Diễn biến trái ngược trong hệ sinh thái Thế Giới Di Động: Bách hoá Xanh đóng 150 cửa hàng, Avakids và An Khang tăng tốc
Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, Thế Giới Di Động đang mạnh tay tái định vị chuỗi Bách hoá Xanh. Trong khi đó, Avakids, TopZone và An Khang lại lần lượt chạm đến các cột mốc mới về quy mô cửa hàng, tiến sát những đối thủ đi trước.
Thông tin hàng loạt cửa hàng Bách hoá Xanh đóng cửa đang là thông tin khiến nhiều người bất ngờ. Chuỗi Bách hoá Xanh được Thế Giới Di Động ra mắt từ năm 2015 nhưng phải đến năm 2020-2021 mới thực sự chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ, nhờ hưởng lợi từ đại dịch COVID-19. Năm 2020, chuỗi mở thêm 700 cửa hàng, trung bình mỗi tháng mở thêm 58 cửa hàng mới. Kết thúc năm 2021, Bách hoá Xanh sở hữu hơn 2.000 điểm bán, vượt mốc 1 tỉ USD doanh thu.
Tháng 4/2022, Bách hoá Xanh có 2.140 cửa hàng. Tuy nhiên, tính đến tối 12/7, theo thông tin trên website, chuỗi siêu thị – bách hoá này chỉ còn sở hữu 1.952 điểm bán, tức giảm 188 cửa hàng. Động thái đóng cửa này nằm trong lộ trình tái định vị và củng cố nền tảng vận hành cho Bách hoá Xanh, được Thế Giới Di Động đưa ra trong báo cáo kinh doanh 5 tháng đầu năm 2022.
Theo đó, từ tháng 4/2022, tập đoàn sẽ bắt đầu thay đổi layout (cách bố trí – sắp xếp cửa hàng) cho chuỗi siêu thị theo chuẩn mới: Chỉ tập trung vào 2.000-3.000 SKUs có nhu cầu tiêu dùng cao và thường xuyên, đồng thời xây dựng chính sách hàng hoá mới, biến Bách hoá Xanh thành lựa chọn hàng đầu về sản phẩm tươi sống của người nội trợ. Chỉ sau 1 tháng, 50% số cửa hàng đã thay đổi layout.
Thế Giới Di Động đặt mục tiêu sẽ hoàn thành việc thay đổi layout cho 100% cửa hàng vào quỹ III/2022. Đặc biệt, tập đoàn này cũng quyết liệt rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả. Đây được cho là động thái quyết liệt của ông lớn Thế Giới Di Động, nhằm củng cố lại nền tảng cho Bách hoá Xanh sau quãng thời gian tăng trưởng nóng và gặp không ít vấn đề về truyền thông, khách hàng vào năm ngoái.
Trái ngược với tình cảnh thu hẹp quy mô của Bách hoá Xanh, các thành viên khác thuộc hệ sinh thái Thế Giới Di Động vẫn đang miệt mài mở rộng quy mô. Trong 5 tháng đầu năm 2022, chuỗi Điện máy Xanh Supermini mở thêm 317 cửa hàng, Topzone mở thêm 36 cửa hàng, chuỗi nhà thuốc An Khang thêm 101 điểm bán mới. Cùng lúc tái cấu trúc lại Bách hoá Xanh, Thế Giới Di Động đang đặt ra những mục tiêu lớn, tham vọng thống lĩnh thị trường với các thử nghiệm mới.
Với Avakids, ngày mùng 1/6 vừa qua, mô hình thử nghiệm mới trong ngành bán lẻ mẹ & bé của Thế Giới Di Động đã nhanh chóng ăn mừng cột mốc 50 cửa hàng. Với mục tiêu mở 200 điểm bán trong năm 2022, rất có thể Avakids sẽ sớm bắt kịp các “cựu binh” như Kids Plaza, Bibo Mart và rút ngắn khoảng cách với chuỗi Con Cưng về số lượng cửa hàng. Bên cạnh đó, Avakids sẽ tập trung phủ sóng tại các tỉnh lẻ và khu vực nông thôn – thị trường mà Con Cưng, Kids Plaza hay Bibo Mart đều chưa tập trung đến.
“Đây được xem là cột mốc quan trọng từ không thành có, chuyển qua giai đoạn từ có thành nhiều hơn nữa cho 1 lĩnh vực hoàn toàn mới, lĩnh vực Mẹ & Bé. Chúng tôi đặt mục tiêu đạt 200 cửa hàng vào cuối 2022 và tiếp tục phát triển trong 2 năm tiếp theo đến 2024 trở thành nhà bán lẻ lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực mẹ & bé cả về số lượng cửa hàng và doanh thu đóng cho Thế Giới Di Động”, lời chia sẻ của CEO Đoàn Văn Hiểu Em nhân dịp Avakids đón cửa hàng thứ 50.
Tương tự, TopZone cũng đón cột mốc cửa hàng thứ 50 trong tháng 6. Đến cuối năm nay, Thế Giới Di Động muốn TopZone hoàn thành KPI 200 cửa hàng. Trong khi đó, đối thủ “truyền kiếp” của TopZone là F Studio by FPT, dù đã ra đời từ 2012 nhưng đến 2018 mới có 20 điểm bán. FPT Retail từng có kế hoạch mở được 102 cửa hàng đến năm 2020 nhưng hiện tại, nhà bán lẻ này vẫn không công khai số điểm bán hiện có.
Luỹ kế đến tháng 5/2022, chuỗi chuyên bán đồ Apple – TopZone mang về cho Thế Giới Di Động 840 tỷ đồng doanh thu. “Với 200 cửa hàng TopZone cùng hơn 3.000 cửa hàng Thế giới Di động, Thế Giới Di Động kỳ vọng doanh thu các sản phẩm Apple vào cuối năm 2023 sẽ đạt 1 tỷ USD, chiếm lĩnh 40% thị phần tại Việt Nam. Nếu tham vọng này được hiện thực hoá, Thế Giới Di Động không chỉ là kênh bán hàng có thị phần lớn nhất Việt Nam mà còn trở thành nhà mua hàng có doanh số lớn nhất của Apple tại Châu Á”, ông Đoàn Văn Hiểu Em từng chia sẻ.
Trong khi đó, CEO Đoàn Văn Hiểu Em vừa chia sẻ trên trang cá nhân, tiết lộ chuỗi nhà thuốc An Khang đã đón chào cửa hàng thứ 500, đúng như kế hoạch đặt ra hồi đầu năm. Trước đó, Thế Giới Di Động vẫn tỏ ra khá thận trọng, chưa dành nhiều nguồn lực cho An Khang. Chuỗi nhà thuốc này thậm chí còn chậm chân so với tốc độ bành trướng nhanh chóng của chuỗi Long Châu (thuộc FPT Retail) và Pharmacity.
Kết thúc năm 2021, An Khang mới có 178 điểm bán, trong khi Long Châu sở hữu gần 700 cửa hàng, còn Pharmacity bỏ xa các đối thủ trên đường đua khi vượt mốc 1.000 điểm bán. Tuy nhiên, từ năm 2022, Thế Giới Di Động đang dồn lực nuôi lớn An Khang, vừa giúp chuỗi nhà thuốc này chạm mốc 500 cửa hàng. Con số này còn khá khiêm tốn so với Pharmacity nhưng đang tiến sát nút 689 điểm bán hiện có của Long Châu. Tốc độ mở rộng của An Khang đang tương đương với thời kỳ mở rộng mạnh mẽ nhất của các chuỗi Thế giới Di động hay Điện máy Xanh trước kia. Tuy nhiên, Thế Giới Di Động chưa đưa ra một mục tiêu cụ thể về doanh thu, thị phần cho chuỗi nhà thuốc này.
Cũng vì cả TopZone, Avakids và An Khang đều mới đang trong giai đoạn mở rộng quy mô nên hiện chuỗi Thế giới Di động và Điện máy Xanh vẫn là hai trụ cột chính, đóng góp đến trên 81% doanh thu cho tập đoàn. Bách hoá Xanh trong công cuộc tái cấu trúc, chỉ đóng góp 17,7% doanh thu. Các mảng kinh doanh còn lại chiếm vỏn vẹn 1,2% nguồn thu.
Kết thúc 5 tháng kinh doanh đầu năm 2022, lợi nhuận của Thế Giới Di Động gần như đi ngang, đạt 2.202 tỷ đồng, tăng 1% so với cùng kỳ. Thế Giới Di Động mới đạt 35% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.
Theo Hoàng Thuỳ
Nguồn CafeF