Lửa đỏ trong mùa đông startup
Thời hoàng kim gọi vốn của startup đã qua khi cuộc khủng hoàng ngành công nghệ xuất hiện và thị trường IPO chững lại. Những serial startup là những yếu tố bất ngờ mới…
Kinh nghiệm của các nhà serial startup founder (doanh nhân từng làm ở các công ty công nghệ hoặc truyền thống tích hợp công nghệ và tiếp tục khởi nghiệp) đang giữ lửa cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam trong bối cảnh việc gọi vốn đang gặp nhiều khó khăn.
“Mùa đông” đang đến
Giữa tháng 6 vừa qua, Tesla thông báo sa thải 10% nhân viên, tương đương 500 công nhân vì người đứng đầu công ty không mấy lạc quan về tình hình kinh tế hiện tại. Việc cắt giảm nhân sự của công ty xe điện hàng đầu thế giới đã được dự đoán từ trước nhưng điều các chuyên gia không ngờ là tình hình các công ty công nghệ lại đang diễn ra ảm đạm đến như vậy.
Y Combinator, đơn vị đã ươm mầm cho hơn 3.000 công ty khởi nghiệp bao gồm những cái tên nổi bật như Airbnb, Dropbox và Reddit, mới đây đã phải kêu gọi các công ty khởi nghiệp cắt giảm chi phí. Tương tự những cái tên nổi tiếng khác trong lĩnh vực này như Behemoth, Sequoia Capital cũng cảnh báo rằng nguồn vốn giá rẻ đã không còn nữa và quỹ đạo phục hồi theo hình chữ V sẽ không diễn ra.
Có thể thấy, thời hoàng kim gọi vốn của startup đã qua khi cuộc khủng hoảng ngành công nghệ xuất hiện và thị trường IPO chững lại. Theo Dealogic, chỉ số Nasdaq đã giảm gần 30% kể từ đầu năm nay. Số lượng IPO trên toàn cầu trong quý I cũng giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình này khiến các quỹ đầu tư mạo hiểm giờ đây phải thu hẹp hoạt động nếu không thể thu hồi những khoản đầu tư trên thị trường đại chúng.
Ngay lập tức, câu chuyện về các “startup kỳ lân” được chuyển từ rót vốn sang đề tài sa thải nhân sự, thu hẹp hoạt động... Sau các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc thu hẹp hoạt động là đến lượt Ấn Độ, khu vực thu hút dòng vốn mạo hiểm đứng thứ 3 thế giới. Tính đến tháng 5/2022, có ít nhất 8.000 nhân sự ở các công ty như Lido Learning, MFine, Car24, Meesho, Trell… bị ảnh hưởng.
CB Insights dự báo nguồn vốn huy động được từ các quỹ đầu tư mạo hiểm ở Châu Á sẽ giảm 31% trong quý IV đến nửa đầu năm sau. Đó cũng là lý do Orios Venture Partners kêu gọi các nhà đầu tư của họ “thận trọng với việc tuyển dụng” vì vốn sẽ vẫn bị hạn chế cho đến nửa đầu năm 2023.
Đến nay, Việt Nam có trên 200 quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động và đầu tư cho các startup tại Việt Nam, trong số đó có gần 40 quỹ đầu tư nội địa. Tổng số quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng 60%. Theo Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia, thanh toán và thương mại điện tử vẫn là 2 lĩnh vực đứng đầu về thu hút vốn đầu tư. Ngành trò chơi trực tuyến liên quan đến game blockchain cũng đã vươn lên vị trí thứ 3 trong số các ngành được đầu tư nhiều nhất nhờ vào thành công trên toàn cầu của Sky Mavis cùng sản phẩm Axie Infinity.
Theo báo cáo thường niên của ESP Capital và Cento Ventures, với việc thu hút vốn đầu tư vào startup Việt đạt hơn 1,3 tỉ USD trong năm 2021, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 3 trong hệ sinh thái khởi nghiệp ASEAN, chỉ sau Indonesia và Singapore. Dù có dự báo năm 2022 các quỹ đầu tư tiếp tục đổ vốn vào startup Việt có thể đạt 2 tỉ USD, nhưng đại diện của Quỹ đầu tư Do Ventures nhận định với NCĐT rằng: “Tình hình siết dòng vốn sẽ bắt đầu rõ nét hơn vào các quý cuối năm 2022. Trong đó, các vòng gọi vốn với quy mô lớn (thông thường là sau vòng B) sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất”.
Lợi thế của “cựu binh”
Chuẩn bị kế hoạch tiết kiệm trong 18-24 tháng là công thức chung của các startup hiện nay. Đại diện một quỹ đầu tư chia sẻ trên Millennium Post: “Chúng tôi chưa lạc đường trong rừng, nhưng sẽ sớm đối mặt với tình trạng đó. Việc tìm ra con đường ra khỏi khu rừng sẽ phụ thuộc vào những người sáng lập dẫn đường”.
Điều này đang là lợi thế của các nhà sáng lập Việt Nam, kinh nghiệm từ các lần khởi nghiệp trước đã giúp họ rất nhiều trong “mùa đông” hiện nay. Chia sẻ tại sự kiện Người Tiên Phong do NCĐT tổ chức, ông Lâm Minh Chánh cho biết dù dịch bệnh nhưng công ty EdTech (công nghệ giáo dục) kinh doanh và tài chính BizUni của ông vẫn đang phát triển tốt. Ông Chánh là người được giới kinh doanh biết đến với dự án Sàn Giao dịch Vàng Thế Giới và sáng lập chuỗi trung tâm toán tư duy Mathnasium năm 2013 với 24 trung tâm và 10.000 sinh viên sau 2 năm.
Bí quyết vượt qua “mùa đông” của ông Chánh rất dễ dàng: không quan trọng doanh nghiệp kinh doanh công nghệ như trí tuệ nhân tạo (A.I), blockchain…, quan trọng nhất là sản phẩm đưa ra thị trường phải có người tiêu thụ và khả năng thực thi kế hoạch kinh doanh của người sáng lập. “Tôi tự hào đóng thuế đầy đủ trong giai đoạn vừa qua”, ông Chánh nói.
Tương tự, ông Phạm Ngọc Duy Liêm, sáng lập GoStream, đơn vị cung cấp nền tảng hỗ trợ livestream bán hàng, cho biết vẫn đang giữ vững nhịp kinh doanh. Sau 2 năm, công ty hiện có 15.000 người sử dụng thường xuyên, trong đó có 8.000 người trả phí ở 40 quốc gia. Là một người từng xây dựng nền tảng video cạnh tranh với YouTube, ông Liêm cho biết GoStream đang tăng trưởng với chi phí tối ưu nhất và có đường hướng sáng nhất so với các doanh nghiệp ông từng điều hành.
Có hơn 10 năm làm việc trong ngành viễn thông, thông qua các đối tác viễn thông toàn cầu, ông Liêm đã nhận được tín hiệu video là xu hướng của tương lai. “Nếu như năm 2012, tôi biết đó là xu hướng, thì nay tôi biết cách như thế nào để tồn tại và phát triển trong xu hướng đó”, ông Liêm nói.
Đây cũng là điều được người sáng lập JobHopin chia sẻ. Ông Nguyễn Hải Tùng từng phụ trách tuyển dụng cho tập đoàn đa quốc gia và nhận ra các nền tảng lúc bấy giờ không thể đáp ứng nhu yêu cầu của ông. JobHopin là đơn vị tiên phong đầu tư vào công nghệ A.I hỗ trợ tuyển dụng nhân sự ở Việt Nam và công ty đang hái những quả ngọt từ sự liều lĩnh của mình.
Đầu năm nay, JobHopin công bố hợp tác với SAP, theo đó công ty sẽ được tích hợp cùng SAP SuccessFactors – giải pháp nhân sự điện toán đám mây lớn nhất thế giới, mở cánh cửa tiếp cận hơn 300.000 khách hàng ở Đông Nam Á. “Đây là cơ sở cho sự tăng trưởng đột biến của chúng tôi trong năm nay”, ông Tùng nói.
Bà Quỳnh Võ, Giám đốc Phát triển Zone Startups Việt Nam, nhìn nhận đúng là mùa đông đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực kể cả công nghệ nên hoạt động rót vốn sẽ có phần kén chọn và cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, nhà đầu tư sẽ không ngủ đông mà tiếp tục tìm kiếm những startup tiềm năng.
Đáng chú ý, Việt Nam đang có lợi thế khi đón nhận các nhà sáng lập là người đã từng làm việc, hoặc khởi nghiệp các công ty công nghệ quay lại tiếp tục khởi nghiệp. Những nhà sáng lập này có kinh nghiệm triển khai kinh doanh, tập hợp đội ngũ nhanh, hiểu biết công nghệ và có mối quan hệ tốt với nhà đầu tư.
Quan trọng nhất là do am hiểu thị trường, thế hệ các nhà sáng lập sẽ tạo ra được những mô hình “chuẩn” dựa trên các lợi thế địa phương để cạnh tranh với nhóm ngoại. Nói cách khác, họ đã xây dựng cho mình một rào cản gia nhập ngành tốt hơn rất nhiều so với những thế hệ đi trước. “Điều này giúp một nhà sáng lập 10 năm trước có thể mất vài năm để hoàn thành vòng gọi vốn hạt giống, thì hiện nay khoảng thời gian chỉ tính bằng tháng”, bà Quỳnh Võ nói.
Koina Investment Group, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực agritech (công nghệ nông nghiệp) 7 tháng tuổi, do ông Nguyễn Trần Thi sáng lập là một ví dụ điển hình. Ông Thi là cái tên khá quen thuộc trong cộng đồng startup Việt với vai trò là đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc Điều hành Giao Hàng Nhanh (thuộc Scommerce) và đồng sáng lập One Mount Group. Ông Thi cho biết mất 1 tháng để xây dựng đội ngũ cốt lõi, 2 tháng để đưa sản phẩm ra thị trường và sau 7 tháng đã đạt cột mốc vận chuyển hơn 1.000 tấn nông sản/tháng cùng mạng lưới bán lẻ ở 9 tỉnh, thành, bao gồm Hà Nội và TP.HCM. “Sau Glife Technologies, chúng tôi sẽ sớm công bố vòng đầu tư mới với một quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân (private equity) thứ 2 trong thời gian tới”, ông Thi nói.
Không chỉ Koina, thống kê của NCĐT về các thương vụ đầu tư được công bố trên truyền thông trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy trong số 29 thương vụ, có gần một nửa được dẫn dắt bởi các serial startup founder. Điển hình 2 thương vụ gần đây là OnPoint và Anfin đều được sáng lập và điều hành bởi các nhân sự cao cấp của Lazada và Ahamove, đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng tức thời.
Sự trưởng thành của các nhà sáng lập ở Việt Nam cũng là niềm cảm hứng cho các quỹ đầu tư tham gia tìm kiếm cơ hội. Mới đây, những nhà sáng lập Ascend Vietnam Ventures (AVV) vừa công bố hoàn tất đợt huy động 50 triệu USD cho quỹ chuyên đầu tư vòng hạt giống là AVV Alpha. Các nhà lãnh đạo của quỹ này tin rằng thời điểm thị trường điều chỉnh chính là lúc tạo ra những doanh nghiệp tiềm năng nhất.
Ông Bình Trần, đồng sáng lập AVV, cho biết bản thân đã từng đi qua 2 cuộc khủng hoảng là khủng hoảng dot-com (năm 2000), khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008) và nhận thấy đây là thời điểm rất nhiều công ty công nghệ mới được ra đời và tạo nên dấu ấn cho các giai đoạn sau đó.
Theo người sáng lập AVV, có 3 lý do đây là thời điểm thuận lợi cho các startup xây dựng sản phẩm. Thứ nhất, số vốn chưa được giải ngân của nhà đầu tư đang nhiều hơn so với những thời kỳ khủng hoảng trước đây. Thứ 2, đây là thời điểm chín muồi cho công nghệ thay đổi thị trường khi mà nhiều ngành nghề, lĩnh vực trước kia chưa thể chạm được trong điều kiện kinh tế bình thường. “Cuối cùng, đây cũng là thời điểm tốt nhất để thu hút nhân tài trong các ngành tham gia lĩnh vực công nghệ”, ông Bình Trần nói.
Đồng quan điểm, ông Louis Nguyễn, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Saigon Asset Management (SAM), cho biết ông sẽ tham gia đầu tư các công ty công nghệ trong thời gian tới. Shark Louis Nguyễn là người đặt chân vào ngành khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam từ rất sớm là năm 2003 với IDG, năm 2005 với Quỹ DFJ của VinaCapital. 2015-2020 là giai đoạn ông cho rằng đầu tư công ty công nghệ ở Việt Nam tốt nhất so với 2 thời điểm trên, khi đội ngũ lãnh đạo tài năng trong và ngoài nước đều tham gia nhiều hơn.
Chưa chia sẻ về thời điểm cụ thể, nhưng ông Louis Nguyễn cho biết sẽ tập trung vào các công ty sử dụng công nghệ để cải thiện môi trường và xã hội như lĩnh vực giáo dục, y tế hay nông nghiệp chẳng hạn. Vì đây là những ngành tương đối khó vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn, cần trợ lực từ các quỹ có cùng tầm nhìn để ươm mầm doanh nghiệp.
“Dòng vốn về ESG (môi trường, xã hội, quản trị công ty) đang rất dồi dào và tôi mong các startup bắt đầu nghĩ nhiều hơn đến việc sử dụng công nghệ để cải thiện chính môi trường sống của chúng ta. Đó cũng chính là xu hướng bền vững nhất của doanh nghiệp”, ông Louis Nguyễn nói.
Công Sang
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư