Văn hoá khởi nghiệp của AWS: mô hình nhóm 2 chiếc bánh pizza và hơn 200 dịch vụ đám mây toàn cầu
Để cung cấp dịch vụ đổi mới sáng tạo cho khách hàng toàn cầu, công thức thành công của AWS là mô hình nhóm “2 chiếc bánh pizza”.
Theo bà Priya Lakshmi, Trưởng phòng kinh doanh khởi nghiệp, AWS khu vực ASEAN, mỗi bánh pizza có thể cho 5 người ăn, 2 bánh là 10 người. Đó là quy tắc chung của AWS (Amazon Web Services) là mỗi dự án, dịch vụ chỉ có tối đa 10 người xử lý. Công thức này được áp dụng cho hơn 200 dịch vụ toàn cầu mà AWS đang cung cấp.
“Vì sao? Vì đội nhóm có quy mô nhỏ có thể hiểu khách hàng tốt hơn, đưa ra quyết định nhanh hơn và chúng tôi tin rằng đó là cách làm giảm nguy cơ thất bại và nếu có thì hậu quả cũng sẽ đỡ nặng nề hơn so với các dự án quá nhiều nhân sự”, bà Lakshmi nói.
Nguyên nhân của quy tắc này xuất phát từ thư gửi cổ đông năm 2015 của Nhà sáng lập công ty, ông Jeff Bezos. Trong thư ông Jeff Bezos nhấn mạnh rằng “Thất bại và sáng tạo là cặp song sinh không thể tách rời. Sáng tạo cần đi kèm với thử nghiệm, thử nghiệm mà biết chắc sẽ thành công thì không còn gọi là thử nghiệm nữa”.
Câu nói đó gần như là kim chỉ nam cho văn hoá startup của AWS. Công ty không có quy định xử phạt khi thất bại diễn ra mà học hỏi từ chúng. Chính vì thế phải làm sao sản phẩm, dịch vụ đưa ra thị trường nhanh, có thất bại cũng phải thật nhanh và ít thiệt hại nhất, đó là sứ mệnh của AWS.
Quy tắc nhóm “2 chiếc bánh pizza” là cột trụ về kiến trúc, một trong 4 trụ cột hình thành văn hoá startup của AWS. Các cột trụ còn lại bao gồm văn hoá, tổ chức và cơ chế. Theo bà Lakshmi, công ty xác định được mục tiêu nhưng cần có tổ chức và cơ chế cụ thể để khuyến khích nhân tài phát huy tác dụng đồng thời giữ vững được tính kỷ luật của tổ chức để có thể đi xa.
“Trong đó, quan trọng nhất của văn hoá startup là luôn xem khách hàng là trọng tâm bằng cách “ám ảnh” về việc hỗ trợ khách hàng hoàn thành tốt nhất công việc của họ. Mọi sáng tạo đều phải xuất phát từ nhu cầu của khách hàng là cách chúng tôi đã và đang làm”, bà Lakshmi nói.
Ông Nguyễn Bảo Nguyên, Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ Bizzi, công ty cung cấp giải pháp tài chính cho doanh nghiệp cho biết nhờ những bước tương đồng trong văn hoá của công ty với AWS đã giúp Bizzi phát triển rất nhanh trong 2 năm vừa qua.
Cụ thể, tương đồng với quy tắc nhóm “2 chiếc bánh pizza” của AWS ở Bizzi có tên gọi là “Squad”, là một tổ đội có 8 người bao gồm kỹ thuật, tiếp thị, thiết kế và bán hàng…nhằm thu thập và phản hồi nhu cầu khách hàng nhanh nhất. Với quy mô nhỏ nên việc trao đổi thông tin rất hiệu quả, nhất là trong giai đoạn giãn cách vừa qua.
Thứ đến là văn hoá xem khách hàng là trọng tâm nổi tiếng của AWS. Theo ông Nguyên, tháng 3/2020 là thời điểm đóng sổ tài chính của doanh nghiệp cũng là thời điểm bận rộn của bộ phận tài chính, kế toán doanh nghiệp. So với các phòng ban khác, kế toán là phòng có tốc độ chuyển đổi số chậm nhất vì công việc phải được làm ở văn phòng, không được đem về nhà vì tính bảo mật của hoá đơn chứng từ.
Việc chuyển đổi số có thể làm thay đổi hoàn toàn quy trình làm việc từ trước đến nay. Thế nhưng do văn hoá đặt khách hàng là trọng tâm nên công ty đã lắng nghe các trở ngại của họ trong công việc, cải thiện sản phẩm để đem lại lợi ích tốt nhất.
“Chính vì thế chỉ sau 2 năm, chúng tôi may mắn có hơn 1.000 khách hàng sử dụng dịch vụ tự động hoá kế toán, trong đó có hơn 160 khách hàng doanh nghiệp lớn với đa dạng ngành nghề và đã huy động được 3 triệu USD đầu tư”, ông Nguyên hào hứng chia sẻ.
Trong bối cảnh mùa đông đang đến với các công ty, kể cả startup công nghệ vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bên cạnh văn hoá cần nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn hiện nay. Với một doanh nghiệp đã đi qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, AWS hiểu rất rõ điều này.
Bà Lakshmi cho biết từ năm 2013, công ty đã triển khai chương trình AWS Activate nhằm cung cấp cho các startup đạt tiêu chuẩn các lợi ích như hạ tầng công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo trong nhiều lĩnh vực như tính toán, lưu trữ, cơ sở dữ liệu, máy học…. Chỉ trong 2 năm qua, AWS đã dành hơn 2 tỉ USD ở dạng Activate Credit giúp các startup toàn cầu phát triển hoạt động kinh doanh và tăng tốc phát triển thị phần.
Thông qua chương trình này, bà Lakshmi cho biết công ty cung cấp bảng điều khiển Activate Console, được thiết kế để hỗ trợ những người sáng lập qua mọi giai đoạn trong hành trình khởi nghiệp của họ: từ ý tưởng ban đầu, đến xây dựng MVP (minimum viable product), đến có được khách hàng đầu tiên, và mở rộng quy mô kinh doanh trên AWS.
Dịch vụ Activate Console cung cấp cho người sáng lập các đề xuất được cá nhân hoá về nhiều chủ đề đào tạo đáng lưu ý dựa trên cách sử dụng AWS của họ, đồng thời theo dõi và giám sát các khoản tín dụng và chi phí AWS của người dùng.
Trong bối cảnh hiện nay, công ty cũng đưa ra thị trường “Build On AWS”, một bộ sưu tập các mẫu cơ sở hạ tầng sẵn sàng cho sản xuất cùng nhiều kiến trúc tham chiếu bao gồm nhiều giải pháp được phát triển đặc biệt cho các startup trong từng lĩnh vực khác nhau.
“Nền tảng cốt lõi để hình thành văn hoá startup của AWS là hạ tầng công nghệ hiệu quả, linh hoạt và hoàn toàn đáng tin cậy. Và đây cũng là điều chúng tôi muốn chia sẻ với các startup trên toàn cầu”, bà Lakshmi nói.
Hoàng Kim
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư