại mặt bằng đắc địa nhằm đẩy nhanh tiến độ mở rộng.

Cụ thể, mặt bằng của KFC tại ngã tư Nguyễn Đức Cảnh - Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM, gần đây được Burger King thuê lại với giá 10.000 USD/tháng, cao hơn 21% so với mức KFC từng thuê.

Một thách thức khác tưởng chừng là nhỏ đối với McDonald’s nhưng lại rất quan trọng tại Việt Nam là món khoai tây chiên. Món này là một phần không thể thiếu trong thực đơn và hiện chiếm tỉ trọng doanh số khá lớn của McDonald’s.

Tuy nhiên, mức thuế nhập khẩu khoai tây của Việt Nam hiện khá cao. Ông J.Simplot, một chuyên gia nông nghiệp của Phòng Thương mại Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2007 từng phát biểu: “Đặc trưng của khoai tây Mỹ là dài, còn khoai tây Việt Nam lại tròn, do vậy các chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ muốn giữ đặc trưng món khoai tây chiên của mình sẽ phải đối diện với thử thách rất lớn về chi phí”.

Đầu năm nay, cửa hàng gà rán Pop-Eyes Louisiana (Mỹ) tại Trung tâm Thương mại Vincom B do Tập đoàn IPP nhượng quyền đã phải đóng cửa do kinh doanh ế ẩm.

Mới nhất, cửa hàng Gloria Jean’s Coffee tại Vincom A cũng rút lui với lý do tương tự. Đây chính là những cảnh báo đầu tiên đối với McDonald’s về thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam vốn không chỉ có màu hồng.

Nguồn Doanh Nhân Sài Gòn