TikTok Mega Sales, Mega Entertaining, Mega Success: Có đến 8 trên 10 người dùng khám phá ra các thương hiệu mới trong mùa siêu mua sắm
Tại sự kiện TikTok Mega Sales, Mega Entertaining, Mega Success (ngày 30/6), đại diện TikTok Việt Nam cho biết trong mùa siêu mua sắm, 43% người dùng đã mua hàng sau khi được đề xuất bởi các nhà sáng tạo trên TikTok. Con số này cao hơn 1,9 lần so với các nền tảng trực tuyến khác.
Cơ hội nào cho thương hiệu trong mùa siêu mua sắm?
Tận dụng tính giải trí để trở nên khác biệt
Mở đầu sự kiện, bà Naree Nguyễn – Head of Key Account Partnership, TikTok Việt Nam, chia sẻ về những cơ hội mà mùa siêu mua sắm (Mega Sales) mang lại cho thương hiệu trên nền tảng video ngắn.
Bà cho biết dù có nhiều biến động, nhu cầu mua sắm của người dân không hề suy giảm hậu đại dịch. Theo một khảo sát của TikTok, 9 trên 10 người dùng bày tỏ sự mong chờ tới mùa sale mỗi năm. Vì vậy, mùa siêu mua sắm vẫn là cơ hội lý tưởng để thương hiệu tiếp tục chú trọng triển khai các chiến dịch toàn phễu marketing. Từ đó giúp thương hiệu quảng bá đến người tiêu dùng tốt hơn.
Bà nhấn mạnh người tiêu dùng hiện đại rất thông minh và nhạy cảm trước những nội dung quảng cáo. Chính vì thế, các quảng cáo tập trung vào sự chuyển đổi trong mùa siêu mua sắm dường như chưa đủ để tạo ra kết nối cảm xúc với người dùng ngày nay. Bên cạnh đó, thương hiệu cũng khó thu hút sự chú ý của người tiêu dùng bằng những mẫu quảng cáo có nội dung tương tự nhau. Theo đó, thương hiệu có thể tận dụng tính giải trí để trở nên khác biệt và kết nối dễ dàng hơn với người tiêu dùng khó tính thời nay. Và bà chỉ ra có 78% người dùng thấy các nội dung trên TikTok giải trí hơn nhiều so với các nền tảng khác (theo nghiên cứu của Nielsen).
Sức mạnh của hậu mãi trong hành trình mua sắm
Để làm rõ tầm quan trọng của yếu tố “giải trí”, bà Naree giới thiệu hành trình mua hàng trên TikTok trong mùa mùa siêu mua sắm. Hành trình này không phải là một đường thẳng mà là vòng lặp vô cực được kéo dài và tăng tốc liên tục.
Vòng xanh bên trái hiển thị các hoạt động chuyển đổi khách hàng của thương hiệu. Còn các hoạt động và tương tác với người tiêu dùng sau khi mua được thể hiện ở màu đỏ bên phải. Bà cho biết các hoạt tương tác với người tiêu dùng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng sự trung thành và tăng trưởng doanh thu cho thương hiệu.
Bắt đầu từ phía bên trái của vòng vô cực, bà chỉ ra mùa siêu mua sắm đem lại cơ hội lớn để thúc đẩy sự khám phá, cân nhắc đối với những thương hiệu và sản phẩm mới. Trong một khảo sát người dùng của TikTok, gần 8/10 người cho biết đã khám phá ra các thương hiệu mới trong mùa siêu mua sắm. Và 1 nửa trong số này đã tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin về thương hiệu sau khi xem các quảng cáo trên TikTok.
Bà nhấn mạnh nội dung giải trí có ảnh hưởng mạnh mẽ đến mọi hành động của người dùng trên nền tảng video ngắn. Có 85% người dùng TikTok đồng ý rằng họ thích xem quảng cáo với nội dung có tính giải trí hơn. Sự yêu thích này chính là chìa khoá biến giải trí thành chuyển đổi. Có hơn 1 nửa người dùng đã mua hàng sau khi xem quảng cáo trên TikTok trong mùa siêu mua sắm. Phần đông người dùng cũng trả nhiều tiền hơn, và thậm chí đã mua hàng ngoài dự tính.
Nói thêm về sức mạnh của hậu mãi của hành trình mua sắm, bà Naree chia sẻ có đến ¾ người dùng TikTok sẽ mua tiếp sau khi hết mùa mùa siêu mua sắm. Sức mạnh của cộng đồng và nhà sáng tạo trên TikTok là lời giải cho hiện tượng này.
Một ví dụ điển hình về sức mạnh cộng đồng là trào lưu #TikTokMadeMeBuyIt. Hashtag này trở thành 1 hiện tượng toàn cầu khi tính đến nay đã có hơn 14,4 tỷ lượt xem toàn cầu. Nhiều sản phẩm, thậm chí là hàng xa xỉ, đã “cháy hàng” nhờ vào hiện tượng #TikTokMadeMeBuyIt.
Bà cũng nói rằng các nhà sáng tạo chính là cốt lõi sự phát triển mạnh mẽ của TikTok. Trong mùa siêu mua sắm, 43% người dùng TikTok cho biết họ đã mua hàng sau khi được đề xuất bởi các nhà sáng tạo trên TikTok. Theo khảo sát từ TikTok, con số đó cao hơn 1,9 lần so với các nền tảng mạng xã hội khác. Chẳng hạn trong chiến dịch #Maybeli ra mắt dòng sản phẩm mới SuperStay, Maybeline đã kết hợp cùng các nhà sáng tạo về làm đẹp nổi tiếng trên nền tảng để minh chứng độ chống nước của phấn nền. Họ được khuyến khích trải nghiệm sản phẩm bằng những cách thức thú vị như tạt nước, đeo khẩu trang, áp điện thoại lên mặt mà không lem makeup… Trong thời điểm diễn ra chiến dịch, những video với ý tưởng thử phấn nền độc đáo và chân thật đã được đông đảo người dùng TikTok đón nhận. Kết quả thu về là sản phẩm bán hết chỉ sau 4 phút ra mắt trên Shopee Mall. Nổi bật là so với cùng kỳ năm trước, doanh số dòng sản phẩm SuperStay tăng 790%, doanh số bán hàng trực tuyến cũng tăng 32,4%.
Tóm lại, có 3 cơ hội lớn mà thương hiệu có thể tận dụng để chiến thắng mùa mùa siêu mua sắm là:
- Chuyển đổi thương mại (Commerce): Tăng tốc quá trình khám phá tới hành động qua giải trí
- Văn hoá (Culture): Phối hợp với 1 cộng đồng người dùng sẵn sàng tương tác với thương hiệu và có ý định mua hàng
- Nội dung (Content): Chiếm lấy những khoảnh khắc mùa siêu mua sắm với nội dung mang tính giải trí
Giải pháp từ TikTok giúp thương hiệu khai phá cơ hội của mùa siêu mua sắm
Tiếp nối, bà Sunny To – Brand Strategist, TikTok Việt Nam, chia sẻ 3 giải pháp tương ứng với mỗi cơ hội kể trên:
- Commerce: Đầu tiên, thương hiệu cần tăng tốc hành trình từ khám phá tới mua hàng với các loại hình quảng cáo trên TikTok. Ở đây, thương hiệu có thể cân nhắc sử dụng In-feed Ads – giải pháp giúp tối ưu quảng cáo tuỳ vào mục đích của thương hiệu ở từng giai đoạn từ khám phá đến kêu gọi mua hàng.
- Culture: Tiếp đến là xây dựng trải nghiệm mua hàng toàn diện và tương tác. Bà Sunny giới thiệu giải pháp Top Feed (quảng cáo In-feed Ads đầu tiên người dùng nhìn thấy khi mở ứng dụng).
- Content: Để chiếm sóng khoảnh khắc siêu mua sắm, thương hiệu có thể tham khảo những gói tài trợ đặc biệt từ TikTok như Gói đại sứ, Gói tăng cường, hay Gói TikTok Shop.
Bà Sunny To cũng nói thêm về lợi ích mà giải pháp TikTok Shop mang lại cho thương hiệu trong mùa siêu mua sắm. Đó là mở ra cơ hội tiếp cận khách hàng ngay từ khi họ đang xem nội dung giải trí của thương hiệu, bất kể là livestream hay video quảng cáo sản phẩm mới. Và việc mọi hành động đều diễn ra trên nền tảng còn giúp giảm thiểu sự đứt quãng khi mua hàng của người dùng.
Chiến lược truyền thông mùa siêu mua sắm năm 2022
Tiếp đến, ông Khiêm Hồ – Head of Client Solutions tại TikTok Việt Nam chia sẻ các cách thức giúp thương hiệu thiết kế chiến lược truyền thông mùa siêu mua sắm chuẩn chỉnh.
Ông cho biết nửa cuối năm sẽ diễn ra liên tiếp các đợt khuyến mãi từ ngày trùng số đến lễ, Tết… Trước mỗi dịp, thương hiệu nên bắt đầu thực hiện nhiều thử nghiệm để tìm ra những mẫu quảng cáo tối ưu và phù hợp. Trong thời gian này, thương hiệu cũng cần liên tục đo lường để tìm cách tối ưu hoá chiến dịch và so sánh kết quả thử nghiệm, cải thiện để đạt được kết quả tốt hơn. Theo đó, có 4 lưu ý chính khi triển khai chiến dịch mùa siêu mua sắm. Ông Khiêm trình bày trước 3 đề mục đầu tiên.
Thứ nhất là xác định các giai đoạn của chiến dịch, mục tiêu và TA tương ứng ở mỗi giai đoạn.
Ông Khiêm tiết lộ TikTok thường đề xuất thời gian triển khai 1 chiến dịch là từ 15-35 ngày. Cụ thể, một chiến dịch gồm 3 giai đoạn chính:
- Thông báo thời điểm sale (diễn ra từ 7-14 ngày trước ngày teasing) để kích thích và tạo sự hứng khởi; mục tiêu ở giai đoạn này là tăng lượt tiếp cận.
- Teasing (diễn ra từ 7-14 ngày trước ngày D-Day) để tăng khám phá và cân nhắc bằng các mục tiêu lượt nhấp quảng cáo và lượt truy cập website/ tải ứng dụng để tạo danh sách nhắm mục tiêu sau này.
- Đếm ngược (diễn ra từ 2-5 ngày trước D-Day) để tạo được sự khẩn trương rồi chuyển đổi bằng các giải pháp quảng cáo, chiến lược nhắm mục tiêu phù hợp.
Tiếp theo, ông Khiêm chuyển qua những lưu ý về cách thiết lập tập người dùng mục tiêu cho chiến dịch. Với khách hàng mới, thương hiệu cần tích cực tiếp cận và sàng lọc để xây dựng tập khách hàng tiềm năng. Thương hiệu có thể tăng cường lượng truy cập website bằng cách nhận diện đối tượng phù hợp với các chiến lược nhắm mục tiêu theo sở thích, hành vi, địa lý... Còn với khách hàng hiện tại, thương hiệu hãy tận dụng các tín hiệu về onsite (từ chính môi trường TikTok) và offsite (đối tác đo lường di động) để thiết lập các tập khách hàng tuỳ chỉnh rồi nhắm mục tiêu.
Thứ hai, các thương hiệu hãy sử dụng các giải pháp khác nhau trong từng giai đoạn để xây dựng một chiến dịch Siêu mua sắm thành công. Ví dụ trước hết, thương hiệu hãy bắt đầu sử dụng In-feed Ads để tối ưu hiện diện trước mùa siêu mua sắm . Trong giai đoạn khởi động, thương hiệu cân nhắc dùng giải pháp Top Feed và R&F để tăng mức độ tiếp cận người dùng mục tiêu. Đến giai đoạn teasing, thương hiệu muốn tăng lượng truy cập website có thể sáng tạo các chương trình tương tác, giải trí với Branded Effect, Branded Mission… Và khi đến gần ngày D-Day, thương hiệu có thể kích thích hành động thêm vào giỏ hàng của người dùng bằng các loại hình Catalog Ads.
Thứ ba, trong bất kỳ chiến dịch nào, đo lường luôn là bước quan trọng giúp thương hiệu đánh giá hiệu quả của chiến dịch, từ đó đưa ra cách giải quyết kịp thời, nhanh chóng. Theo ông Khiêm, thương hiệu chạy chiến dịch trên TikTok cần nắm rõ những giải pháp đo lường sau: Brand Lift Study, Kantar Ad Effectiveness Study (dùng để đo lường các chỉ số về thương hiệu), và Sales Lift Study, Media Mix Modeling (dùng để đo lường về chuyển đổi).
Ông cũng nhấn mạnh trước khi bắt đầu chiến dịch, thương hiệu cần đặt ra những chỉ số đo lường chính xác và lấy đó làm kim chỉ nam để đảm đảm bảo kết quả cuối cùng. Cụ thể, ông đưa ra những chỉ số tương ứng với các giai đoạn của một chiến dịch như sau:
- Giai đoạn hâm nóng: Hãy sử dùng các chỉ số ở đầu phễu như tiếp cận, hiển thị, lượt xem… để đảm bảo hệ thống xác định được người dùng mục tiêu. Kế đến là đưa tập người dùng này xuống những mục tiêu dưới của phễu.
- Giai đoạn teasing: Sử dụng chỉ số lượt xem, lượt tải, lượt mở ứng dụng… giúp thương hiệu có thể đưa những đối tượng đã tiếp cận trong giai đoạn trước đến thẳng website hay ứng dụng của thương hiệu.
- Giai đoạn đếm ngược: Hành động tiếp theo sau khi đưa được người dùng tới website chính là bỏ hàng vào giỏ, thêm sản phẩm vào mục yêu thích, hoặc điền thông tin thanh toán…
- Và cuối cùng vào ngày Dday, chính là lượt checkout/mua hàng.
Đến với lưu ý thứ 4, bà Vi Nguyễn – Creative Strategist của TikTok Việt Nam, trình bày cách giúp thương hiệu tạo ra những video giàu tính sáng tạo, giải trí. Từ đó đưa thương hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng mục tiêu.
Bà cho biết ý tưởng quảng cáo cần dựa trên chiến lược và bám sát mục tiêu đã đặt ra từ ban đầu. Theo đó vai trò của bộ phận sáng tạo thể hiện trong từng giai đoạn của chiến dịch.
Cụ thể trong thời điểm công bố, mục tiêu lúc này là tăng lượng tiếp cận. Ý tưởng sáng tạo cần giúp việc nghiên cứu, khám phá sản phẩm trở nên thú vị, dễ dàng hơn. Chẳng hạn Traveloka, Three Box phổ biến thông tin chiến dịch, giveaways, khuyến mãi đến TA bằng cách vận dụng Top View và In-feed Ads, kết hợp với âm nhạc sôi động, hiệu ứng chuyển cảnh hấp dẫn.
Đến giai đoạn teasing, thương hiệu ở thời điểm này đã lọt vào tầm ngắm của người dùng. Nhiệm vụ của bộ phận sáng tạo là phải liên tục tìm nhiều cách thức khác nhau để phô bày tính năng sản phẩm, nhằm giúp in dấu thương hiệu vào tâm trí khách hàng. Như thương hiệu mỹ phẩm từ Trung Quốc, Hufuholic sử dụng hiệu ứng chuyển và biến hình bắt mắt để giúp người dùng hiểu thêm về tính năng và công dụng sản phẩm theo cách tự nhiên. Bà Vi cho biết hiệu ứng biến hình có thể giúp tăng thời gian xem video thêm 14%. Qua video quảng cáo của Hufuholic, người dùng không chỉ thấy đồng cảm mà còn tìm được cảm hứng thay đổi bản thân.
Sau cùng là giai đoạn quyết định khi mục tiêu tối thượng của thương hiệu là chuyển đổi. Ý tưởng sáng tạo cũng cần truyền tải được năng lượng đó, khiến người dùng chốt đơn trong sự hăng hái, phấn khích. Ví dụ điển hình là quảng cáo của Lazada và Shopee đã tạo cảm giác cấp thiết và thúc đẩy người dùng mua sắm khi đến ngày D-Day. Trong đó, Lazada sử dụng Countdown Sticker - một hình thức quảng cáo có tác động mạnh mẽ đến mức adrenaline của người dùng. Còn Shopee tiết lộ các cách áp mã giảm giá “siêu nhiên” để người dùng săn được những deal tốt.
Đóng lại phần trình bày của mình cũng như buổi chia sẻ của TikTok về chủ đề tiềm năng của mùa siêu mua sắm, bà Vi Nguyễn mang đến “bài ca” bất hủ đối với những thương hiệu muốn chạy quảng cáo hiệu quả như sau:
- 3 giây đầu là vàng. Đây là thời điểm khả năng tác động của một video quảng cáo đến người xem chiếm đến 50%. Hãy tận dụng 3 giây này để nói điều thương hiệu cần.
- Rõ ràng và khúc chiết khi nhắc đến tính năng sản phẩm. Hãy tìm ra điểm khác biệt của thương hiệu, và tập trung vào điều đó.
- Đừng chỉ nói, hãy tìm kiếm sự tương tác bằng cách thêm vào các tính năng add-on độc quyền.
- Cho người tiêu dùng cái họ cần như mẹo, flash deals, món hàng không thể bỏ lỡ… giúp việc khám phá và mua sắm của người dùng dễ dàng và giải trí hơn.
- Lời kêu gọi hành động cần thẳng thắn và trực tiếp như mua sắm ngay, cài đặt ngay, hay xem ngay… nhờ vậy mà người dùng biết chính xác điều họ phải làm.
- Hãy quan tâm đến trải nghiệm của người dùng như tối ưu hoá khung hình dọc và đảm bảo chất lượng của video.
Xem lại toàn bộ nội dung sự kiện tại đây.
Thảo Nguyên / Brands Vietnam