Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Một ngày cuối tháng 6, truyền hình Nhật Bản đưa tin về sản phẩm nộm hoa chuối, nước uống giải nhiệt được chế biến từ nguyên liệu bán tại siêu thị.

Từng có trong tay mọi thứ, ở tuổi ngũ tuần, ông Nguyễn Trung Dũng quyết định về Việt Nam khởi nghiệp lần 4 với 2 bàn tay trắng vì ý thức rằng thời gian không thể chờ đợi.

Một ngày cuối tháng 6, truyền hình Nhật Bản đưa tin về sản phẩm nộm hoa chuối, nước uống giải nhiệt được chế biến từ nguyên liệu bán tại siêu thị. Các phóng viên thực hiện phóng sự khá bất ngờ khi người tiêu dùng được phỏng vấn đều cầm lọ muối tiêu, muối Tây Ninh đến từ nhà cung cấp Dh Foods Việt Nam để giới thiệu.

Để có sản phẩm được người tiêu dùng ở thị trường “khó tính” đón nhận nhiệt tình, ông chủ của thương hiệu Dh Foods – Nguyễn Trung Dũng, 59 tuổi, đã phải trải qua nhiều năm lăn lộn thương trường với đủ hỉ nộ ái ố.

3 lần khởi nghiệp nơi đất khách

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Ông chủ của thương hiệu Dh Foods
Ảnh: Quý Hòa

Ông Nguyễn Trung Dũng, Thạc sĩ IT Đại học Bách khoa Wroclaw Ba Lan, đã trải qua 4 lần khởi nghiệp với 3 lần nơi đất khách với hình ảnh một chàng trai trẻ thiếu kinh nghiệm, hiếu thắng và 1 lần ở Việt Nam với hình ảnh người đàn ông điềm tĩnh, bình thản khi đã bước sang tuổi ngũ tuần.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, năm 1981, chàng trai 19 tuổi bắt đầu sang Ba Lan du học. Với học bổng chỉ 5 USD/tháng, cũng như bao sinh viên thời đó, ông Dũng phải tìm cách làm thêm từ công việc buôn bán quần áo, đồ dùng… để kiếm tiền ăn học.

Tốt nghiệp đại học, lấy vợ người Ba Lan, ông quyết định góp vốn khởi nghiệp ở “quê vợ” chung với 4 người bạn thời đại học. Từ việc buôn bán nhỏ lẻ, 5 người bạn đã phát triển thành công ty chuyên về thời trang, thủ công mỹ nghệ…

Cũng trong thời gian này, nhận thấy ở Ba Lan chưa có ai biết đến mì ăn liền, ông Dũng về Việt Nam tìm nguồn hàng. Ông quyết định nhập khẩu số lượng lớn mì sang Ba Lan. Kết quả không có bạn hàng nào chịu bán mì gói. Các thành viên trong công ty bắt ông một mình tự chịu trách nhiệm giải quyết đống hàng này. Lăn lộn khắp các cửa hàng thực phẩm, ông chấp nhận ký gửi hàng và tiếp tục đi các tỉnh lẻ chào hàng. Dần dần sản phẩm mì gói được ưa chuộng và được bày bán tại các cửa hàng thực phẩm lớn và ông được trả tiền ngay.

Sự việc lần này càng làm ông Dũng nhận thức rõ sự khác biệt về tư duy kinh doanh giữa các thành viên trong công ty. Thế là ông Dũng quyết định ra riêng. Năm 1992, ở tuổi 30, vị doanh nhân này chính thức khởi nghiệp lần 2 với quyết tâm mãnh liệt là phải thành công bằng mọi giá. Ông Dũng làm việc với công suất 16 tiếng/ngày để đưa được hàng vào các hệ thống siêu thị và nhà phân phối trên toàn quốc.

Không có tiền, ông đi vay nóng để phát triển công ty. Ông về Việt Nam tìm nguồn hàng, nhập khẩu mì gói của Vifon, Thiên Hương, Lucky của Công ty An Thái, Long Xuyên, An Giang. Tình hình kinh doanh phát triển, có thời điểm công ty ông nhập khẩu khoảng 60 container/tháng. Sẵn hệ thống phân phối, ông Dũng nhập khẩu bún khô, nước hoa quả đóng lon, dứa đóng hộp, tương ớt, nước tương, gạo.

“Với sự nhanh nhạy của một người kinh doanh, sản phẩm nào bán được ở Ba Lan mà Việt Nam có sản xuất là mình tìm cách liên hệ với nhà sản xuất, ban đầu chấp nhận trả tiền mặt, sau thời gian sản lượng tăng cao, công ty đàm phán trả chậm”, ông chia sẻ.

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Ảnh: TL

Thất bại vì bị bạn “lật kèo”

Lần khởi nghiệp thứ 2, ông Dũng đã rất thành công ở góc độ kinh doanh. Công ty liên tục mở rộng hoạt động, ông thuê 2 người làm đại diện thương mại tại Việt Nam, phụ trách đàm phán với nhà sản xuất, kiểm tra chất lượng hàng hoá, làm thủ tục để xuất khẩu. Có thời điểm sản lượng xuất khẩu của công ty lên đến 100 container/tháng. Vào những năm 1990, mức lương của đại diện công ty tại Việt Nam lên tới 800-1.000 USD/tháng.

Chỉ sau 4 năm thành lập, CEO trẻ Nguyễn Trung Dũng có trong tay tất cả, nhà đẹp, xe sang và cuộc sống xa hoa. Thừa thắng xông lên, với kinh nghiệm trong ngành, cộng thêm sẵn vốn, ông quyết định nhập khẩu dây chuyền máy móc Nhật Bản, xây dựng nhà máy sản xuất trực tiếp mì ăn liền Kim Lân tại Ba Lan. Công ty phát triển mạnh chỉ sau 5 năm thành lập. Năm 1997, doanh thu của công ty lên đến gần 10 triệu USD. “Ở tuổi 35, tài sản của tôi đã vượt triệu USD, mình có thể chi tiêu không cần suy nghĩ, đi chơi khắp thế giới không cần băn khoăn”, ông Dũng nhớ lại.

Nhưng sau đó, ông đã rút ra một bài học đắt giá: “Chọn Co-founder nên chọn người cùng tư duy kinh doanh, không nhất thiết là bạn thân, hợp đồng nên chặt chẽ và hợp lý, không cả nể”, bởi một lần nữa ông lại đi vào vết xe đổ khi tiếp tục hợp tác với người bạn cũ.

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Ông kể lại, khi công ty đã phát triển, ông gặp lại một số người bạn và mong muốn được ngỏ ý làm đại lý cho công ty tại các vùng khác nhau tại Ba Lan. Lúc này, ông Dũng nắm 100% cổ phần công ty nhập khẩu và phân phối tại các tỉnh miền Tây Ba Lan, 75% các công ty phân phối nhỏ (tỉ lệ phân chia theo mô hình 75/25). Trong số các cổ đông mới, có một người bạn ông đã cùng khởi nghiệp lần đầu, từ mối thâm tình, ông Dũng hết lòng chia sẻ bí quyết kinh doanh với người bạn này.

Tuy nhiên, tình bạn lại một lần nữa trắc trở khi ông Dũng nhận ra việc để người bạn làm đại diện pháp luật cho công ty, sổ sách bắt đầu xuất hiện vấn đề. CEO trẻ thời điểm này còn thiếu kinh nghiệm quản lý khi bắt đầu đưa ra những thay đổi và mắc phải những sai lầm “để đời”. Ông chủ động chia lại tỉ lệ cổ phần tại các công ty phân phối với các bạn là 50/50. Sau một thời gian cảm thấy quá mệt mỏi, ông tặng lại 100% cổ phần của mình cho các bạn cổ đông.

Trong một công ty, khi nhiều cổ đông cùng ngang quyền nhau thì không ai chịu nghe theo ai và dẫn đến tình bạn, tình đồng nghiệp tan vỡ. Mâu thuẫn giữa ông Dũng và một người bạn ngày càng gay gắt khi ông biết những người bạn này họp riêng để tìm cách loại bỏ ông. “Tôi đã xuống gặp trực tiếp họ và nói: nếu anh thấy anh giỏi tự làm được thì anh cứ tự nhiên. Và họ đã không thanh toán cho mình tiền hàng còn nợ, khoảng 20.000 USD. Về phía mình, mình đã mở công ty phân phối mới ở vùng đó và tuyển bạn quản lý chứ không chia 25% như ban đầu nữa”.

Vì hiếu thắng, CEO trẻ đã dần để mất vị thế và thị phần phân phối sản phẩm tại thị trường Ba Lan. Nhà phân phối mì tại An Giang sang thăm ông. Sau khi thấy thị trường quá màu mỡ, họ đã đề nghị mua lại công ty phân phối của ông. Ông không đồng ý, họ đã lập tức thay đổi điều kiện kinh doanh 2 bên đã ký, ông không đồng ý và quay sang làm với nhãn hàng khác.

Kết quả, nhãn hàng thay thế không được thị trường đón nhận như nhãn cũ, công việc kinh doanh của ông cũng dần đi xuống. Năm 2003, ông bán lại công ty cho Tập đoàn Technocom tại Ukraine (tiền thân của Tập đoàn Vingroup ngày nay) với giá 6,5 triệu USD.

Khởi nghiệp lần 3 thất bại vì quá nhiều tiền

Nghỉ ngơi một thời gian, đi lang thang du lịch các nước, ông nhận ra sản phẩm thức ăn chế biến sẵn đang phát triển tại Thái Lan, Nhật Bản, Ba Lan chưa ai làm. Năm 2007, ông Dũng sắn tay khởi nghiệp lần 3 với tâm thế của một người có tiền. Ông đã không ngờ rằng, chính lần khởi nghiệp này đã khiến ông đốt tiền như một con thiêu thân và cuối cùng trở về Việt Nam với 2 bàn tay trắng.

Vốn lớn, ông Dũng nhanh chóng đầu tư nhà máy thức ăn chế biến sẵn dành cho nhân viên văn phòng và bà nội trợ bận rộn. Sản phẩm nhanh chóng được đón nhận, ông tự tin đẩy mạnh đầu tư sản phẩm mới và mở rộng thị trường.

Tuy nhiên, một năm sau, kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu nên chọn mua sản phẩm giá rẻ trong khi sản phẩm của ông là thức ăn chế biến sẵn nên giá cao hơn. Thế là công ty của ông mất dần thị trường. Thay vì rút lui, ông đã không ngừng “bơm tiền” đầu tư thêm và kết quả là mất sạch tài sản đã đầu tư gầy dựng từ lần khởi nghiệp thứ 2.

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Ảnh: TL

Quan hệ hôn nhân từ lâu đã không còn tốt đẹp, ông để lại những bài học đau thương từ 3 thập kỷ với 3 lần khởi nghiệp ở Ba Lan. Năm 2010 ông quyết định xách vali về Việt Nam vì phải lòng cô bạn học thời cấp 3.

Ông làm việc tại Công ty Vifon do người bạn khởi nghiệp lần đầu đang sở hữu cổ phần chi phối. Quãng thời gian 2 năm đã đủ để ông “quy hoạch” lại nhân sự, bộ máy hoạt động, đưa công ty này từ doanh thu 700 tỉ đồng đến tăng trưởng gấp đôi. Cũng chính nền tảng xây dựng tại Vifon cũng là bàn đạp cho ông trong lần khởi nghiệp lần 4 tại quê hương.

Làm việc tại Vifon được 2 năm, một lần nữa những bất đồng giữa 2 người bạn cũ lại xảy ra, ông chọn cách ra đi. Vì là người “vực dậy” Vifon nên ông được nhiều công ty lớn trong nước săn đón. Bỏ lại những lời mời với mức lương hấp dẫn, ông đã quyết định khởi nghiệp công ty nhỏ chuyên về gia vị với số vốn ban đầu 1,2 tỉ đồng từ tiền tiết kiệm và người bạn đời hiện tại góp vốn.

Khởi nghiệp lần 4 ở tuổi 50

Những chuyến đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để gặp gỡ đối tác và tìm hiểu thị trường thời làm ở Vifon lại trở thành những “tư liệu” tìm đặc sản gia vị vùng miền của vị CEO từng trải này. Trên chuyến xe đi khảo sát tại Tây Ninh, ông thấy cậu nhân viên mua bánh tráng và muối về làm quà tặng nên trong lòng ông luôn suy nghĩ về các loại gia vị Việt.

“Thời còn ở Ba Lan, tôi rất nhớ các món ăn, gia vị Việt Nam mặc dù xung quanh tôi tràn ngập gia vị của ‘người khác’. Nhà bếp của mọi gia đình ở Ba Lan cũng có tủ gia vị với rất nhiều thảo mộc. Siêu thị Ba Lan, Đức hay Tiệp thì tràn ngập hàng ngàn loại gia vị bản địa, cũng như hàng trăm chủng loại gia vị Thái Lan”, ông kể lại.

“Nhưng vì nhớ vị đặc sản Việt, tôi thường lái xe đi hàng trăm cây số để mua được mấy chai nước mắm, mấy hũ cà pháo và một số gia vị khác do người Việt Nam nhập qua rồi bán trong cộng đồng người Việt”.

Khi về Việt Nam, ông thấy các sản phẩm gia vị tuổi thơ đã thay đổi nhiều. Rất nhiều sản phẩm dùng phẩm màu, chất bảo quản nhân tạo và hương liệu. Chính các phụ gia “hiện đại” đó làm mất đi mùi vị mộc mạc, tự nhiên của các món ăn đã gắn liền với tuổi thơ.

Bốn lần khởi nghiệp của CEO U60

Trong những lần đi công tác từ Bắc đến Nam, ông nhận thấy một điều thú vị là ở Việt Nam thì vùng nào cũng có các gia vị đặc sản mang nét đặc trưng của vùng đất ấy, trải dài mấy ngàn cây số từ Hà Giang đến Cà Mau nhưng chưa được bán rộng rãi, chủ yếu vẫn là kinh doanh nhỏ lẻ, chưa có công ty lớn trong nước nào làm chuyên về gia vị. Chính những điều đó đã thôi thúc ông Dũng khởi nghiệp lần nữa với thương hiệu Dh Foods vào năm 2012, khi tròn 50 tuổi.

Suốt 4 năm đầu tiên kinh doanh, Dh Foods gặp thua lỗ. Khách hàng chê màu sản phẩm không đẹp, sản phẩm vón cục vì làm gia vị không hoá chất. “Nếu không có kinh nghiệm, nhiều người sẽ dễ bỏ cuộc”, ông Dũng chia sẻ.

Đi con đường riêng, tìm những sản phẩm ngách của thị trường đã giúp Dh Foods tồn tại đến ngày hôm nay. Không chỉ vậy, doanh số cứ tăng mỗi ngày. Năm 2021, doanh số của của Dh Foods là 146 tỉ đồng, tăng trưởng hơn 50% so với năm 2020. Trong kế hoạch năm nay, Dh Foods dự kiến doanh thu đạt 180-220 tỉ đồng.

“Tôi ước mơ sản xuất được những sản phẩm gia vị Việt truyền thống mang nét đặc trưng của từng vùng miền, sản phẩm phải hoàn toàn tự nhiên, không dùng phẩm màu tổng hợp hay chất bảo quản nhân tạo”.

Hiện ước mơ của ông Nguyễn Trung Dũng đã dần thành hiện thực khi Dh Foods đã sản xuất được rất nhiều sản phẩm gia vị từ các vùng miền Bắc – Trung – Nam, cung cấp cho hầu hết các siêu thị tại Việt Nam và xuất khẩu đi rất nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan, Úc, Mỹ, Anh, Đức, Nga.

“Tôi mong muốn một ngày nào đó, gia vị mang thương hiệu Dh Foods sẽ góp phần vào bữa ăn của các gia đình Việt và có mặt trên khắp thế giới”, ông Dũng chia sẻ.

Thanh Hương
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư