World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,5% năm 2022

World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,5% năm 2022

Kinh tế Việt Nam đã tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến và các ngành dịch vụ phục hồi nhanh.

Trong báo cáo ngày 8/8 của World Bank (WB) Việt Nam, các chuyên gia cho biết: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2021, 5,1% trong quý I/2022, và 7,7% trong quý II/2022, khi người tiêu dùng thoả mãn những nhu cầu dồn nén trước đó và số lượt du khách quốc tế gia tăng.

Tuy nhiên, triển vọng tích cực trên vẫn phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng, đe doạ đến viễn cảnh phục hồi.

Rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hoá thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro cao hơn trong khu vực tài chính.

WB cho rằng rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực khi lạm phát cơ bản tăng tốc, và chỉ số giá tiêu dùng vượt quá mục tiêu 4% do chính phủ đặt ra.

World Bank dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 7,5% năm 2022

Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam đã tăng tốc trong 6 tháng vừa qua, nhờ khu vực chế tạo chế biến đứng vững và các ngành dịch vụ phục hồi.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc WB tại Việt Nam, để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ mong muốn, Việt Nam cần tăng năng suất ở mức 2-3% mỗi năm.

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tăng năng suất lao động chỉ có thể đạt được bằng cách đầu tư cho hệ thống giáo dục. Lực lượng lao động có năng lực cạnh tranh sẽ đem lại hiệu suất là yếu tố Việt Nam rất cần trong dài hạn”, Giám đốc WB Việt Nam nhấn mạnh.

Đổi mới hệ thống giáo dục đại học là chìa khoá để nâng cao năng suất của Việt Nam và giúp hoàn thành mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt tỷ lệ nhập học đại học bình quân tương đương ở các nền kinh tế thu nhập trung bình cao, Việt Nam cần tuyển sinh 3,8 triệu sinh viên vào các cơ sở giáo dục đại học, gần gấp đôi so với chỉ tiêu tuyển sinh năm 2019.

Tuy nhiên, thực trạng chi phí tài chính cho việc học đại học ngày càng lớn và nhận định về lợi suất kinh tế giảm dần nếu theo học đại học là những lý do khiến cho nhu cầu trở nên yếu đi.

Nguồn Nhịp cầu Đầu tư