Vốn vào đẩy vốn ra
Thị trường trong nước bão hoà cùng các FTA thế hệ mới đang thúc đẩy dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
Trong 7 tháng năm 2022, đã có 12 ngành được nhà đầu tư Việt Nam đầu tư tại nước ngoài, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 10 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư trên 218,4 triệu USD, chiếm 60,9% tổng vốn đầu tư.
Năm trước đó, lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài ghi nhận khoản đầu tư của Vingroup với 4 dự án ra nước ngoài, ở Pháp, Hà Lan, Canada và Singapore; tăng vốn đầu tư ở Mỹ, Đức, với tổng cộng gần 450 triệu USD. Khoản đầu tư lớn của Vingroup vào dự án VinFast đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của dòng vốn đầu tư đi ra từ Việt Nam. Đây là dòng vốn nhắm đến lĩnh vực công nghệ cao, không như khoản đầu tư vào lĩnh vực khai khoáng, tài nguyên của nhiều doanh nghiệp nhà nước.
Số liệu gần nhất cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt đã chuyển khoản lợi nhuận hơn 3 tỉ USD về nước. Đáng chú ý, luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, Viettel Global đạt 11.287 tỉ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 17% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng gấp 3,5 lần lên 3.159 tỉ đồng. Trong các thị trường mà Viettel Global đầu tư và hợp nhất doanh thu, khu vực Đông Nam Á và Châu Phi vẫn đóng góp chính. Quý II/2022, doanh thu của thị trường Đông Nam Á đạt 2.760 tỉ đồng, châu Phi 2.483 tỉ đồng, Mỹ Latinh 720 tỉ đồng. Doanh nghiệp này vẫn đang giữ vị trí dẫn đầu trong mảng viễn thông tại Campuchia, Lào, Đông Timor và Burundi.
Hoạt động đầu tư, kinh doanh tại nước ngoài cũng trở thành điểm sáng tăng trưởng của Vinamilk. Các chi nhánh nước ngoài ghi nhận doanh thu thuần 1.045 tỉ đồng, tiếp tục tăng mạnh 21,7% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng đến từ cả 2 công ty con tại nước ngoài là Driftwood và Angkormilk, lần lượt tăng 40% và 20%. Hiện Vinamilk sở hữu 5 công ty thành viên tại nước ngoài.
Ở trong nước, thị phần của Vinamilk hiện đã khá cao, gần 60% nên khó có thể mở rộng hơn nữa. Vì vậy, nhiều năm qua, Vinamilk ưu tiên tìm kiếm cơ hội M&A với các công ty sữa tại những quốc gia khác nhằm mở rộng thị trường và tăng doanh số. Vinamilk cũng tiếp tục thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới cùng chiến lược chuyển đổi mô hình xuất khẩu hàng hoá truyền thống sang hình thức hợp tác sâu với các đối tác phân phối tại các thị trường trọng điểm mới. Việc sở hữu cơ sở sản xuất địa phương tại các quốc gia này giúp Vinamilk tiết kiệm chi phí vận chuyển, do đó giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng như sức mua ổn định hơn so với xuất khẩu trực tiếp.
Thế Giới Di Động cũng là nhà bán lẻ thiết bị di động và điện tử tiêu dùng có số lượng cửa hàng và doanh số lớn nhất tại Campuchia. Tính đến cuối năm 2021, Thế Giới Di Động có khoảng 50 cửa hàng ở nước ngoài và thu về gần 500 tỉ đồng, tương đương 0,4% tổng doanh thu. Công ty này có kế hoạch chinh phục thị trường khu vực, trong đó năm nay có cửa hàng đầu tiên tại Indonesia. Thị trường mới tại các nước giúp Công ty giải quyết bài toán tăng trưởng trong nhiều năm tới sau khi đã giành được vị trí dẫn đầu tại thị trường Campuchia.
Thế Giới Di Động mở rộng ra khu vực trước sự bão hoà của thị trường điện thoại di động, điện máy nói chung tại Việt Nam. Hiện chuỗi Điện Máy Xanh đang chiếm khoảng 48% thị phần điện máy trong nước. “Điện Máy Xanh chiếm khoảng 60% thị phần là hết, khó có thể phát triển thêm. Do đó, chúng tôi tìm cách mở rộng sang thị trường nước ngoài”, đại diện của Thế Giới Di Động cho biết. Những quốc gia được nhắm đến là Indonesia, Myanmar, Philippines, thậm chí Thái Lan.
Trước đây, những khoản đầu tư truyền thống vào khai khoáng, tài nguyên, nông nghiệp… tại thị trường nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ. Nguyên nhân chính nằm ở năng lực quản lý, quản trị rủi ro, dự báo thị trường, kinh nghiệm trong đầu tư ra nước ngoài… Trong khi đó, ở những lĩnh vực mới, nhiều doanh nghiệp đã có thành công, giúp họ tự tin mở rộng hơn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho biết các doanh nghiệp Việt đang tích cực đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là đầu tư vào các thị trường quen thuộc như Lào, Campuchia, Myanmar. Đây là thời cơ tốt vì đầu tư ra nước ngoài ở thời điểm hiện tại chắc chắn sẽ nắm được những lợi thế trong thâm nhập thị trường.
Trong khi đó, áp lực mở cửa trước các hiệp định tự do thương mại (FTA) thế hệ mới cũng là động lực để doanh nghiệp Việt mạnh dạn bước ra khỏi sân nhà, mở rộng đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. Với kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 668,5 tỉ USD, Việt Nam trở thành 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Luật Ðầu tư (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng tạo cơ hội thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt. Ngoài ra, mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiến nghị Chính phủ giao cơ quan chức năng rà soát, đánh giá xu hướng đầu tư ra nước ngoài đối với một số lĩnh vực kinh doanh bất động sản, đầu tư của cá nhân, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đầu tư ra nước ngoài nhằm có giải pháp quản lý và xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh.
Minh Đức
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư