Phở Index
Hãy nhìn vào tô phở để biết lạm phát đang tăng đến đâu.
Báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu vừa mới được công bố của World Bank và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy viễn cảnh khá u ám với tăng trưởng chậm lại và sức ép lớn của lạm phát. Thực tế, nhiều nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng lạm phát kỷ lục, lặp lại lịch sử sau hàng chục năm. Ảnh hưởng của lạm phát đến đời sống của tầng lớp có thu nhập thấp và vừa là lớn nhất, dù ở nước giàu hay nghèo.
Với mức lạm phát năm 2021 là 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2015, Việt Nam cũng đang là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát của thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao nên lạm phát trong nước sẽ không tránh khỏi xu thế chung của toàn cầu. Nhiều định chế tài chính quốc tế cũng đề cập rủi ro lạm phát ở Việt Nam. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo chỉ số này đạt 3,9% cuối năm nay. Standard Chartered Bank đưa ra viễn cảnh lạm phát vượt 4% trong năm 2022 và có thể đạt mức 5,5% vào năm 2023.
Báo cáo của HSBC cho thấy, trong khi giá năng lượng tăng lên là động lực chính thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các thị trường ASEAN trong vài tháng đầu năm 2022, rủi ro lớn hơn bây giờ lại xuất phát từ giá thực phẩm tăng tại các thị trường khác trên thế giới. Gần như toàn bộ các hạng mục thực phẩm toàn cầu đều tăng giá mạnh từ đầu năm 2022, đặc biệt là dầu ăn. Giá thực phẩm tăng để lại ảnh hưởng trên diện rộng, một phần là do gián đoạn nặng nề trong sản xuất nông nghiệp ở Đông Âu và tác động càng gia tăng do những hạn chế xuất khẩu.
Ấn Độ, nước sản xuất bột mì lớn thứ 2 trên thế giới, đã triển khai cấm xuất khẩu bột mì từ trung tuần tháng 5 khiến giá bột mì ngay lập tức tăng thêm 7% và đồng thời áp dụng giới hạn trần xuất khẩu đường. Tương tự, Indonesia, nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, gần đây cũng đã cấm xuất khẩu dầu cọ trong 3 tuần, còn Malaysia hạn chế xuất khẩu gà. Tình hình hiện nay gợi chúng ta nhớ đến “cuộc khủng hoảng giá thực phẩm” ở Châu Á năm 2008. Khi đó, chi phí năng lượng tăng cao càng tạo áp lực lên các thị trường nông nghiệp.
So ra thì tình hình ở Việt Nam lại tốt hơn trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại, nhưng ngay cả ở đây cũng diễn ra tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy chi phí trong nước tăng theo.
Nhiều ý kiến cho rằng “sức mua cạn kiệt nên không có lạm phát” là không chính xác. Thực ra, muốn biết mức lạm phát hiện bao nhiêu thì chỉ cần nhìn vào “Phở Index” vì trong một tô phở có khá đầy đủ các hàng hoá thiết yếu để đo lường lạm phát cơ bản như hành, thịt, gạo, mắm muối, điện, nước… Nhiều tiệm phở đã tăng giá đến 20% từ đầu năm và những năm trước thì tăng 5-10% sau Tết.
Khi giá dầu thô cao, Nhà nước xuất khẩu tăng thu được nhiều cho ngân sách. Nhưng khi nhập khẩu xăng dầu giá cao, người tiêu dùng cuối phải gánh toàn bộ, trong đó bao gồm cả thuế và các loại phí phải đóng cho Nhà nước, chiếm từ 30-32% trên giá bán lẻ cuối. Lạm phát chi phí đẩy cùng lúc khiến suy giảm sức mua và tích luỹ của người dân.
Nói lạm phát là do hàng hoá tăng giá chỉ đúng về hiện tượng. Bởi nếu thu nhập tăng cùng mức tăng của hàng hoá, lạm phát bị triệt tiêu. Nói đúng hơn, lạm phát là sự suy giảm sức mua của đồng tiền trong một thời điểm nhất định.
Vậy VND có suy giảm sức mua không khi giá xăng dầu gia tăng chóng mặt? Mọi người có thể ra chợ sẽ thấy nhiều mặt hàng đã tăng giá chóng mặt. Bởi thế, lạm phát không chỉ là vấn đề tiền tệ, mà còn là do cầu kéo, chi phí đẩy. Thậm chí, trong một số trường hợp là do cơ cấu dân số.
Ngoài ra, lạm phát không chỉ là hiện tượng sức mua của nội tệ sụt giảm so với giá cả, mà còn là sự so sánh tương quan với các đồng tiền khác trên thế giới mà một quốc gia có mối quan hệ thương mại song phương. Ví dụ như khi đồng tiền của đối tác thương mại (ngoại tệ) tăng giá nhanh hơn đồng nội tệ, Việt Nam không thể xuất khẩu lạm phát cho họ. Chỉ khi nào đối tác phải nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam và thanh toán bằng VND, khi ấy Việt Nam mới có thể “xuất khẩu” lạm phát cho họ nếu VND tăng giá nhanh hơn mức tăng giá của đồng bản tệ của đối tác, hay mức giảm giá của đồng tiền phía đối tác nhanh hơn VND, khi so tỉ giá với đồng tiền trung gian thanh toán như USD.
Do đó, dù Việt Nam hiện là “trung gian xuất khẩu” thì cũng không thể nói là Việt Nam cũng xuất khẩu lạm phát ra thế giới. Vì thế, nói Việt Nam nhập khẩu lạm phát và đồng thời xuất khẩu lạm phát là chưa hoàn toàn đúng. Thậm chí, cần phải soi xét trong điều kiện chi phí đầu vào gia tăng mạnh mẽ mà giá xuất không tăng đủ bù đắp, thì phần “thiệt hại” đã được doanh nghiệp “dịch chuyển” vào đâu? Vì sao “lương tối thiểu” mãi vẫn chưa được tăng cho đủ sống.
Phạm Việt Anh
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư