Bán lẻ chuyển mình

Bán lẻ chuyển mình

Sự lấn lướt của các nhà bán lẻ ngoại cũng đã trở thành động lực cho các nhà bán lẻ trong nước tích cực triển khai chiến lược tái cấu trúc.

Có thể nhận thấy rõ sự thay đổi của thị trường bán lẻ qua 3 xu hướng: bán lẻ hiện đại chiếm ưu thế; cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các đối thủ có quy mô ngày càng lớn; sự thay đổi theo xu hướng phát triển công nghệ, thương mại điện tử.

Đằng sau sự đóng cửa hàng loạt cửa hàng bán lẻ

Theo đó, bán hàng đa kênh đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong chiến lược tái cấu trúc của các nhà bán lẻ. Tập đoàn bán lẻ lớn nhất Thái Lan Central Group bất ngờ công bố kế hoạch đầu tư gần 828 triệu USD vào Việt Nam để tăng doanh số bán hàng tại đây lên hơn 2,7 tỉ USD trong 5 năm tới, cao hơn nhiều so với mức 1 tỉ USD trong năm 2021.

Với khoản đầu tư này, Central Retail muốn tăng gấp đôi tỉ lệ doanh số bán hàng đa kênh lên 15% so với mức 8% hiện nay. Đại gia bán lẻ của Thái Lan đặt mục tiêu trở thành nền tảng bán lẻ đa kênh hàng đầu trong các lĩnh vực thực phẩm và bất động sản tại Việt Nam. Trước đó không lâu, Central Retail đổi tên hệ thống siêu thị Big C thành Tops Market và GO!.

Bán lẻ chuyển mình

Tập đoàn Masan cũng đang bước vào giai đoạn tăng tốc cho hệ thống bán lẻ sau khi hoàn tất chuyển đổi thương hiệu và tái cấu trúc thành công. Từ đầu năm 2022 đến nay, Masan đã mở mới hơn 300 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+ trên toàn quốc, sau khi cho đóng cửa 400 cửa hàng hoạt động không hiệu quả. Những cửa hàng WinMart bị đóng cửa có tỉ lệ doanh thu/m2 thấp hơn gần 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hoà vốn tại cửa hàng. Masan đặt mục tiêu sẽ tăng tốc mở thêm 800 siêu thị và cửa hàng WinMart, WinMart+ để nâng tổng số lên 3.800 điểm bán vào cuối năm 2022.

Đáng chú ý, chuỗi Bách hoá Xanh của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động đóng cửa hàng trăm cửa hàng. Việc này khiến dư luận xôn xao, nhưng với ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thế Giới Di Động, “đóng 300 cửa hàng Bách hoá Xanh là khá bình thường vì chuỗi đang trong giai đoạn tái cấu trúc”. Cũng theo ông Tài, sau thời gian tái cấu trúc, doanh thu của hệ thống này đang tăng cao, các cửa hàng đã “tự nuôi” được. Bách hoá Xanh đang tập trung xây dựng quản trị thay vì bán hàng, vì chuỗi cần một nền tảng chắc chắn cho giai đoạn bứt phá từ năm 2023.

Cửa hàng mini phiên bản 4.0

Trong khi xu hướng bán lẻ đa kênh đang phổ biến, vị trí tốt vẫn còn được nhiều doanh nghiệp chú trọng. PNJ cũng đang thực hiện chiến lược mở rộng mạng lưới kinh doanh. Theo ông Lê Trí Thông, CEO của PNJ, đại dịch giúp doanh nghiệp có được những cửa hàng có vị trí tốt với giá thuê mặt bằng mềm hơn. Đây cũng là lý do khiến các nhà bán lẻ phải đóng bớt cửa hàng nếu vị trí các điểm bán quá gần nhau hoặc không thuận lợi.

Bán lẻ chuyển mình

Những yếu tố khách quan buộc doanh nghiệp bán lẻ phải có tầm nhìn toàn diện hơn. Họ phản ứng nhanh chóng theo những cách chưa từng có, từ cách xử lý dịch vụ khách hàng cho đến cách hoàn thành các đơn đặt hàng, thậm chí là mô hình mới. Theo ông Trần Bằng Việt, CEO của Dong A Solutions, đây là những thay đổi cần thiết để các cửa hàng bán lẻ tiến lên bước phát triển mới. Mặt bằng là vấn đề cốt tử của nhiều chuỗi bán lẻ, nhất là những mô hình bán lẻ bám chặt khu dân cư. “Các nhà bán lẻ luôn phải đau đầu để đàm phán với chủ nhà giá thuê hợp lý, tìm cách đạt giá thuê ổn định lâu dài và phải cạnh tranh với nhiều chuỗi bán lẻ khác để có được mặt bằng vừa ý”, ông Việt nhận định.

Đổi mới không ngừng và kinh doanh đa mặt hàng là cách để các nhà bán lẻ tối ưu hoá điểm bán. PNJ tập trung kinh doanh những mặt hàng cùng chung đối tượng, cùng hành vi mua sắm. Đó là các sản phẩm thời trang, phụ kiện đi kèm, giúp tôn vinh vẻ đẹp, đề cao sự tinh tế, sang trọng của người sử dụng như trang sức, đồng hồ, túi xách, mắt kính… Bách hoá Xanh sẽ chuẩn hoá diện tích, chỉ tập trung vào các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, xây dựng chính sách bán hàng mới, thay đổi trang trí… Các cửa hàng WinMart+ sẽ hoàn thiện hệ sinh thái đa tiện ích trong mô hình Point of Life. “Tại Masan, chúng tôi tin rằng công nghệ sẽ là yếu tố chuyển đổi bức tranh tiêu dùng và xem đây là một trong những trụ cột chiến lược cần ưu tiên”, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Masan, nhận định. Sáu tháng đầu năm, The CrownX, nền tảng tiêu dùng – bán lẻ tích hợp 2 mảng lớn là WinComerce và Masan Consumer Holdings, tiếp tục là đơn vị dẫn đầu của Tập đoàn Masan với doanh thu thuần đạt 26.092 tỉ đồng. Riêng khối cửa hàng bán lẻ WinMart+ đạt doanh thu 9.528 tỉ đồng; doanh thu của WinMart là 4.708 tỉ đồng…

Bán lẻ chuyển mình

Có thể thấy khi làm tốt mô hình cửa hàng, siêu thị mini, các nhà bán lẻ sẽ cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ hơn. Theo Kantar Worldpanel, hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam đã chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Còn theo Nielsen, tốc độ mở cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam đã tăng 200% mỗi năm. Trong tương lai, với nhiều tiện ích vượt trội, kênh bán hàng này được dự báo sẽ chiếm ưu thế trong cuộc đua bán lẻ hiện đại.

Viết Nguyên
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư