Nhìn lại thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Khi 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2

Nhìn lại thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Khi 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2

Lý do đằng sau việc Masan “mua đắt” Phúc Long hồi đầu năm đang dần được hé lộ nhờ doanh thu tài chính “khủng” trên BCTC quý II.

Phúc Long đóng góp một phần “lãi khủng” 6 tháng đầu năm

Nửa đầu năm 2022, Masan lãi đậm với lợi nhuận trước thuế đạt 3.335 tỷ đồng, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đến từ 2 nguyên nhân chính.

Đầu tiên, phải nói đến việc Masan đã nâng được biên lợi nhuận gộp trong kỳ từ hơn 22% lên 28%, dẫn đến lợi nhuận gộp tăng trưởng gần 10% bất chấp doanh thu thuần giảm 12,5%.

Bên cạnh đó, doanh thu tài chính cũng đóng góp đáng kể vào kết quả kinh doanh chung. Doanh thu tài chính 6 tháng đầu năm của Masan đạt 1.591 tỷ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước.

Nhìn lại thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Khi 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2

Trích BCTC bán niên hợp nhất Masan công bố

Đáng lưu ý, trong 1.591 tỷ doanh thu hoạt động tài chính, có 1/3 đến từ việc đánh giá lại giá trị khoản đầu tư trước đây. Masan cho biết, trong kỳ, tập đoàn đã ghi nhận khoản lãi phát sinh một lần từ việc đánh giá lại khoản đầu tư trước đây vào Phúc Long Heritage.

Nhìn lại thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Khi 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2

Trích BCTC bán niên hợp nhất Masan công bố

Masan từng phải mua “đắt” Phúc Long?

Tháng 5/2021, Masan mua 20% vốn cổ phần của Phúc Long với giá 15 triệu USD, tương ứng định giá 75 triệu USD.

Không lâu sau, vào tháng 1/2022, Masan mua thêm 31% cổ phần của Phúc Long, nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%, qua đó nắm quyền chi phối thương hiệu đồ uống này.

Điều đáng nói, cái giá ông lớn đã bỏ ra cho 31% cổ phần Phúc Long là 110 triệu USD, tương ứng định giá vốn cổ phần công ty này là 355 triệu USD, khoảng hơn 8.000 tỷ đồng.

Điều này đồng nghĩa với việc, chỉ sau khoảng 7 tháng, giá trị của Phúc Long đã được định giá tăng gấp gần 5 lần.

Lúc ấy, trên các diễn đàn tài chính, người ta bàn luận rất sôi nổi về thương vụ này. Người thì cho rằng định giá Phúc Long quá đắt, khi P/E tính ra rơi vào khoảng 15x, trong khi P/E của ngành nước uống, giải khát hiện đang ở khoảng 25 – 30.

Có người giải thích, đây là mức giá mua kiểm soát, không phải mua cổ phiếu thông thường, giá trị nhận được từ việc kiểm soát Phúc Long ngoài những tài sản trên báo cáo tài chính còn là tập khách hàng sẵn có, thương hiệu… Phúc Long là mảnh ghép phù hợp trong chiến lược Point of Life (POL) của tập đoàn Masan.

Cũng có ý kiến cho rằng, không cần bỏ nhiều tiền đến như vậy để mua Phúc Long. Với thương hiệu, độ phủ sẵn có và cơ sở vật chất của mình, Masan hoàn toàn có thể gây dựng một thương hiệu đồ uống mới tích hợp vào hệ thống Winmart như hiện nay với chi phí thấp hơn đáng kể.

Là “Gà” hay “Cáo”?

Trước hết phải khẳng định, Masan dưới sự điều hành của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang luôn rất giỏi trong việc kiếm tiền từ chiến lược tài chính. Điển hình như năm 2018, Masan kiếm được 1.472 tỷ đồng lợi nhuận từ việc "giả định" bán một phần tỉ lệ sở hữu trong công ty liên kết – Techcombank, nhờ vào kết quả phát hành cổ phiếu quỹ cao hơn giá sổ sách.

Với kế hoạch thâu tóm Phúc Long, ông Quang và các cộng sự hẳn đã phải tính toán chu toàn ngay từ đầu, bao gồm giá cả và cách thức mua.

Về mặt thời gian, thương hiệu Phúc Long có từ lâu nhưng công ty cổ phần Phúc Long Heritage – sở hữu thương hiệu Phúc Long mới được thành lập lần đầu tiên vào ngày 21/05/2021. Vài ngày sau, Masan thực hiện mua 20% cổ phần Phúc Long lần đầu.

Ngày 25/10/2021, công ty cổ phần Phúc Long Heritage thay đổi thông tin đăng ký kinh doanh, theo đó ông Nguyễn Đăng Quang (Masan) trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Lâm Bội Minh (Phúc Long) là Tổng giám đốc.

Việc ông Quang Masan trở thành Chủ tịch hội đồng quản trị của Phúc Long khi công ty này mới chỉ là công ty liên kết của Masan đã thể hiện phần nào sự khăng khít của những “cam kết” hai bên đã thoả thuận với nhau.

Nhìn lại thương vụ Masan thâu tóm Phúc Long: Khi 1+1 không phải lúc nào cũng bằng 2

Hình ảnh minh họa

Như trong bài viết trước đây chúng tôi đã phân tích, bàn về thương vụ Masan mua Phúc Long sẽ thiếu sót khi không đặt nó trên góc độ tài chính. Tài chính vốn là lĩnh vực rất phong phú, trong đó “1+1” không phải lúc nào cũng bằng “2”. Chẳng hạn như câu chuyện anh A mua đất dưới đây.

Ở xứ nọ, có anh A vừa giàu lại tinh khôn. Anh ta muốn mua lô đất rộng 500 m2 với giá 5 tỷ đồng, tương đương 10 triệu đồng/m2 nhưng không xuống tiền 1 lần. Anh thương lượng với người bán, mua trước 250 m2, trả 2 tỷ đồng, tương đương 8 triệu đồng/m2. Tháng sau sẽ mua nốt 250 m2 còn lại với giá 3 tỷ đồng, tương đương 12 triệu đồng/m2.

Đương nhiên hai bên phải “ràng buộc” nhau bằng những điều khoản trong hợp đồng, thậm chí đặt cọc... để đảm bảo thực hiện đúng cam kết.

Điều thú vị ở chỗ, thông tin anh A mua 250 m2 với giá 3 tỷ đồng vừa loan ra, đã có hàng xóm chạy sang bắt tay rối rít.

“Chúc mừng ông. Giá đất đã tăng lên 12 triệu đồng/m2, miếng đất 500 m2 của ông bây giờ giá trị trường là 6 tỷ đồng. Ông lãi được 1 tỷ rồi nhé”.

Câu chuyện trên, bỏ qua yếu tố bất động sản tăng giá và độ hóng hớt phi thường của người hàng xóm, chúng ta nên chú ý vào cách mua bán của anh A, đó là cả một nghệ thuật.

Vẫn chỉ bỏ ra số vốn là 5 tỷ đồng nhưng bằng cách mua bán làm 2 lần. Lần 1 mua với giá thấp hơn giá trị thực, lần 2 mua cao hơn giá trị thực, anh A đã tự tạo ra mặt bằng giá mới là 12 triệu đồng/m2 thay vì 8 hay 10 triệu đồng/m2.

Tất nhiên điều này hoàn toàn hợp pháp và được thị trường thừa nhận. Giá mua lần 2 trở thành căn cứ để thị trường định giá lại 250 m2 anh A mua lần 1. Lúc này, 500 m2 đất của anh A không còn là 5 tỷ, mà trở thành 500 m2 x 12 triệu đồng/m2, bằng 6 tỷ đồng.

Quay trở lại câu chuyện Masan mua Phúc Long, mọi thứ dần trở nên tường minh hơn khi số liệu BCTC hợp nhất quý II của Masan được công bố. Có thể thấy, dẫu Phúc Long chưa cho “trái ngọt” về kết quả kinh doanh nhưng đã đem lại thu nhập tài chính không nhỏ, đóng góp vào lợi nhuận “khủng” 3.110 tỷ của Masan trong nửa đầu năm 2022.

“Trong nửa đầu năm 2022, Phúc Long Heritage ghi nhận doanh thu 820 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước và EBITDA 117 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ năm trước do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk hiện vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động” Trích báo cáo tóm tắt kết quả KD 6 tháng đầu năm của Masan.

An Vũ
Nguồn CafeF